Xúc tiến thương mại: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường

Năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục đối diện với nhiều rủi ro. Bên cạnh yếu tố giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững… là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải chủ động nắm bắt thông tin, am hiểu thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp quá trình này.

Người tiêu dùng mua hàng tại Hội chợ Nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024. Ảnh: Quang Minh

Người tiêu dùng mua hàng tại Hội chợ Nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024. Ảnh: Quang Minh

Hơn 10.000 lượt doanh nghiệp hưởng lợi

Chia sẻ về những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến thương mại, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho hay, năm 2023, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã triển khai thực hiện 121 đề án, trong đó có hơn 80 đề án tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, thị trường mới nhiều tiềm năng để quảng bá năng lực xuất khẩu của Việt Nam. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã hỗ trợ hơn 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi trực tiếp (chưa bao gồm các doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua việc tiếp cận từ các phương tiện thông tin đại chúng), hàng trăm hợp đồng, đơn đặt hàng xuất khẩu và hợp tác được ký kết trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại với tổng giá trị đạt trên 125 triệu USD. Doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hơn 142 tỷ đồng. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời, tìm hiểu, tiếp cận, kết nối với các thị trường, đối tác mới, tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng cường kết nối thị trường quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Hà Nội, ông Vũ Bá Phú nhận định, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã góp phần kiến tạo vai trò kết nối xúc tiến thương mại của Hà Nội đối với khu vực và cả nước; đồng thời là đầu mối triển khai công tác xúc tiến của thành phố trong cả 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch.

Đặc biệt, một số chương trình xúc tiến của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối các địa phương, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố mà còn hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Điển hình như: Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, thành phố; các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài như: AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group)...

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giao thương

Xác định tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của địa phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, trong năm 2024 Hà Nội dự kiến tổ chức 60 sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước, trong đó có từ 8 đến 10 sự kiện tổ chức ở nước ngoài.

Theo chương trình đề ra, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư, như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với chủ đề Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Đông Nam Bộ - Kết nối cùng phát triển - "Link to Grow"; tổ chức Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch về các làng nghề Hà Nội kết hợp không gian trình diễn nghề cho các làng nghề truyền thống Hà Nội.

Thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này.

Đặc biệt, thành phố cũng tận dụng tính ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức hoạt động về xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội...

Để làm tốt việc này, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện chương trình căn cứ quy định pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả; một việc - một đầu mối xuyên suốt, xây dựng phong cách làm việc theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp. Chú trọng khai thác, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tạo lập lòng tin và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước.

Các hoạt động xúc tiến phải thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa thế mạnh và lợi thế so sánh của doanh nghiệp Thủ đô. Thường xuyên cập nhật thông tin và nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đề xuất tổ chức các hoạt động xúc tiến phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước; đẩy mạnh triển khai áp dụng các công nghệ mới, hiện đại, khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tế của thành phố vào công tác xúc tiến.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xuc-tien-thuong-mai-giai-phap-huu-hieu-ho-tro-doanh-nghiep-tham-nhap-thi-truong-669409.html