Xuất thân của Đức Phật
Trong khi có tương đối nhiều phiên bản tiểu sử của Đức Phật, chúng ta không thể chắc chắn về việc đâu là tiểu sử đúng và đâu là kết quả thể hiện sự tôn sùng và đặc biệt kính trọng sau này đối với Ngài.

Chúng ta đã quan sát bối cảnh văn hóa và tôn giáo cho đến thời đại của Đức Phật. Vậy còn bản thân Đức Phật thì sao? Đức Phật sinh ra tại một thị trấn được gọi là Lâm-tỳ-ni (Lumbini), gần Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), thủ phủ của một khu vực mà ngày nay bị phân chia bởi biên giới Nepal - Ấn Độ và là quê hương của bộ tốc Thích-ca (Sakya).
Qua nhiều năm và đa phần do sự ảnh hưởng lớn của Phật giáo Thượng tọa bộ lên các học giả phương Tây, niên đại bản sinh của Đức Phật được chấp nhận là năm 563 TTL, dựa vào các biên niên sử cổ đại của Sri Lanka; một truyền thống thứ hai, vốn xuất phát từ lục địa Ấn Độ cho rằng niên đại đản sinh của Ngài sau đó khoảng 100 năm, tức là năm 450 TTL (trước Tây lịch).
Nghiên cứu gần đây, dựa vào tác phẩm Đảo sử (Dipavamsa), cho rằng có thể Ngài đản sinh vào năm 485 TTL.

Đức Phật là tên gọi và hình ảnh thiêng liêng. Ảnh: Pixabay.
Tại thời điểm Đức Phật đản sinh, ở chân rặng Himalaya vẫn có một số nền cộng hòa bộ tộc chống lại sự bành trướng ngày càng lan rộng của các nước quân chủ mới ở trung tâm lưu vực sông Hằng. Trong số đó có nền cộng hòa Sakya, và chính từ đây đã ra đời Tất-đạt-đa Cồ-đàm, là con trai của người trị vì.
Cha của Ngài là một thành viên của chính thể cầm quyền, và cũng là một chiến binh, và mặc dù xã hội Bà-la-môn truyền thống lúc bấy giờ như đã trình bày ở chương trước vẫn chưa tạo nên tầm ảnh hưởng lớn nào đến khu vực giáp ranh với lưu vực sông Hằng, nhưng khi sống trong xã hội Bà-la-môn, Ngài đã cảm thấy rằng bối cảnh của xã hội đương thời, mô tả chính xác nhất, là thuộc về tầng lớp Sát-đế-lợi.
Truyền thống sau này, vì chỉ biết đến các nền quân chủ đã lật đổ những nhà nước cộng hòa trước đó nên đã cho rằng Tất-đạt-đa là “thái tử” và cha của Ngài là “vua”, một điều thật sự không đúng với thời kỳ này.
Cuộc đời của bậc thầy sáng lập giáo lý Phật giáo (Buddhist sasana) ngay từ đầu đã được những người đi theo Ngài vô cùng quan tâm. Tuy nhiên, có một nghịch lý rằng, trong khi có tương đối nhiều phiên bản tiểu sử của Đức Phật, chúng ta không thể chắc chắn về việc đâu là tiểu sử đúng và đâu là kết quả thể hiện sự tôn sùng và đặc biệt kính trọng sau này đối với Ngài.
Trong kinh điển (theo truyền thống Pãli), có một số kinh văn đưa ra các chi tiết về tiểu sử của Ngài, chủ yếu dưới dạng các mảnh ghép rời rạc. Kinh Thánh cầu mang đến câu chuyện về sự nghiệp ban đầu của Ngài và sự giác ngộ mà Ngài đã đạt được với tư cách là một vị Phật tương lai (Buddha-to-be), được kể dưới dạng một “cuộc truy cầu cao quý”; điều tương tự được mô tả trong Kinh Sợ hãi (Bhayabherava Sutta), Kinh Song tầm và Đại kinh Saccaka.
Kinh Niết-bàn mô tả về những tháng ngày cuối đời của bậc Giác ngộ. Trong những năm sau khi thành đạo, Đức Phật đã du hóa những vùng nông thôn tương ứng với các bang hiện nay là Bihar và mạn đông của bang Uttar Pradesh, thuyết giảng hầu hết các pháp thoại hoặc kinh, hiện nay được bảo tồn trong Kinh tạng.
Kinh điển không được sắp xếp theo mục đích mô tả tiểu sử và nói chung người đọc phải xâu chuỗi thành bức tranh về hành trình thuyết giảng của Đức Phật theo các kinh văn này.
Nguồn Znews: https://znews.vn/xuat-than-cua-duc-phat-post1571637.html