Xúc động chuyện tình của người lính từng nhận giấy 'báo tử'

Hơn 10 năm sống trong nỗi đau thể xác, tâm hồn cũng bị đông cứng bởi những vết thương trong chiến tranh. Nhưng cuộc gặp mặt định mệnh với người vợ tại bệnh viện như một mảnh ghép giúp người lính Nguyễn Văn Cung tìm lại cuộc sống.

Chiều cuối tháng 7, trong nguồn mạch tri ân, Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh Nghệ An lần lượt đón tiếp nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà. Dịp này, Báo Tiền Phong phối hợp cùng nhà tài trợ, trao tặng hàng trăm suất quà đến tri ân những thương, bệnh binh đang ở trung tâm. Và may mắn, tôi được gặp thương binh Nguyễn Văn Cung (SN 1958, trú tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) - người từng “chết đi sống lại” nơi chiến trường biên giới Tây Nam.

Chiến tranh, quá đau thương!

Sau 45 năm trở về từ thời chiến, ông Nguyễn Văn Cung (thương binh hạng 1) ngồi trên chiếc xe lăn với đôi chân co quắp, cánh tay phải bị liệt, trên đầu còn vết sẹo lớn. Từ chàng lính lành lặn, với bao ước mơ, hoài bão nhưng chiến tranh đã lấy đi nhiều thứ quý giá của ông. Tháng 7 đến, những hồi ức về chiến trường biên giới Tây Nam như thước phim quay chậm gợi đến trong tâm trí ông Cung thật rõ nét, nhưng thật đau đớn!.

Chàng trai Cung sinh ra trong gia đình 5 anh chị em, quê cũ ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Học xong cấp 3, năm 18 tuổi, anh lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 5, Quân khu 7. Năm 1977, chàng lính trẻ vác súng trên vai, theo Sư đoàn 5 đóng quân chiến đấu trên vùng biên giới từ Tây Ninh sang Sông Bé. Đến năm 1979, anh Cung bị thương do trúng đạn trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.

“Trận chiến đó rất ác liệt, tôi bị trúng đạn, nằm gục tại chỗ. Đồng đội không ai nghĩ tôi sẽ sống được, vì lúc đó một phần đầu bị thương, tay chân không thể cử động”, ông Cung nhớ lại.

Thương binh Nguyễn Văn Cung kể về những ký ức thời chiến đến các bạn đoàn viên thanh niên.

Thương binh Nguyễn Văn Cung kể về những ký ức thời chiến đến các bạn đoàn viên thanh niên.

3 tháng nằm bất động trên giường bệnh, tiên lượng khả năng sống khó. Ở quê nhà nhận tin dữ, anh Cung đã hy sinh. Nhưng sau đó anh bất ngờ tỉnh lại như một kỳ tích.

Chứng kiến hình ảnh này, người đồng đội quá vui mừng, liền viết thư tay gửi về quê nhà anh Cung với dòng chữ ngắn ngủi: “Con là Cung, con còn sống. Con đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 Sài Gòn”, dưới ký tên người viết thay – đồng đội cùng quê Hà Tĩnh.

Ông Cung rưng rưng nước mắt, khi nhớ lại cảnh hai cha con gặp lại nhau tại bệnh viện. Ngày đó, ông Nguyễn Tước (bố ông Cung) nhận lá thư do đồng đội gửi về, người cha tức tốc đi xin giấy xác minh nhân thân, rồi di chuyển vào bệnh viện, nơi con trai đang điều trị.

Đến bệnh viện, ông Tước bước chân rệu rã đi tìm con, song 3 lần qua giường anh Cung, nhưng hai người không thể nhận ra nhau. Bởi con trai bị thương nặng, khăn trắng quấn từ đầu đến chân không thể nhận dạng, còn anh Cung chẳng thể mở lời gọi tên gọi cha.

Ông Nguyễn Văn Cung bồi hồi khi nhớ đến ký ức chiến tranh.

Ông Nguyễn Văn Cung bồi hồi khi nhớ đến ký ức chiến tranh.

Như sự liên kết của tình mẫu tử, chỉ đến khi thấy một người bệnh nằm trên giường, cặp mắt ướt đẫm. Nghĩ đây là con trai mình, ông Tước liên tục hỏi, “Cung ơi, có phải là con đây không…”.

“Khi thấy tôi gật đầu, cha khóc òa lên. Ông nói, con còn sống là may mắn, ở quê nhà ai cũng nghĩ con đã hy sinh rồi”, ông Cung trào nước mắt. Ông Cung cho hay, thời điểm trúng đạn, đơn vị gửi giấy báo tử về nhà, thông báo người lính đã hy sinh. Mọi người trong gia đình cũng đang chuẩn bị lập bàn thờ vọng, nhưng sau đó nhận được lá thư tay từ đồng đội gửi về.

“Anh chỉ là một thương binh từ chiến trận trở về”

Năm 1980, ông Cung được gia đình đưa về xã Phú Lộc, huyện Can Lộc để tiện chăm sóc. Nghe tin ông Cung còn sống, người dân trong xóm đến thăm hỏi, động viên. Nhưng ai cũng xót xa, khi lần trở về này ông được kết luận mất 100% sức lao động, 1/3 bán cầu não bị mất, tay, chân bị liệt.

Sự trở về của ông Cung dù không lành lặn như trước, nhưng đó như là làn gió, thổi bay những u uất, nỗi buồn bao lâu nay. Hơn 10 năm sống trên chiếc xe lăn, mỗi lúc trái gió trở trời, người ông Cung đau ê ẩm, đầu óc cũng quay cuồng. Tâm hồn người lính cũng dần bị đông cứng bởi những ký ức chiến tranh.

Ông Cung và bà Nguyệt vui vẻ con cháu.

Ông Cung và bà Nguyệt vui vẻ con cháu.

Cho đến một ngày, ông Cung gặp được người vợ của mình là bà Đặng Thị Nguyệt (SN 1967) khi đang điều trị tại Bệnh viện quân khu 4. Kể từ ngày đó, người lính như tìm lại mục đích sống.

Ông Cung kể, đầu năm 1990, bệnh chuyển nặng, ông được gia đình đưa đến điều trị tại Bệnh viện Quân y 4 (Nghệ An). Lúc này, bà Nguyệt cũng đang chăm sóc cho anh trai là người lính bị thương khi tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào.

“Những buổi trưa, khi nhân viên y tế nghỉ trực, họ nhờ bà Nguyệt hỗ trợ chăm sóc tôi. Cũng từ sự ân cần, dịu dàng, chịu khó, từ đó tôi nảy sinh tình cảm”, ông Cung nhớ lại.

Những lần đến trung tâm, gia đình ông Cung cũng thường xuyên đến để chăm sóc.

Những lần đến trung tâm, gia đình ông Cung cũng thường xuyên đến để chăm sóc.

Như mảnh ghép của chiến tranh, bố bà Nguyệt cũng là thương binh kháng chiến chống Pháp, anh trai cũng bị thương khi tham gia chiến trường tại Lào. Việc gặp, chăm sóc ông Cung cũng được xem như là định mệnh. Trong bối cảnh đó, bà Nguyệt hiểu những sự hy sinh, mất mát của người lính trở về từ chiến trường. Từ sự đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ đã khiến hai người dần nảy sinh tìm cảm. Không rụt rè như lần đầu gặp, ông Cung mạnh dạn làm một bài thơ để tỏ tình.

“Một cô gái thôn quê mặn mà tình nghĩa

Đến với anh bao khoản nhọc nhằn

Như vầng dương sáng tỏa giữa trời xanh

Hơn 10 năm hồn tôi đông cứng lại

Nay bỗng nhiên mềm mại trước lòng em

Có phải tình yêu đập nhịp cũng trái tim

Em thứ lỗi anh không phải kỹ sư hay bác sỹ

Chỉ là một thương binh từ chiến trận trở về!”

Bức ảnh hiếm hoi giữa hai vợ chồng ông Cung cùng hai con trong ngày cưới của con gái.

Bức ảnh hiếm hoi giữa hai vợ chồng ông Cung cùng hai con trong ngày cưới của con gái.

Từ những lời thơ chân thật ấy được thốt lên, bà Nguyệt đã không ngần ngại, đồng ý làm vợ người chỉ nằm trên xe lăn. Cả hai kết hôn vào tháng 6/1990, khi ấy bà Nguyệt tròn 23 tuổi, còn ông Cung bước sang tuổi 32. Họ đến với nhau trong sự chúc phúc, hỗ trợ của hai bên gia đình rồi lần lượt sinh hạ hai người con là Nguyễn Phương Thảo (SN 1991) và Nguyễn Hải Nguyên (SN 1993).

Ông Cung cho biết, trong mâm cơm gia đình, thường kể về những câu chuyện chiến tranh, tinh thần hào khí, bất khuất của người bộ đội cụ Hồ. Có lẽ từ đó, ước mơ được khoác chiếc áo lính dần hình thành trong các người con. Hiện cả hai người con của ông Cung đang công tác tại đơn vị quân đội ở Hà Tĩnh.

Ông Cung hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh Nghệ An.

Ông Cung hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh Nghệ An.

Ông Cung nói, bản thân có món nợ ân tình rất lớn đối với vợ. Người phụ nữ tần tảo, một mình chăm sóc chồng và hai con hàng chục năm qua mà chưa hề than trách nửa lời.

Ở tuổi xế chiều, ông Cung hạnh phúc, khi chứng kiến hai người con lập gia đình và có 4 cháu cả nội và ngoại. “Nhiều lúc thấy vợ vất vả, tôi hỏi sao đồng ý lấy anh, người thương binh không lành lặn. Bà chỉ cười hiền. Đó có lẽ là duyên phận”, ông Cung chia sẻ.

Hướng ánh mắt đến những đồng đội đang nằm trong trung tâm điều dưỡng, ông Cung bồi hồi: “Chiến tranh là thế, có hạnh phúc, có khổ đau. Cũng có những lúc huy hoàng, lúc đen tối, nhưng được vác súng tham gia chiến trường, người lính chúng tôi vẫn thấy tự hào”.

Hoài Nam - Phạm Trường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xuc-dong-chuyen-tinh-cua-nguoi-linh-tung-nhan-giay-bao-tu-post1659503.tpo