Xúc tiến thương mại đưa cung lại gần cầu
Các hoạt động xúc tiến thương mại đang được coi là 'trợ lực' để hỗ trợ phát triển thị trường cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải cho biết, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng bị tác động và gặp nhiều khó khăn.
Các chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại cả ba miền Bắc – Trung - Nam đã được tổ chức thành công. Qua các chương trình kết nối giao thương hỗ trợ doanh nghiệp các vùng miền cả nước đã có hàng ngàn kết nối và trao đổi, giao dịch trực tiếp với nhiều đối tác trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá, hoạt động kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại là một giải pháp thiết thực, thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu và quảng bá những mặt hàng tiêu biểu có tiềm năng xuất khẩu của các địa phương đến các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu trong và ngoài nước. Đây là nền tảng kết nối đa bên quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu đa dạng của nhiều thị trường, tiếp cận những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài, giúp hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu vươn xa trên trường quốc tế, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và cao hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ nay tới cuối năm sẽ có nhiều chương trình kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường trên toàn quốc, thông qua các chương trình này sẽ đẩy mạnh kích cầu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tìm được đầu ra cho sản phẩm, nhất là các hệ thống bán lẻ hiện đại như Aeon, Winmart, Saigon Co.op, Central Retail…
Tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương mới đây, ông Olivier Langlet - Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail (doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ của Thái Lan) cho biết đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối tại nước ngoài. Năm 2023, Central Retail sẽ tập trung tham gia vào hai sự kiện tâm điểm, đó là chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tổ chức vào tháng 9 tại TPHCM và Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan trong tháng 8 năm nay.
Trong đó, nông sản, thực phẩm sẽ là lĩnh vực trọng tâm mà Central Retail đang tích cực tìm kiếm đối tác bền vững tại Việt Nam. Theo đó, những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn từ tự nhiên, canh tác hữu cơ; sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ blockchain; sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn… sẽ là những sản phẩm được đặc biệt quan tâm tìm kiếm.
Là doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực để đưa sản phẩm xuất hiện trên kệ siêu thị trong nước lẫn nước ngoài, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Trung đã từng bước hoàn thiện, khẳng định chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Đắc Trung, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Minh Trung Việt Nam cho biết, ngoài việc phân phối sản phẩm ổn định tại các kênh siêu thị, đại lý phân phối trong nước, doanh nghiệp cũng hướng tới phát triển sản phẩm tại thị trường quốc tế. Tuy vậy, cái khó khi xâm nhập vào các thị trường này, đặc biệt là tại châu Âu, Nhật Bản chính là vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Đối với sản phẩm của Minh Trung, để vào được thị trường châu Âu, đặc biệt là chuỗi phân phối hàng thực phẩm hàng đầu của châu Âu, Minh Trung cũng phải chứng minh đủ tiêu chí nhập khẩu sản phẩm vào các thị trường này, đặc biệt là tiêu chí xanh, giảm thiểu sử dụng nhựa. Trước khi sản xuất ra sản phẩm đầu tiên phải xây dựng nhà máy đủ điều kiện, được đơn vị kiểm nghiệm quốc tế chấp nhận.
Hay đối với ngành gỗ, xúc tiến thương mại là giải pháp quan trọng giúp vực dậy kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sau khi giảm gần 30% trong nửa đầu năm. Theo TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của thị trường rất quan trọng. Nhưng thị trường của ta hiện nay chưa đa dạng. Sản phẩm gỗ chế biến có mặt tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, song tập trung 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU với khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ. 10% còn lại rải ra với lượng xuất khẩu rất nhỏ ở các thị trường khác.
Do đó, khi 5 thị trường này gặp khó khăn thì xuất khẩu chung sẽ giảm. Cho nên vai trò của đa dạng hóa thị trường là rất quan trọng. Để đa dạng hóa, ta phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường mới và tiềm năng như New Zealand, Australia… Đây là các thị trường rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Lê Quốc Phương, trong hoạt động xúc tiến thương mại, ngoài các giải pháp tập trung vào các mặt hàng chủ lực có hoặc sẽ có tiềm năng phát triển và có giá trị xuất khẩu cao; tập trung xúc tiến thương mại vào các thị trường tiềm năng mà chưa khai thác được nhiều như Trung Đông, châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu; cũng như tập trung vào các bạn hàng lớn như các tập đoàn, các nhà nhập khẩu lớn thì cần cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nắm bắt rõ được. Ngoài ra, thúc đẩy xúc tiến thương mại online, đây là phương thức rẻ tiền và nhiều doanh nghiệp có thể làm được.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuc-tien-thuong-mai-dua-cung-lai-gan-cau-263460.html