Xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD
Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD. Đây là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Công thương năm 2024.
Chiều 23/12, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Báo cáo tình hình công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2024, hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023. Trong đó, khu vực thị trường châu Á - châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số, với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD (vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%), đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á (trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 9,6%, Thái Lan tăng 4,9%, Indonesia tăng 1,33%). Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm gần 85%).
Đặc biệt, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,7 tỷ USD, tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 52,6 tỷ USD, tăng 22%; hàng dệt may đạt 37 tỷ USD, tăng 11,2%; giày dép các loại đạt 22,9 tỷ USD, tăng 13%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3%; sắt thép đạt 9,3 tỷ USD, tăng 11,8%...
Thực hiện chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức cao 8%, Bộ Công thương đã đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025 để đưa vào Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phấn đấu tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2024; Xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10% so với năm 2024; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024.
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu trong năm 2025, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ứng dụng công nghệ số để tạo đột phá
Cùng ngày, tại diễn đàn "Bộ Công thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển", Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, năm 2024, Bộ đặc biệt quan tâm việc đổi mới tư duy, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển công nghệ số để tạo ra những bước đột phá trong công tác quản lý, sản xuất. Đặc biệt, việc tận dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp để chuyển đổi mô hình kinh tế, hướng đến kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ là một trong những chiến lược quan trọng. Việc tối ưu hóa sản phẩm đầu ra, tái sử dụng chất thải và ứng dụng công nghệ hiện đại là giải pháp nhằm giảm thiểu lãng phí và gia tăng giá trị cho nền kinh tế.
"Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phát huy tính sáng tạo, linh hoạt trong quản lý và triển khai các kế hoạch, với mục tiêu đạt được hiệu quả cao nhất và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước" - ông Tân nhấn mạnh.