Xúc động những trang hồ sơ, kỷ vật của người 'đi B'
696 bộ hồ sơ, kỷ vật đã được gửi lại cho các gia đình, người thân, cán bộ 'đi B'. Số hồ sơ còn lại được lưu trữ khoa học, chờ ngày có người đến nhận lại vì đây là nguồn sử liệu quý giá minh chứng về mỗi cá nhân, về một giai đoạn lịch sử hào hùng của cả dân tộc.
Rưng rưng ký ức
Giọt nước mắt lăn trên khóe mắt ông Đỗ Văn Thế (74 tuổi) ở xã Thanh Sơn (Thanh Hà) khi những ký ức về người vợ - bà Đỗ Thị Gia ùa về qua những trang hồ sơ “điB”. Kỷ vật này luôn làm cho ông như được gặp lại người bạn đời giản dị của mình.
Tháng 10.1970, sau 2 năm theo học ở Trường Hạ sĩ quan, ông Thế vào chiến trường B2 miền Đông Nam Bộ. Đơn vị của ông làm nhiệm vụ đánh phá cầu đường, chủ yếu đánh vào những điểm trọng yếu của địch. Tháng 3.1973, một người bạn nhắn có một cô gái cùng quê Thanh Sơn mới vào chiến trường miền Nam. Lòng ông mừng thầm vì có đồng hương, nhưng vì nhiệm vụ, địch lại đang càn ác liệt nên ông Thế chưa có dịp gặp được cô gái ấy.
Hồ sơ “đi B” của cô gái đồng hương và sau này là vợ ông tên là Đỗ Thị Gia (sinh năm 1952) có ghi chép kỹ lưỡng về gia đình và quá trình học tập của bà. Bà Gia sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 chị em ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn. Từ năm 1970 - 1973, bà học và tốt nghiệp Trường Cán bộ y tế Hải Dương, sau đó bà “đi B” vào Đoàn 340, Cục Hậu cần Miền làm bác sĩ quân y. Miền Nam giải phóng, năm 1976 bà trở về quê công tác, bấy giờ ông Thế cũng được nghỉ phép 1 tháng rưỡi về thăm nhà. Sự đồng cảm của hai người lính đã từng chiến đấu ở chiến trường B đã đưa họ về chung một mái nhà. Sau khi cưới, ông Thế trở lại đơn vị cũ, bà Gia công tác tại Bệnh viện Phổi Hải Dương.
Tập hồ sơ “đi B” mà ông Vũ Quốc Sủng ở khu dân cư Vũ Thượng, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) nhận lại từ Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh gồm đủ giấy tờ: sơ yếu lý lịch, giấy giới thiệu đảng viên, lý lịch cán bộ, sổ sức khỏe, giấy xin chuyển công tác, giấy giới thiệu của đơn vị…
Sơ yếu lý lịch do chính ông Sủng viết, nét chữ ngay ngắn tóm lược cả truyền thống cách mạng của gia đình. Bố ông là cán bộ tiền khởi nghĩa. Năm 1973, chiến trường miền Nam diễn ra ác liệt, lại vừa được kết nạp Đảng, thầy giáo Vũ Quốc Sủng viết đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu. Khi vào huyện Tân Biên (Tây Ninh), ông được phân công công tác tại Phòng Giáo dục huyện và tham gia xây dựng Trường Sư phạm Tân Biên. Sau gần 3 năm, ông là Hiệu trưởng Trường Sư phạm Tân Biên. Trường đã đào tạo được trên 200 giáo viên tiểu học.
Tháng 10.1976, ông Sủng trở về quê, công tác tại các Trường THCS Minh Tân, An Bình, Phú Điền (Nam Sách) rồi là Hiệu trưởng Trường THCS Ái Quốc (TP Hải Dương). Năm 2004, ông về hưu, làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Ái Quốc từ đó đến nay. “Tôi may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp là còn sống, được trở về. Tháng 11.2008 được nhận lại những tài liệu, kỷ vật của chính mình tôi vui lắm. Mỗi khi lật giở từng trang giấy do chính tay mình viết cách đây gần nửa thế kỷ, biết bao hoài niệm về những ngày đất nước còn gian khó, về anh em, đồng chí lại ùa về”, ông Sủng chia sẻ.
Chờ ngày trao gửi
Xin phép được mở một bộ hồ sơ đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, chúng tôi bắt gặp nét chữ xiêu xiêu của một học trò khi ấy mới 17 tuổi trong một lá đơn xin thi. Theo đơn xin thi ghi ngày 10.9.1964, ông tên là Phạm Văn Tuyến, 17 tuổi, ở thôn Đồng Tâm, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh (nay là TP Chí Linh). Trong đơn ông đề đạt nguyện vọng được thi vào trường “Y dược sỹ”. “Nếu được tôi xin chấp nhận mọi thủ tục và nguyên tắc của trường. Nếu thi được tôi xin nguyện đem hết công sức và trình độ, khả năng hiểu biết của mình để phục vụ Tổ quốc, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước”, đó là những dòng ông viết trong đơn. Hồ sơ ông gửi lại trước khi “đi B” gồm có: lý lịch cán bộ, lý lịch đoàn viên, đơn xin thi, thẻ cán bộ. Theo chức danh ghi trên thẻ cán bộ, ông là Tổ trưởng Tổ dịch tễ Trạm Sốt rét, Ty Y tế Hà Bắc. Theo lý lịch cán bộ của ông, gia đình ông đều ở xã Nhân Huệ, có truyền thống cách mạng...
Nhưng hồ sơ của ông Tuyến cùng với 264 hồ sơ, kỷ vật khác vì không tìm được người đã gửi hoặc thân nhân theo quê quán ghi trên hồ sơ nên hiện vẫn được lưu trữ tại trung tâm. Toàn bộ hồ sơ đều được đóng gói, sắp xếp, lưu trữ khoa học và dễ tìm kiếm. Trước đó, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã tiếp nhận 961 hồ sơ của cán bộ “đi B” được sao lưu từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Hàng trăm đoàn cán bộ ở miền Bắc đã “đi B” với tinh thần tự nguyện, bí mật vượt Trường Sơn vào Nam để chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu bắt đầu từ cuối năm 1959 đến năm 1975. Trước khi “đi B” họ đều gửi lại tư trang, hành lý, kỷ vật… tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ.