Xúc động, tự hào 70 năm - ngày họp mặt
Mong ngóng mấy năm trời, kể từ khi Thanh Hóa bắt tay xây tượng đài con tàu tập kết. Những học sinh miền Nam ngày ấy hẹn nhau trở về với Sầm Sơn - Thanh Hóa, nơi cất giữ những ngày đầu bước chân lên đất Bắc của mình. Rồi ngày lễ khánh thành tượng đài cũng diễn ra. Thanh Hóa rợp cờ hoa trên những nẻo đường dẫn về phố biển Sầm Sơn. Những chiếc ghe đánh bắt hải sản neo đậu tránh gió to sóng lớn những ngày ấy cũng đỏ rực sắc cờ.
Hai ngày lễ kỷ niệm trọng thể kết nối nhau để hơn 3.000 học sinh miền Nam ngày ấy có dịp trở về Thủ đô Hà Nội - nơi có Bác Hồ. Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) ngày 26/10 thì ngày 27/10 Thanh Hóa làm lễ khánh thành tượng đài con tàu tập kết ở Sầm Sơn.
Nói sao hết niềm vui, niềm xúc động khi chúng tôi bước vào cửa hội trường để dự lễ kỷ niệm 70 năm. Ở đó, mỗi đại biểu mang sẵn phù hiệu để vào hội trường. Ðến cửa hội trường, mỗi đại biểu được tặng một giỏ quà, trong đó đáng chú ý là lá cờ nhỏ có cán cầm để vẫy. Chưa ai biết để làm gì, lúc nào?!...
Nườm nượp, nườm nượp, hơn 3.000 con người lần lượt vào hội trường, phủ kín tầng trệt và trên lầu. Nghe ban tổ chức nói, ban đầu chỉ hơn 2.000 người từ các đoàn các tỉnh đăng ký, rồi con số cứ tăng lên, tăng lên. Thiếu phù hiệu, thiếu cờ, thiếu huy hiệu lưu niệm...
Buổi lễ diễn ra rất trật tự, rất nền nếp, rất trang nghiêm, rất xúc động và thành công rực rỡ. Bởi đó là buổi lễ của học sinh miền Nam - những người được đào tạo trong nền nếp kỷ luật quân đội và có trình độ văn hóa cao trong chiến lược đào tạo của Bác Hồ và Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Bộ Công an đã tặng một chương trình chào mừng lễ thật xuất sắc. Gần 10 tiết mục hát về Bác, về Ðảng, về cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Xúc động nhất, nhiều nước mắt nhất là tiết mục kết chương trình văn nghệ với bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Hiểu rồi nhé, những lá cờ đại biểu được nhận từ cổng vào, được giơ cao, vẫy theo nhịp bài hát mà câu kết được láy đi láy lại nhiều lần như không muốn kết thúc, giữa biển cờ đỏ rực hội trường...
Không phải riêng tôi mà nhiều người đã khóc. Khóc nhớ Bác Hồ, biết ơn Bác Hồ, khóc nhớ và biết ơn chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống cho ngày thống nhất, cho chúng tôi có được ngày trở về, có được hôm nay.
Sáng 27/10, chúng tôi lên xe vào Thanh Hóa. Mưa và gió lắc rắc suốt dọc đường đi do ảnh hưởng bão. Chúng tôi ăn cơm dọc đường, đã có hơi hướng xứ Thanh: rau má trộn của một thời, cà pháo, mắm tôm. Sẵn người cháu ở Hà Nội tặng chai rượu, đoàn Cà Mau mở cụng ly để nhớ quê nhà.
Chiều Sầm Sơn vẫn mưa nhỏ, gió to, những lượn sóng vừa chồm lên rì rào bãi cát. Tôi dạo lang thang để hát với sóng, để khóc với sóng, để tìm tuổi 13 đậu lại bãi bờ này. Tôi đến bên tượng đài con tàu nhìn ngắm, chụp vài tấm hình lưu niệm. Các đoàn đại biểu về đây cũng như tôi, đến sớm với con tàu, vì lễ diễn ra vào buổi tối.
Tôi gặp nhiều bạn đồng nghiệp và nhiều nhất là học sinh Trường Nội trú Ðông Triều, nơi tôi đã dạy các em.
Ðêm lễ khánh thành tượng đài con tàu, mưa rất to. Người dự lễ mặc áo mưa, che dù, lễ vẫn cứ tiến hành. Thương các cháu biểu diễn văn nghệ chào mừng, bị mưa to gió lớn bay nón, tung áo, té lên té xuống vì trơn trượt, nhưng các cháu vẫn diễn. Lễ chỉ đậu lại một bài diễn văn của tỉnh và một ý kiến phát biểu của Trung ương.
Ðời sống của Nhân dân Thanh Hóa bây giờ đã khác xưa, so 70 năm về trước. Nhưng lòng người Thanh Hóa vẫn vậy: trân trọng, yêu thương, chu đáo khách đến nhà. Bữa cơm chiều ngày 27 đãi khách, có tới 10 món, rất sang, rất ngon. Lại dĩa rau má trộn gỏi như nhắc nhớ một thời, khiến lòng tôi rưng rưng nhớ.
Cảm ơn lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã tạo cho tôi một chuyến đi thật nhiều ý nghĩa, ấm áp tình đời, một chuyến đi có một không hai, để tôi chiêm nghiệm nhiều lẽ trong đời. Cuộc đời là những chuyến đi, không có chuyến đi nào giống chuyến đi nào.
Chuyến đi ra dự lễ ở Hà Nội và về với Sầm Sơn đã dẫn dắt tôi ngược về tuổi nhỏ thật đáng nhớ và tự dặn lòng, đừng bao giờ quên./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xuc-dong-tu-hao-70-nam-ngay-hop-mat-a35552.html