Xúc động hình ảnh người mẹ trong thơ Hiền Mặc Chất
Bài thơ 'Mẹ' của Hiền Mặc Chất đã làm thổn thức trái tim của những người con khi nghĩ về mẹ của mình.
“
Mẹ
Mẹ gầy guộc như chiếc liềm cắt lúa
Cắt cả đời chưa đủ nuôi con
Khi mòn vẹt chỉ bằng chiếc lá
Con chưa kịp lớn khôn chiếc lá không còn.
Hiền Mặc Chất
Tình cảm mẹ con là một đề tài thường thấy trong thơ ca từ xưa đến nay. Đề tài càng cũ đòi hỏi người viết càng phải tìm tòi và đào sâu suy nghĩ để có được những hình ảnh thơ mới lạ. Tác giả Hiền Mặc Chất đã làm được điều đó khi viết nên bài thơ “Mẹ”.
Mở đầu bài thơ là một hình ảnh so sánh độc đáo: Mẹ gầy guộc như chiếc liềm cắt lúa. Thông thường, khi viết về mẹ, phép tu từ so sánh thường được sử dụng triệt để: “Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp hạt như đường mía lau” (Ca dao); “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” (Lời bài hát)… Trong bài thơ này, tác giả Hiền Mặc Chất đã tìm được một hình ảnh so sánh mới lạ, gợi hình, gợi cảm: Mẹ - chiếc liềm cắt lúa. Chiếc liềm cắt lúa là hình ảnh rất đỗi quen thuộc đối với những nông dân chân lấm tay bùn. Đặc biệt với những người phụ nữ, nó là vật không thể thiếu trong những ngày mùa vụ. Chiếc liềm cong cong cứa vào thân lúa chiêm mùa đổi vụ như cũng đang cứa vào lòng chúng ta, thức tỉnh trong ta nỗi vất vả truân chuyên của cuộc đời mẹ. Vì vậy, hình ảnh này không chỉ giúp người đọc thấy được bóng dáng gầy guộc, lưng còng của mẹ mà còn khiến chúng ta hình dung ra cả công việc khó khăn, vất vả mẹ làm.
Cả đời mẹ đã lặng thầm chịu đựng đắng cay vì đàn con thân yêu “Cắt cả đời chưa đủ nuôi con”. Đối với những người mẹ, con cái là tài sản vô giá, dù con có lớn khôn hay ở bất cứ cương vị nào thì con vẫn cần đến sự chở che, chăm sóc và dõi theo của mẹ. Hai câu thơ đầu đã thể hiện khá rõ tình cảm xót thương, kính trọng của tác giả dành cho người mẹ kính yêu.
Mẹ cặm cụi, vất vả và cần mẫn như chiếc liềm cắt lúa vượt qua bao gian nan thử thách để rồi đến một ngày: Khi mòn vẹt chỉ bằng chiếc lá/Con chưa kịp lớn khôn chiếc lá không còn. Chiếc liềm mòn vẹt hay cũng chính là hình ảnh cuộc đời mẹ đã lặng lẽ hy sinh vì chồng, vì con. Tính từ “mòn vẹt” được tác giả sử dụng đắc địa và giàu sức gợi. Nó không chỉ gợi ra trước mắt chúng ta hình ảnh chiếc liềm cắt lúa mòn đi theo từng mùa vụ mà còn nhấn mạnh thêm hình ảnh người mẹ nhẫn nại một đời tần tảo nuôi con, hy sinh tất cả vì con.
Trong câu thơ này, tác giả tiếp tục sử dụng cặp hình ảnh so sánh ấn tượng: Mẹ - Chiếc lá. Hình ảnh “chiếc liềm cắt lúa” ở câu thơ thứ hai đã trở thành vật so sánh trung gian. Nỗi xót thương, kính trọng của tác giả chuyển thành nỗi đau và sự ân hận, xót xa. Và khi “Chiếc liềm cắt lúa” ấy, qua thời gian cực nhọc, mòn vẹt “chỉ còn bằng chiếc lá” rồi lặng lẽ đưa theo gió thời gian bay đi thì nỗi xót thương vỡ òa trong nước mắt. Con lớn khôn nhờ mồ hôi đắng cay, sự hy sinh lặng thầm của đời mẹ. Khi con hiểu được điều ấy thì mẹ đã không còn. Bao ngậm ngùi, ân hận của tác giả và có lẽ của cả chúng ta, kéo dài day dứt mãi dù bài thơ đã khép lại.
Bài thơ ngắn với âm điệu nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng ẩn chứa trong đó biết bao tình cảm yêu thương quý mến của người con dành cho mẹ. Người mẹ của tác giả đã trở thành hình ảnh chung của nhiều người mẹ ở nông thôn Việt Nam trước và hiện nay. Có lẽ vì thế mà mỗi chúng ta khi đọc bài thơ đều cảm thấy hình ảnh mẹ hiện lên thật gần gũi bình dị và xúc động vô cùng.