Xuất siêu kỷ lục, mừng mà vẫn lo

Năm 2023 Việt Nam xuất siêu kỷ lục 26,9 tỷ USD, gấp 2,2 lần xuất siêu của năm 2022, nối dài 8 năm liên tiếp.

Từ hiện trạng...

Theo số liệu thống kê đã được công bố cuối tháng 12.2023 thì giá trị xuất siêu nói trên là kết quả các phép tính giản đơn từ xuất khẩu và nhập khẩu của hai khối doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu 5,1 tỷ USD mà nhập khẩu 17 tỷ USD (nhập siêu 21,9 tỷ USD). Còn khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) xuất khẩu 258,8 tỷ USD, nhập khẩu 210 tỷ USD (xuất siêu 48,8 tỷ USD). Lấy 48,8 tỷ USD trừ 21,9 tỷ USD còn 26,9 tỷ USD.

Xuất siêu lớn do khối doanh nghiệp FDI tạo ra bù lại cho nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước. Việt Nam đang là “đất lành” cho nhiều doanh nghiệp FDI đại bàng đến “làm tổ”, trong khi doanh nghiệp trong nước chưa thoát ra khỏi tình cảnh thua kém, khó khăn cố hữu, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Xuất khẩu, xuất siêu phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI không phải là hiện tượng của năm 2023 mà lâu nay đã thế và có thể còn như thế. Điều này giải mã “hiện tượng” Bắc Ninh - tỉnh rất nhỏ song xuất khẩu và xuất siêu luôn trong tốp đầu cả nước. Chủ yếu là nhờ doanh nghiệp FDI trên địa bàn làm ra (trừ năm 2023 vai trò “tốp đầu” có giảm do kinh tế thế giới khó khăn, cầu tiêu dùng giảm).

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Di chứng của các năm Covid-19 cùng các biến động bất thường làm cho nhiều nền kinh tế trên thế giới trầm lắng, nhu cầu nhập khẩu suy giảm. Là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, xuất nhập khẩu nói chung của Việt Nam không ngoài vòng cương tỏa đó. Hàn thử biểu “đơn hàng nước ngoài” của các doanh nghiệp tại Việt Nam nhấp nháy liên hồi. Các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, chỉ ký được hợp đồng ngắn hạn, khiến không ít doanh nghiệp phải làm ăn cầm chừng, thu hẹp hoặc ngừng hẳn. Kéo theo đó, người lao động bị giảm việc làm, nghỉ luân phiên hoặc nghỉ hẳn.

Trong hoàn cảnh chung, nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất giảm 8,4% thì nhập khẩu các mặt hàng cần kiểm soát lại tăng 11,3%. Trong đó, nhập nhiều ô tô từ dạng phổ thông đến hạng sang hay mỹ phẩm… Nhóm hàng hóa khác gồm các thứ lặt vặt chỉ để tiêu dùng cũng nhập khẩu tới 18,7 tỷ USD, tăng 33,2% so với năm 2023. Rau quả xuất khẩu 5,6 tỷ USD, tăng 65,9% so với năm 2022, rất đáng mừng, nhưng nhìn lại thì nhập khẩu cũng tới 1,9 tỷ USD.

... đến đôi điều suy ngẫm

Như vậy, “bức phù điêu” Việt Nam xuất siêu, liên tục xuất siêu được tác thành từ hai mảnh ghép chưa bao giờ kết dính với nhau, đó là khối doanh nghiệp FDI xuất siêu và liên tục xuất siêu còn khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu cũng liên tục. Điều này có thể còn kéo dài, là bởi nền kinh tế nước nhà vẫn phụ thuộc đáng kể vào nhiều yếu tố bên ngoài. Tăng trưởng của xuất nhập khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI, phải nhập khẩu “toàn diện” không chỉ cho sản xuất công nghiệp mà cả cho sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản và hàng tiêu dùng. Xuất khẩu vẫn dựa trên lao động “giản đơn”, tiêu tốn nhiều tài nguyên trên nền sản xuất vẫn nặng về gia công, lắp ráp, nên xuất khẩu có một phần không nhỏ là “xuất khẩu hộ” nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Nhập khẩu chưa được kiểm soát đúng định hướng.

Trong tình trạng đó khó có thể nhấn đậm một chiều rằng, nhờ xuất siêu mà góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô, do doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước không ít. Vấn đề là, phải xây dựng nội lực để doanh nghiệp trong nước có thể tăng nhanh khối lượng hàng hóa xuất khẩu, tăng nhanh giá trị hàng hóa xuất khẩu. Được như vậy thì dự trữ ngoại hối, tỷ giá, các chỉ số kinh tế vĩ mô mới ngày càng ổn định, thực chất và bền vững.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xuat-sieu-ky-luc-mung-ma-van-lo-i359428/