Xúc tiến thương mại ở Phú Lương: Thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp

Xúc tiến thương mại (XTTM) là hoạt động quan trọng giúp các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Bởi vậy những năm qua, huyện Phú Lương đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả XTTM, thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đồng thời từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm.

Các thành viên trong HTX Dịch vụ tổng hợp, sản xuất chế biến chè an toàn Quyết Thắng (Tức Tranh, Phú Lương) đóng gói và dán mã số, mã vạch cho sản phẩm chè.

Các thành viên trong HTX Dịch vụ tổng hợp, sản xuất chế biến chè an toàn Quyết Thắng (Tức Tranh, Phú Lương) đóng gói và dán mã số, mã vạch cho sản phẩm chè.

Những năm qua, huyện Phú Lương luôn chú trọng XTTM về các mặt hàng nông sản, trong đó, đặc biệt là sản phẩm từ cây chè. Theo đó, hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và làng nghề trên địa bàn tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại lễ hội, hội chợ trong và ngoài huyện như: Lễ hội Đền Đuổm, Lễ hội và Ngày hội vinh danh các làng nghề huyện Phú Lương; Hội chợ Xuân; Hội chợ mỗi xã phường một sản phẩm; Lễ hội vinh danh các làng nghề huyện Phú Xuyên (T.P Hà Nội).... Riêng đối với cây chè - cây trồng chủ lực của địa phương, từ năm 2017 đến nay, UBND huyện cũng tổ chức định kỳ chương trình tôn vinh các làng nghề chè, trong đó tạo điều kiện cho các HTX, làng nghề chè được trưng bày sản phẩm tại các gian hàng để quảng bá sản phẩm. Qua đó, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm chè của địa phương

Song song với đó, UBND huyện cũng đẩy mạnh phối hợp với Sở Công Thương triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh tìm kiếm mở rộng thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Cụ thể từ năm 2016 đến nay, huyện đã phối hợp hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch, mã QR Code cho 4 đơn vị; cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho 7 đơn vị; thiết kế tờ rơi, tập gấp, bao bì sản phẩm cho 5 đơn vị; hướng dẫn làm hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho 3 đơn vị. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp hỗ trợ quảng bá thông tin hình ảnh của một số đơn vị trên bản tin Kinh tế Công Thương, sàn giao dịch thương mại điện tử, website và kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa…

Các chương trình XTTM được triển khai thực hiện trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại của huyện phát triển; nhiều doanh nghiệp, HTX đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đồng thời quảng bá và tạo dựng hiệu quả thương hiệu tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Đỗ Cao Quý, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp, sản xuất chế biến chè an toàn Quyết Thắng (xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh) cho biết: HTX thành lập từ năm 2016, thời gian đầu do chưa biết xây dựng thương hiệu nên sản phẩm của chúng tôi chủ yếu chỉ mang ra chợ bán với giá thấp (khoảng 80.000 đồng/kg). Tuy nhiên, trong 2 năm 2017 và 2019, chúng tôi đã được Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện hướng dẫn làm thủ tục để đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm và giới thiệu tới các cơ quan chức năng để đăng ký Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm chè của HTX đã được nhiều khách hàng, tiểu thương tin tưởng; thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Hiện nay, thương lái đã đến tận nơi thu mua. Chúng tôi cũng đã thành công trong việc tìm kiếm, kết nối tiêu thụ, phân phối sản phẩm chè cho 12 đại lý tại Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam...

Bên cạnh thị trường trong nước, thông qua hoạt động XTTM, một số HTX, doanh nghiệp đã xuất bán sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài như Doanh nghiệp tư nhân chè Phúc Lâm, xã Cổ Lũng đã xuất khẩu sang Trung Quốc, Iran trung bình 300 tấn chè búp khô/năm. Năm 2019, sản phẩm chè túi lọc, chè móc câu ướp hương sen của HTX Chè Khe Cốc đã được tiêu thụ ở các nước châu Âu như Ba Lan, Pháp theo đường tiểu ngạch với sản lượng trên 600kg và có giá bán dao động từ 3-7 triệu đồng/kg (tùy từng loại sản phẩm).

Nhằm thúc đẩy hoạt động XTTM, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp nhằm mở rộng và định vị sản phẩm trên thị trường; phối hợp tổ chức có hiệu quả các hội chợ, lễ hội, ngày hội tôn vinh làng nghề, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương thực hiện hỗ trợ chính sách đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, chính sách thúc đẩy phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa…

Phan Trang

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thi-truong/xuc-tien-thuong-mai-o-phu-luong-thiet-thuc-ho-tro-cac-doanh-nghiep-272816-105.html