Xúc tiến doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các KCN lớn của Việt Nam
Tập đoàn HANAKA là một trong bốn Tập đoàn lớn của Việt Nam tham dự 'Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại giữa các KCN lớn của Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc', vừa diễn ra tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc).
Vươn tầm hoạt động
Hội nghị do Tập đoàn CFLD và CFLD International (Việt Nam), CTCP Đầu tư Bất động sản Công nghiệp và Cho thuê A+ (A+ Industrial Property) phối hợp tổ chức
Với chủ đề “Đầu tư vào Việt Nam, tương lai đôi bên cùng có lợi”, hội nghị hướng đến mục tiêu xây dựng nền tảng giao tiếp cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp Trung Quốc và Việt Nam, để các doanh nhân, nhà đầu tư Trung Quốc hiểu rõ hơn về hiện trạng công nghiệp và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Tại sự kiện, đại diện các KCN Việt Nam đã cùng các doanh nhân Trung Quốc, đại diện các hiệp hội… thảo luận về việc đồng hành cùng phát triển công nghiệp và xây dựng các kế hoạch hợp tác trong tương lai.
Tại Hội nghị, đại diện Ban tổ chức, ông Xing Yubiao, Phó Chủ tịch China Land Development kiêm Chủ tịch China Land Development Co., Ltd. đã chia sẻ thông tin, và ông Lê Hoàng Hưng, Chủ tịch China Land Development International (Việt Nam) khẳng định: Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng và có lợi thế về vị trí địa lý, cũng như tài nguyên phong phú, đa dạng; mang lại không gian rộng lớn cho hợp tác công nghiệp giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Chủ tịch Xing Yubiao bày tỏ: “Việt Nam có nền kinh tế thị trường nổi bật ở khu vực Đông Nam Á. Trong tương lai, vị thế và vai trò của Việt Nam sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong chuỗi công nghiệp toàn cầu. Với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ xúc tiến đầu tư hàng đầu của Trung Quốc, chúng tôi sẽ tích cực là cầu nối và cơ sở hữu nghị cho các doanh nghiệp và KCN Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư ra toàn cầu”.
Tại hội nghị, đại diện Việt Nam gồm: Tập đoàn Hanaka Việt Nam, Tập đoàn Bảo Minh, Tập đoàn VIDEC và Tập đoàn Phúc Lộc, đồng thời là chủ đầu tư của các KCN mới phát triển tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Nghệ An và Bình Định; đã giới thiệu những ưu thế của mình về vị trí, định vị công nghiệp, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi… với mong muốn thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy.
Chủ tịch CFLD International (Việt Nam) ông Lê Hoàng Hưng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với lãnh đạo của 4 khu công nghiệp lớn Việt Nam. Trong đó, bà Mẫn Ngọc Triều Tiên, Chủ tịch Khu công nghiệp Gia Bình II (Tập đoàn HANAKA) đã thay mặt Tập đoàn, ký thỏa thuận hợp tác với Chủ tịch CFLD International (Việt Nam) với hy vọng sự hợp tác toàn diện của cả hai bên có thể cung cấp đầy đủ quy trình giải pháp cho đầu tư xuyên biên giới của các doanh nghiệp.
Theo ông Lê Hoàng Hưng : “CFLD đến nay đã và đang giúp hơn 3.000 doanh nghiệp tìm giải pháp trong hơn 20 năm. Để đảm bảo không gian phát triển thỏa đáng, đặc biệt trong quá trình xây dựng cụm công nghiệp đang diễn ra, CFLD cung cấp dịch vụ chuyên sâu cho các doanh nghiệp tại 8 khu vực chiến lược mới nổi các ngành, cung cấp tư vấn lập kế hoạch chiến lược, phân tích công nghệ mở rộng sản xuất, thiết kế kế hoạch đầu tư, nghiên cứu và đánh giá khu vực lựa chọn địa điểm, phân tích tính khả thi của dự án”.
KCN Gia Bình II: “Đi sau, về trước”
Trong số các KCN tham dự hội nghị lần này, KCN Gia Bình II đã gây được ấn tượng sâu sắc bởi những nét “ưu việt” đầy hiện đại và mang tầm quốc tế của mình.
Theo ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch Tập đoàn HANAKA: Với những lợi thế về địa lý, Tập đoàn đã hình thành ý tưởng, lập đồ án báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh xin làm Chủ đầu tư dự án. Ngày 12/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 347/QĐ-TTg, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gia Bình II. Nhà đầu tư thực hiện dự án là Tập đoàn HANAKA.
Dự án được khởi công ngày 9/7/2023, tại huyện Gia Bình (Bắc Ninh), là mô hình KCN sinh thái – kinh tế tuần hoàn – tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên môi trường xanh, sạch đẹp, sử dụng năng lượng mặt trời và điện gió, tái sử dụng nguồn nước thải vào sản xuất. Đặc biệt, để triển khai dự án, Tập đoàn HANAKA đã quyết định ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ xây dựng khu công nghiệp sinh thái tuần hoàn với Tập đoàn Takaoka Toko Nhật Bản.
Dự án KCN Gia Bình II, với quy mô sử dụng đất lên tới 250 ha, tổng vốn đầu tư dự án dự kiến 3.956,8 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư để thực hiện dự án 1.201,2 tỷ đồng; với phạm vi, quy mô, công suất của dự án: Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Gia Bình II.
Trong đó, các hạng mục chính gồm: Giải phóng mặt bằng, san nền, xây dựng hệ thống đường giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc, cây xanh, hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải trên phạm vi diện tích 250 ha. Hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 7.000 m3/ ngày đêm, gồm 2 mô đun với công suất 3.500m3/ ngày đêm.
Hai hồ sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung với dung tích chứa 21.000m3 (2 hồ sự cố tương ứng với 2 mô đun xử lý nước thải, mỗi hồ sự cố có dung tích 10.500m3).
Các loại hình ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN là Công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, thông tin truyền thông.
“Đây là mô hình KCN sinh thái - tuần hoàn đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất từ các nước phát triển, sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động, góp phần tăng ngân sách địa phương, tạo ra môi trường xanh sạch đẹp, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Trong quá trình triển khai, dự án đã được UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các cơ quan ban ngành có liên quan phê duyệt trên phạm vi và quy mô công suất dự án, cũng như được đông đảo nhân dân nhiệt tình ủng hộ. KCN Gia Bình II sẽ hứa hẹn mang đến sự phồn vinh thịnh vượng cho tỉnh Bắc Ninh góp phần xây dựng và phát triển đất nước những năm tới”, ông Mẫn Ngọc Anh nhấn mạnh.
Trong tổng số 16 KCN tập trung của tỉnh Bắc Ninh, KCN Gia Bình II ra đời sau, nhưng có tốc độ giải phóng mặt bằng và đền bù nhanh nhất. Hiện dự án đã giải phóng mặt bằng được 248 ha/250 ha, hoàn tất các thủ tục, điều kiện khởi công.