Lý do Singapore là trung tâm bán dẫn của Đông Nam Á

Việc sở hữu nguồn nhân công chất lượng cao, cơ sở hạ tầng tốt và dịch vụ hậu cần thuận tiện đã giúp Singapore thu hút các công ty bán dẫn đến xây dựng nhà máy.

 Singapore sở hữu nhiều lợi thế trong lĩnh vực sản xuất chip. Ảnh: Economic Times.

Singapore sở hữu nhiều lợi thế trong lĩnh vực sản xuất chip. Ảnh: Economic Times.

Theo Reuters, Singapore đang nâng cao sức ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực sản xuất chip toàn cầu. Mới đây, công ty bán dẫn NXP và Tập đoàn bán dẫn quốc tế Vanguard đã đưa ra kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 7,8 tỷ USD tại đảo quốc nhỏ bé này.

Trước đó, một loạt các khoản đầu tư từ nhà sản xuất GlobalFoundries, công ty công nghệ Micron vào Singapore đã minh chứng cho việc quốc gia này dần trở thành điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Tất nhiên, việc giữ được lợi thế trong khoảng thời gian dài không phải điều dễ dàng.

Trong khi Đài Loan (Trung Quốc) đang thống trị phân khúc sản xuất chip cao cấp, Singapore lại chiếm được thị phần trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, bao gồm gia công chip cấp thấp cho ô tô điện và điện thoại thông minh.

Việc sở hữu lực lượng lao động có năng suất cao, cơ sở hạ tầng nghiên cứu tốt và dịch vụ hậu cần chuyên nghiệp đã giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại Singapore, lĩnh vực hiện chiếm 7% GDP của quốc gia này. Ngoài ra, chính phủ trong nước cũng thông qua nhiều chính sách thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài và giảm thuế để thu hút thêm nguồn vốn.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng chip toàn cầu và 20% sản lượng thiết bị bán dẫn, Singapore nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn của thế giới, bên cạnh Đài Loan và Mỹ. Nhà máy mới của NXP và Vanguard dự kiến sản xuất loại chip 40-130 nm, sử dụng công nghệ của TSMC.

Hiện tại, Singapore đứng trước một số thách thức lớn khi phải cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Theo chỉ số chi phí sản xuất toàn cầu của Boston Consultant, tổng mức chi phí lao động, giá nhiên liệu và điện dành cho hoạt động sản xuất tại Singapore đang đắt đỏ bậc nhất tại Đông Nam Á. Con số này thậm chí cao hơn gần 15% so với Malaysia.

Trong khi đó, Malaysia cũng có tham vọng trở thành một trung tâm sản xuất linh kiện bán dẫn của thế giới. Quốc gia này sở hữu diện tích đất lớn hơn 450 lần so với Singapore.

Trong năm 2023, Malaysia đã nhận được khoản đầu tư trị giá 5,4 tỷ USD từ công ty Infineon Technologies của Đức nhằm mở rộng nhà máy sản xuất. Ngoài ra, Nvidia cũng đang cân nhắc kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại đất nước này.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-cac-cong-ty-ban-dan-tim-den-singapore-post1482502.html