Giá dầu trong tuần (17/6-23/6): Dầu thô ghi nhận tuần tăng giá

Giá dầu thế giới trong tuần (17/6-23/6) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm. Thời điểm cuối tuần, dầu thô tăng giá đầu phiên và giảm ở cuối phiên, đồng thời ghi nhận mức tăng giá hàng tuần.

Trăng rằm bên ngọn lửa Giàn Đại Hùng 01 năm 2018. Tác giả: Đào Hoàng Dũng

Trăng rằm bên ngọn lửa Giàn Đại Hùng 01 năm 2018. Tác giả: Đào Hoàng Dũng

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 23/6/2024 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2024 ở mức 80,59 USD/thùng, giảm 0,7 USD trong phiên.

Giá dầu Brent giao tháng 8/2024 đứng ở mức 85,7 USD/thùng, giảm 0,64 USD trong phiên.

Giá dầu thế giới trong tuần (17/6-23/6) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm. Thời điểm cuối tuần, dầu thô tăng giá đầu phiên và giảm ở cuối phiên, đồng thời ghi nhận mức tăng giá hàng tuần.

Đầu tuần (17/6-18/6) giá dầu thế giới tăng khi triển vọng nhu cầu dầu mạnh mẽ hơn và nhà đầu tư tin tưởng rằng các nhà sản xuất OPEC+ có thể tạm dừng hoặc đảo ngược kế hoạch tăng nguồn cung từ quý IV năm nay.

Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2024 ở mức 79,78 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8/2024 đứng ở mức 84,36 USD/thùng.

Tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã nâng dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng trong nửa cuối năm nay từ đó gây áp lực lên các kho dự trữ.

Tâm lý nhà đầu tư đã phục hồi kể từ khi nhóm OPEC+ công bố kế hoạch bắt đầu tăng sản lượng dầu từ đầu tháng 10/2024, với hy vọng nhu cầu mạnh hơn trong tương lai sẽ hỗ trợ giá.

Căng thẳng ở Trung Đông cũng giúp giữ mức sàn cho thị trường dầu và có khả năng gây gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu từ khu vực sản xuất trọng điểm nếu cuộc chiến Israel-Hamas ở Gaza lan rộng.

Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, công bố ngày 17/6, cho thấy đầu tư sản xuất tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng mạnh mẽ 9,6%. Tuy nhiên, các dữ liệu khác lại trái chiều với sản lượng công nghiệp thấp hơn kỳ vọng.

Giữa tuần (19/6-20/6) giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm.

Ngày 19/6, giá dầu tăng khi sự lo lắng của các nhà đâu tư về xung đột leo thang ở châu Âu và Trung Đông, bù đắp cho báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng.

Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2024 ở mức 80,76 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8/2024 đứng ở mức 85,36 USD/thùng.

Theo các quan chức Nga, cả hai loại dầu chuẩn này đều tăng hơn 1 USD/thùng trong phiên, sau khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine tấn công dẫn tới vụ cháy kho dầu tại một cảng lớn của Nga.

Trong khi đó, tại Trung Đông, Ngoại trưởng Israel Israel Katz cảnh báo về một "cuộc chiến tổng lực" sắp xảy ra với Hezbollah của Lebanon, ngay cả khi Mỹ cố gắng tránh một cuộc xung đột rộng hơn giữa Israel và Hezbollah được Iran hậu thuẫn.

Xe tăng, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của quân đội Israel đã tiến vào thành phố Rafah của Dải Gaza và khiến 8 người thiệt mạng.

Chiến tranh leo thang trong khu vực làm tăng nguy cơ nguồn cung dầu thô từ các nhà khai thác dầu chủ chốt có thể bị gián đoạn.

Sang đến ngày 20/6, giá dầu giảm khi tồn kho dầu thô của Mỹ tăng.

Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2024 ở mức 80,54 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8/2024 đứng ở mức 85,05 USD/thùng.

Theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ hôm 18/6, để hạn chế đà tăng của giá dầu, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 2,264 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/6. Tuy nhiên, tồn kho xăng giảm 1,077 triệu thùng, trong khi sản phẩm chưng cất tăng 538.000 thùng.

Giá dầu cũng chịu ảnh hưởng từ những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York John Williams rằng lãi suất sẽ giảm dần. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Boston Susan Collins cảnh báo vẫn còn quá sớm để xác định liệu lạm phát có bền vững trên con đường quay trở lại mức mục tiêu 2% hay không.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thời điểm cuối tuần, dầu thô tăng giá đầu phiên và giảm ở cuối phiên

Ngày 21/6, giá dầu thế giới tăng khi báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm.

Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2024 ở mức 81,26 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8/2024 đứng ở mức 85,65 USD/thùng.

Theo EIA tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 14/6 giảm 2,5 triệu thùng xuống còn 457,1 triệu thùng, giảm nhiều hơn so với kỳ vọng giảm 2,2 triệu thùng của các nhà phân tích.

EIA cho biết tồn kho xăng giảm 2,3 triệu thùng xuống 231,2 triệu thùng, so với dự báo tăng 600.000 thùng.

Dữ liệu mới nhất được Mỹ công bố hôm thứ Năm (20/6) cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm trong tuần kết thúc vào ngày 14/6. Việc làm vẫn mạnh làm tăng triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Lãi suất cao hơn thường đè nặng lên nền kinh tế và từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ.

Giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản trong tháng trước đã tăng 2,5% so với một năm trước đó, tăng so với tháng trước, từ đó giúp ngân hàng trung ương nước này có thể tiếp tục tăng lãi suất cao hơn trong những tháng tới.

Tại châu Âu, ngày 20/6, Ngân hàng Anh đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25% - mức cao nhất trong 16 năm trước cuộc bầu cử ở Anh vào ngày 4/7.

Sang đến ngày 22/6 và 23/6, giá dầu giảm khi các nhà đầu tư lo ngại rằng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi đồng đô la Mỹ mạnh hơn.

Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2024 ở mức 80,59 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8/2024 đứng ở mức 85,7 USD/thùng.

Đồng đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần so với rổ tiền tệ khác nhờ cách tiếp cận kiên nhẫn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc cắt giảm lãi suất.

Trước đó, Fed đã tăng lãi suất mạnh mẽ vào năm 2022 và 2023 để kiềm chế lạm phát gia tăng. Lãi suất cao hơn đã làm tăng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu về dầu.

Đồng đô la Mỹ mạnh hơn cũng có thể làm giảm nhu cầu về dầu bằng cách làm cho các mặt hàng được định giá bằng đồng bạc xanh như dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tại Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, hoạt động kinh doanh đã tăng lên mức cao nhất trong 26 tháng vào tháng 6 trong bối cảnh việc làm phục hồi và áp lực giá giảm đáng kể, mang lại hy vọng rằng tình trạng lạm phát chậm có thể sẽ được duy trì.

Tại Ấn Độ, các nhà máy lọc dầu đã xử lý lượng dầu thô nhiều hơn gần 1,3% trong tháng 5 so với một năm trước đó, trong khi tỷ trọng nguồn cung của Nga trong nhập khẩu sang Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, đã tăng lên.

Các nhà phân tích tại ANZ Research cho biết: “các dấu hiệu về nhu cầu mạnh mẽ hơn ở châu Á cũng thúc đẩy tâm lý thị trường. Các nhà máy lọc dầu trên toàn khu vực đang khôi phục lại công suất sau khi bảo trì”.

Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo rằng căng thẳng leo thang với Liên minh châu Âu về nhập khẩu xe điện có thể gây ra chiến tranh thương mại.

Ở một diễn biến khác, quân đội Ukraine cho biết máy bay không người lái của nước này đã tấn công 4 nhà máy lọc dầu, trạm radar và các cơ sở quân sự khác của Nga.

Người đứng đầu Hezbollah của Lebanon trong tuần này đã cam kết sẽ xung đột toàn diện với Israel trong trường hợp xảy ra chiến tranh xuyên biên giới.

Tại Ecuador, công ty dầu khí nhà nước Petroecuador đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với việc giao dầu thô nặng Napo để xuất khẩu, sau khi một đường ống chính và các giếng dầu bị đóng cửa do mưa lớn.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.508 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 22.466 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.360 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 20.356 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.223 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều ngày 20/6. Trong đó, Giá xăng E5 RON 92 tăng 198 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 231 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 720 đồng/lít, dầu hỏa tăng 497 đồng/lít, dầu mazut tăng 334 đồng/kg.

Minh Đức

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gia-dau-trong-tuan-176-236-dau-tho-ghi-nhan-tuan-tang-gia-713152.html