Xúc động câu chuyện của những thầy cô giáo 'gieo chữ' cho học sinh vùng cao, vùng khó khăn
Có những thầy cô không ngại phải đi xin từng cân gạo, mớ rau, những ổ bánh mì cho học sinh ấm bụng để níu giữ các em tới trường. Hay việc phải trèo đèo, lội suối để 'gieo chữ' … là những câu đầy xúc động được chia sẻ tại chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2023.
Trèo đèo, lội suối để "gieo chữ" cho học sinh vùng cao
Là một trong 58 giáo viên tiêu biểu được lựa chọn tôn vinh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Câu chuyện của cô Nguyễn Thị Ngà (SN 1970) đang công tác tại Trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã khiến người nghe xúc động.
Có thời gian công tác nhiều nhất với 32 năm 9 tháng, cô Ngà đã trải qua nhiều cung bậc của sự nghiệp trồng người. Trong quá trình công tác hơn 32 năm đó, cô có 24 năm dạy học sinh vùng dân tộc thiểu số. Điểm trường cách nhà cô khoảng 20km, đường nhiều dốc đi lại khó khăn. Ngoài dạy ở điểm trường chính cứ 2 năm cô Ngà lại được cử lên công tác ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa.
Cô Ngà kể, trong suốt thời gian 32 năm công tác, Trường Tiểu học An Quang là nơi cô gắn bó lâu nhất. Nơi đây đối tượng học sinh 99% là con em đồng bào dân tộc thiểu số Hre, Bana, Thái… Đường xá đi lại khó khăn chưa có cầu phải đi đò. Để kịp đến lớp, lúc nào cô cũng phải dậy rất sớm. Vào mùa mưa nước lớn qua sông rất sợ cộng với đường đi đầy bùn lầy lội, đi bộ lại nhanh hơn đi xe đạp…
Điểm trường xa phải đi bộ lên ở lại cuối tuần mới về. Nhà ở của giáo viên chưa có. Phòng học được ngăn hai ra bằng tấm liếp, phía trên là lớp học phía dưới là nơi sinh hoạt của giáo viên. Không có sóng điện thoại, không nước sạch, không điện thắp sáng… Tối đến, mỗi thầy cô một chiếc đèn nhỏ thắp bằng dầu ma-dút để soạn bài.
Đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số khi học Tiếng Việt thì đó là một rào cản ngôn ngữ với các em, Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ nhất đối với học sinh người Kinh nhưng lại là ngôn ngữ thứ hai đối với học sinh vùng cao. Trực tiếp gắn bó với các em học sinh dân tộc, thấu hiểu những khó khăn của các em. Cô đã có nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực để giúp cho học sinh vùng dân tộc thiểu số dùng tiếng Việt hiệu quả hơn.
Sáng kiến của cô đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những khó khăn, giúp các em xóa đi rào cản về ngôn ngữ Tiếng Việt để các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Đồng thời hướng dẫn các em sử dụng Tiếng Việt có hiệu quả để tiếp thu tốt bài học trên lớp, làm cơ sở để các em học có chất lượng các môn học khác và học có hiệu quả các bậc học tiếp theo… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cô Ngà chia sẻ thêm, gia đình thấy cuộc sống xa nhà khổ cực, khó khăn quá nên đã từng khuyên cô về lại quê. Nhưng chính những khó khăn, những tình cảm chan hòa, gần gũi, tin tưởng của phụ huynh, của người dân nơi đây và những ánh mắt ngây thơ, những tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của các em mỗi sớm mai đến lớp… đã níu giữ cô lại. "Nếu được lựa chọn lại cô vẫn quyết định theo đuổi nghề giáo. Bởi vì mỗi nghề có một niềm vui riêng, niềm vui của nghề giáo là được ươm những mầm xanh cho cuộc sống" – cô Ngà khẳng định.
Tôn vinh những người Thầy
Có những thầy cô không ngại phải đi xin từng cân gạo, mớ rau và cùng nhau góp 10, 20 nghìn để mua đồ ăn cho các con mong cho các em học sinh ấm bụng hơn. Như thầy giáo Vũ Văn Tùng (Trường tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, H.Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Trường thầy công tác đóng ở 2 xã khó khăn xa xôi, heo hút, có hơn 90% dân số là dân tộc Ba Na.
8 năm dạy học nơi đây thấy học sinh thường xuyên nghỉ học vì đói bụng, về nhà kiếm cái ăn. Để níu giữ các em đến trường, Thầy đã xây dựng mô hình "Tủ bánh mỳ 0 đồng", thậm chí mang bao đi xin từng lon gạo cho các em. Ngoài ra, xây dựng mô hình "Trao sinh kế cho học sinh nghèo" bằng việc hỗ trợ nuôi đàn bò để học sinh có tiền đi học.
Những đóng góp cho sự nghiệp trồng người của cô Ngà, thầy Tùng cùng 56 thầy cô khác đến từ 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023. Chương trình do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức tối 17/11. Các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại các xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bày tỏ sự trân trọng trước sự nỗ lực để vượt qua khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo, anh Nguyễn Kim Quy - PCT thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam nhấn mạnh: "Dù hoàn cảnh khác nhau nhưng các thầy, cô giáo tham dự chương trình lần này đều có điểm chung, họ đã chọn việc khó khăn để nhiều người được làm việc nhẹ nhàng, đã chọn cuộc sống gian khổ để viết nên những bài học thiêng liêng về tình nghĩa thầy trò và tình yêu quê hương, Tổ quốc. Chúng tôi hy vọng chương trình phần nào cổ vũ, động viên các thầy cô có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua mọi khó khăn, thử thách; không ngừng tìm tòi, sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả…"
Tại chương trình, các thầy cô cũng đã được nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; biểu trưng của Chương trình và Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD&ĐT. Sáng cùng ngày 17/11, các thầy cô đã có buổi gặp mặt với Ủy ban Dân tộc để chia sẻ, đồng thời nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc.
Trong số các thầy cô giáo năm nay, có các thầy cô được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo đó là thầy Nguyễn Trọng Thứ và Nguyễn Như Ý đến từ tỉnh Vĩnh Long; hay Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về Học tâp và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cô Đỗ Thị Thu Nga đến từ tỉnh Tuyên Quang...