Xúc động, sau vi bằng ông nội tặng cho đất cháu đích tôn
Thừa phát lại (TPL) lập vi bằng ghi nhận ông nội tặng cho đất cháu đích tôn dưới sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình.
Trao đổi với PV, TPL Vũ Tuấn Anh cho biết, hoạt động lập vi bằng của TPL lại có tầm quan trọng, giúp người dân chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phòng ngừa mọi rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Việc lập vi bằng tặng cho, ghi nhận sự thỏa thuận của các thành viên trong gia đình là một trong những dạng vi bằng phổ biến hiện nay. Việc này giúp người dân đảm bảo được quyền và lợi ích của mình, đảm bảo quyền bình đẳng, đúng luật và tránh tranh chấp xảy ra về sau này.
Chia sẻ về câu chuyện lập vi bằng tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, anh Vũ Tuấn Anh cho hay, vừa qua, anh nhận được một lời đề nghị lập vi bằng ghi nhận ông nội có mảnh đất tặng cho cháu đích tôn dưới sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình. Sự việc không có gì để nói nếu gia đình đoàn kết và thống nhất với nhau từ trước nhưng ở đây gia đình lại có những ý kiến bất đồng, có người chú lại đòi hỏi thái quá.
Cụ thể, gia đình này có người ông nội vẫn còn sống, khỏe mạnh và minh mẫn. Ông muốn tặng cho người cháu đích tôn một mảnh đất để cháu sinh sống. Bố của người cháu đích tôn kia đã không may qua đời nên việc tặng cho đất cháu đích tôn lại bị một ông chú (em trai của bố) và một vài người nữa phản đối. Đặc biệt, người chú này liên tục gây khó dễ cho người cháu đích tôn, đòi hỏi người cháu phải đưa tiền cho chú và người này đã nhiều lần lấy tiền của cháu.
Tiếp nhận sự việc, anh Tuấn Anh đã yêu cầu người cháu bố trí, mời tất cả các thành viên trong gia đình gồm ông nội, các bác, cô, chú ngang hàng với bố,... thu xếp một buổi để lập vi bằng ghi nhận ông nội tặng cho đất cháu đích tôn dưới sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình. Đến ngày hẹn, anh Tuấn Anh đến gia đình người cháu, gặp gỡ mọi người. Tại đây, anh Tuấn Anh bị người chú, một vài người phản đối, soi xét, đòi hỏi giấy tờ hành nghề,... Những người này luôn tìm các lý do, viện cớ này kia để gây cản trở việc tư vấn và lập vi bằng.
Người ông nội luôn quả quyết, con trai ông đã mất nên ông sẽ giành mảnh đất này tặng cho người cháu đích tôn. Người chú cản trở và phân tích về hàng thừa kế thì người chú phải được hưởng chứ chưa đến lượt người cháu đích tôn. Tại đây, anh Tuấn Anh cũng tư vấn, chia sẻ về mặt pháp luật cho gia đình nhưng người chú kia vẫn gây khó dễ, đòi hỏi người cháu một số tiền nhất định mới đồng ý, không gây cản trở,...
Vụ việc căng thẳng, các thành viên trong gia đình xảy ra cãi vã, to tiếng với nhau. Anh Tuấn Anh thấy vậy đã xin phép rời đi vì việc ghi nhận như vậy sẽ khó làm việc. Tuy nhiên, người cháu đích tôn kia đã nhờ thừa phát lại ra ngoài quán gần đó uống nước để gia đình họp bàn lại, mọi người vui vẻ sẽ vào lập vi bằng. Bởi rất khó khăn mới mời được mọi người có mặt đông đủ nên nếu hôm nay không ghi nhận được thì sẽ khó có buổi khác.
Sau khoảng 2 tiếng, người cháu ra mời anh Tuấn Anh vào lập vi bằng ghi nhận việc ông nội tặng cho đất cháu đích tôn dưới sự chứng kiến, đồng ý của các thành viên trong gia đình. Trong đó, người chú đồng ý không ý kiến gì về phần đất ông nội tặng cho nhưng người cháu phải cho người chú một lượng tiền nhất định và người cháu đồng ý điều đó.
“Chứng kiến vụ việc trên và khi lập vi bằng xong, mọi người vui vẻ, tôi thấy vui bởi mình đã góp phần hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Đem lại niềm tin vào pháp lý, sự tin tưởng vào pháp luật của các thành viên trong gia đình. Nhất là người cháu đích tôn, những giọt nước mắt đã rơi, cháu mong mỏi từng ngày”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
TPL là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Chức danh TPL được dùng để chỉ một người do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện một số chức năng giống với thẩm quyền của công chức Nhà nước nhưng lại không phải cán bộ, công chức Nhà nước. TPL là một chức danh bổ trợ tư pháp, giống tên gọi của một số chức danh tư pháp khác như: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên…
Chức năng lập vi bằng của TPL: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật. Lập vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Do đó, việc lập vi bằng đúng quy định sẽ giúp bên yêu cầu hạn chế được rủi ro có thể xảy ra.
Vi bằng được chia làm 2 loại là vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi và vi bằng ghi nhận hiện trạng. Trong đó, vi bằng ghi nhận hiện trạng có thể lập khi các bên kết hôn, ly hôn hoặc trong trường hợp ghi nhận di sản thừa kế; Xác nhận tình trạng tài sản bị hư hỏng do hành vi của người khác; Tình trạng tài sản liền kề trước khi xây dựng công trình… Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi gồm một số trường điển hình như: Lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tài sản, giao nhận tiền; Lập vi bằng ghi nhận việc họp của Cty; Lập vi bằng ghi nhận việc đặt cọc; Lập vi bằng ghi nhận việc đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội; Lập vi bằng ghi nhận việc sử dụng thông tin hình ảnh người khác trái pháp luật…