Xúc tiến công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số tại Ba Lan
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong chuyến thăm Ba Lan, ông đã trao đổi với Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan về việc xúc tiến công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số, đề nghị bà con kiều bào và Đại sứ quán tích cực tham gia thúc đẩy việc này.
Tối 16/1 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Warsaw, trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 30.000 người, có nhiều dấu ấn nổi bật, tích cực hòa nhập vào xã hội Ba Lan, đóng góp đáng kể vào việc duy trì, phát triển quan hệ truyền thống, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực; được coi là điển hình về cộng đồng người di cư thành công ở Ba Lan.
Cộng đồng người Việt Nam ngày càng hội nhập hơn với sở tại, như hiện đã có 7 nhà khoa học được phong hàm giáo sư cấp quốc gia tại Ba Lan, trong đó GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (Đại học Công nghệ Wroclaw) là thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước Ba Lan. Năm 2024 lần đầu tiên một người gốc Việt trúng cử hội đồng quận tại Thủ đô Warsaw.
Cộng đồng người Việt tại Ba Lan luôn hướng về quê hương, đất nước, như gần đây đã quyên góp, ủng hộ được khoảng 1,8 tỷ đồng hỗ trợ người dân trong nước bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Ba Lan tươi đẹp, đất nước của những vĩ nhân âm nhạc, khoa học như Nikolaj Kopernik, Frédéric Chopin, Marie Curie và qua chuyến thăm, cảm nhận sâu sắc tình cảm mà các nhà lãnh đạo, nhân dân Ba Lan dành cho Việt Nam và người Việt Nam tại Ba Lan. "Thế giới có thể thay đổi, nhưng giá trị cốt lõi và tình cảm giữa hai nước là không thay đổi", Thủ tướng nhấn mạnh.
Dành phần lớn thời gian phản hồi về từng nội dung trong 10 đề xuất, kiến nghị của bà con, Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan rà soát các quy định liên quan quốc tịch.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam làm việc với cơ quan nước sở tại về thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Việt như ngoại ngữ trong trường học Ba Lan.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính nghiên cứu tăng phần chi thường xuyên cho các hoạt động của cộng đồng người Việt, các ngày văn hóa tại Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng cho biết trong chuyến thăm, đã trao đổi với Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan về việc xúc tiến công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số, đề nghị bà con kiều bào và Đại sứ quán tích cực tham gia thúc đẩy việc này.
Cũng trong trao đổi, các nhà lãnh đạo Ba Lan đã khẳng định sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và Ba Lan sẽ không phải là nước cuối cùng làm việc này.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan liên quan rà soát các quy định, vướng mắc liên quan căn cước; đề nghị bà con tiếp tục phản ánh rất cụ thể các vướng mắc này để các cơ quan giải quyết.
Về những vấn đề liên quan hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Thủ tướng đề nghị bà con phản ánh cụ thể hơn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ba Lan được tổ chức trong ngày mai (18/1).
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi quy định, tháo gỡ vướng mắc liên quan kinh phí hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nghiên cứu của người Việt Nam ở nước ngoài để huy động nguồn lực trí tuệ cho phát triển đất nước.
Về kiến nghị tạo thuận lợi cho trường phái vật lý Albert Einstein, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xử lý.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết hết sức tâm đắc với đề xuất đẩy mạnh hợp tác văn hóa giữa hai nước; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này với Ba Lan, trong đó có việc cấp học bổng.
Với Đại sứ quán, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải bám sát, nắm chắc tình hình đúng, trúng, kịp thời để tham mưu với Đảng, Nhà nước, đề xuất rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm; thúc đẩy quan hệ hai nước đã có truyền thống 75 năm với những tài sản quý giá, giá trị cốt lõi ngày càng phát triển tốt đẹp.
Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng quan điểm "cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam", nhất là Đại sứ quán phải tìm mọi cách tiếp cận nhanh nhất với bà con khi gặp khó khăn, hoạn nạn và có mạng lưới để kết nối nhanh nhất, xem bà con như người thân trong gia đình, đặt mình vào hoàn cảnh của bà con để giải quyết các công việc với tất cả tấm lòng của mình, tuyệt đối không tiêu cực, nhũng nhiễu.