Xúc tiến thương mại để tạo đà cho công nghiệp hỗ trợ phát triển
Việc tăng cường các công tác xúc tiến, đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của TP. Hồ Chí Minh với các DN sản xuất đầu cuối cũng như tổ chức các hoạt động triển lãm công nghiệp chuyên ngành để thúc đẩy CNHT phát triển đang được TP. Hồ Chí Minh quan tâm, triển khai.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ qua hoạt động kết nối
Triển lãm quốc tế máy móc thiết bị công nghiệp và sản phẩm CNHT Việt Nam năm 2019 (VIMAF) diễn ra từ ngày 11-14/12 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh đang nhận được sự tham gia của đông đảo DN CNHT trong và ngoài nước. Tại đây, rất nhiều giải pháp, sản phẩm CNHT tiên tiến, hiện đại đã được các DN mang tới giới thiệu với khách tham quan.
Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, triển lãm lần này được tổ chức với quy mô 460 gian hàng của 300 DN đến từ 12 quốc gia, cho thấy nhu cầu xúc tiến, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực CNHT ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Trên thực tế, để tạo đà cho CNHT phát triển thì một trong những hoạt động quan trọng là tăng cường các công tác xúc tiến, đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN CNHT với các DN sản xuất đầu cuối, DN FDI thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức kết nối trực tiếp giữa các DN sản xuất công nghiệp và CNHT của thành phố với các DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; các hoạt động triển lãm công nghiệp chuyên ngành,… Qua đó, tạo điều kiện và cơ hội cho các DN có điều kiện mở rộng hợp tác và VIMAF là hoạt động được chính quyền TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao.
Ngoài VIMAF 2019, trước đó Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT năm 2019 (SFS 2019) để các DN CNHT Việt Nam tìm kiếm được đối tác, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo nhiều DN đã tham gia các hoạt động kết nối về CNHT, thông qua các kênh như thế này đã tạo ra cơ sở tương đối chuẩn mực về điều kiện mua hàng, các DN được chọn lựa vào kết nối là DN chủ lực, DN có tiềm năng nên việc kết nối sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho DN.
Tạo cơ chế thông thoáng cho CNHT
Tuy nhiên, để phát triển CNHT không chỉ ở các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại mà còn xuyên suốt từ chính sách, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN CNHT hoạt động hiệu quả. Cụ thể là việc ban hành Chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực CNHT, qua đó giúp DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các thống kê của UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy, đến nay, thành phố đã phê duyệt 22 dự án với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 938 tỷ đồng. Trong đó, nhiều DN tham gia chương trình đã bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, một số DN đã trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn Samsung như: Công ty Hiệp Phước Thành, Công ty CP CNHT Minh Nguyên.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, để hướng đến phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ cho tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu. Trong đó tập trung phát triển CNHT vì đây là ngành công nghiệp quan trọng, là động lực cho sự phát triển của toàn ngành công nghiệp thành phố trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều cơ chế thông thoáng để kêu gọi đầu tư từ các DN FDI trên các lĩnh vực công nghiệp để hỗ trợ và kết nối, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố nói chung và CNHT của thành phố nói riêng.