Xúc động bố đồng tính đơn thân nuôi cậu bé quặt quẹo thành VĐV Olympic
Cậu bé suy dinh dưỡng nặng, toàn thân ghẻ lở, nhiễm trùng đã trở thành vận động viên Olympic nhờ tình yêu vô bờ bến của ông bố đồng tính đơn thân.
Giống như một câu chuyện cổ tích, trái tim nhân hậu và tình yêu thương vô bờ bến của ông bố đồng tính đơn thân Jerry Windle đã giúp cậu con trai giành lấy sự sống từ tay tử thần và trở thành vận động viên.
Giành giật sự sống cho em bé kiệt sức
Là người đồng tính độc thân, ông Jerry Windle luôn bị mỉa mai rằng ông sẽ không bao giờ có thể làm cha. Điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức khiến ông thực sự tin rằng làm cha là điều quá xa vời đối với mình. Thế nhưng vào một ngày nọ, cuộc sống của Jerry thay đổi hoàn toàn và hành trình làm cha bắt đầu.
Hôm đó, khi đang đọc tạp chí, ông Jerry vô tình đọc câu chuyện về cuộc sống những cậu bé mồ côi ở Campuchia. Không mất nhiều thời gian đắn đo, ông nhấc máy liên lạc ngay với cơ sở nhận con nuôi tại Campuchia. Quyết định đó đã vô tình kết nối cuộc đời ông với một cuộc đời nhỏ bé cách xa nửa quả địa cầu.
Vào tháng 6/2000, ông Jerry vội vã đến Phnom Penh, Campuchia. Cậu con trai tương lai của ông tên là Jordan, 2 tuổi, lúc đó đang sống trong một trại trẻ mồ côi; cha mẹ đẻ của bé qua đời 1 năm trước đó. Cậu bé mới chập chững biết đi, lại bị suy dinh dưỡng, ghẻ lở và nhiễm trùng nặng.
Sau buổi gặp gỡ, Jerry đón Jordan về nhà ở Florida, Mỹ và tận tình chăm sóc cho cậu con trai khỏe mạnh trở lại.
Những ngày đầu làm cha, như bao phụ huynh khác, Jerry cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, càng gian nan hơn khi Jordan gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Cậu bé chỉ nặng 7 kg, ốm yếu và kiệt sức. Jerry thậm chí không dám chắc liệu con trai có thể qua khỏi hay không. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương và khao khát có con của mình, ông đã làm tất cả những gì có thể để con trai không phải chịu đau đớn.
Ngày đó, hai cha con chỉ có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, trước khi Jordan học tiếng Anh.
Theo đuổi giấc mơ Olympic
Giấc mơ Olympic của Jordan bắt đầu khi cậu bé 7 tuổi. Tại trung tâm lặn, Jordan được huấn luyện viên Tim O’Brien, con trai của huấn luyện viên lặn nổi tiếng Ron O’Brien, để mắt tới. Sau đó, cậu bé tham gia một chương trình lặn đặc biệt và bắt đầu đạt những thành công đầu tiên.
Cũng trong khoảng thời gian này, Jordan có cơ hội gặp gỡ người đoạt Huy chương Vàng Olympic, đồng thời là nhà hoạt động LGBT Greg Louganis. Jordan thậm chí còn được gọi là “Louganis nhí”.
Sau 3 lần thử sức với cuộc đua Olympic (lần đầu tiên vào năm 13 tuổi, lần thứ hai vào năm 16 tuổi), Jordan đạt được ước mơ của mình và trở thành vận động viên chính thức của đội tuyển Mỹ thi ván cứng 10m đơn nam tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.
Dù thi đấu đại diện cho đội tuyển Mỹ, một phần trái tim Jordan vẫn hướng về quê nhà Campuchia. Anh xăm hình lá cờ Campuchia trên cánh tay mình để mọi người có thể nhìn thấy nó khi anh thi đấu.
Trong buổi trả lời phỏng vấn, Jordan gửi lời tri ân tràn đầy yêu thương đến người cha Jerry: “Khi mọi người hỏi tại sao tôi đến với bộ môn nhảy cầu, tôi đáp: Vì bố tôi và tình yêu ông dành cho khi tôi tham gia bộ môn đó. Nếu không có sự hy sinh, tình yêu và sự ủng hộ của bố trong suốt quãng thời gian chúng tôi sống cùng nhau, tôi thực sự không thể trở thành một người như hôm nay. Tôi phải cảm ơn bố vì tất cả và vì những thành tích tôi đạt được. Đó là hành trình tuyệt vời của hai bố con và chúng tôi vẫn đang đi tiếp trên hành trình đó”.
Trước những lời gan ruột này của con trai, ông Jerry nói khiêm nhường: "Tôi biết con tôi đã phải bỏ nhiều công sức để đạt được những điều này”.
Hai cha con Jordan đã kể lại câu chuyện tình thân kỳ diệu đầy cảm hứng của họ trong cuốn sách dành cho trẻ nhỏ mà họ là đồng tác giả, xuất bản vào năm 2011. Cuốn sách có tựa đề “An Orphan No More: The True Story of a Boy”, kể về câu chuyện một con gà trống bị những con vật khác nói rằng nó không thể làm cha nếu không có gà mái. Một ngày nọ, con gà trống đó tình cờ bắt gặp một quả trứng mà không ai mong muốn. Khi quả trứng nở ra, bên trong lại là một chú vịt con. Nhưng dù ngoại hình có khác biệt, hai cha con gà và vịt đã chứng minh rằng ở đâu có tình yêu, ở đó có gia đình.