Việt Nam nhận hơn 1.000 thông báo điều chỉnh an toàn thực phẩm từ các nước trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam đã nhận 1.029 thông báo mới từ các thị trường xuất khẩu lớn, yêu cầu điều chỉnh quy định về an toàn thực phẩm và dịch bệnh động thực vật (SPS). Đây là con số cao kỷ lục, phản ánh xu hướng gia tăng kiểm soát nhập khẩu từ các thành viên WTO, đặc biệt những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

 Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam dự báo lập kỷ lục năm 2024

Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam dự báo lập kỷ lục năm 2024

Tại buổi tọa đàm ngày 19-12 với chủ đề “Xuất khẩu nông sản năm 2024 - kỷ lục mới, vị thế mới”, đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 có thể đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, với 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Xuất siêu cũng ghi nhận mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%.

Trong đó, theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Quang Hiếu, kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng đã vượt cả năm 2023, thể hiện vai trò của phát triển bền vững và hiệu quả mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đang đối mặt nhiều thách thức khi các thị trường xuất khẩu liên tục thay đổi quy định về an toàn thực phẩm và dịch bệnh động thực vật (SPS).

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, trong năm 2024, cơ quan này đã nhận tới 1.029 thông báo mới từ các thành viên WTO, trong đó có những quy định khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Riêng Nhật Bản, trong tháng 11, đã đưa ra 10 thông báo giảm hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến các mặt hàng như thanh long, cà phê… mà Việt Nam đang xuất khẩu.

Trung bình mỗi ngày, Văn phòng SPS Việt Nam phải ban hành 3 thông báo để gửi tới doanh nghiệp, nhắc nhở và hướng dẫn họ điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu mới

- ông Ngô Xuân Nam thông tin.

 Theo Bộ NN-PTNT, phải mất nhiều năm cơ quan chức năng mới đàm phán mở cửa thị trường được một loại sản phẩm. Ảnh minh họa

Theo Bộ NN-PTNT, phải mất nhiều năm cơ quan chức năng mới đàm phán mở cửa thị trường được một loại sản phẩm. Ảnh minh họa

Ông Ngô Xuân Nam chia sẻ: “Chúng ta rất tự hào về nông nghiệp của Việt Nam. Để vào được các thị trường khó tính là cả vấn đề và quá trình nỗ lực. Có sản phẩm, chúng ta phải mất nhiều năm đàm phán và nỗ lực mới mở được cửa vào thị trường. Chúng ta muốn xuất khẩu được không chỉ dựa vào số lượng, chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng được các quy định của thị trường”.

Cũng theo ông, không phải tất cả doanh nghiệp và địa phương đều kịp thời thích ứng với các quy định mới. “Có những đơn vị còn chưa nhận thức được đầy đủ và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Đây chính là "con sâu làm rầu nồi canh", ảnh hưởng đến hình ảnh chung của ngành nông nghiệp. Chúng ta cần tuyên truyền, vận động và yêu cầu các trường hợp này thay đổi để không làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung”, ông Nam nhấn mạnh.

Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT đảm bảo tuân thủ quy định quốc tế, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT đã triển khai kế hoạch thực hiện Đề án SPS, giúp các địa phương, doanh nghiệp nắm bắt và kịp thời điều chỉnh. Đến nay, chỉ còn một số doanh nghiệp chưa thích ứng, nhưng nhìn chung, ngành nông nghiệp có bước tiến lớn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

 Cuộc tọa đàm ngày 19-12 do Báo Dân Việt và Bộ NN-PTNT tổ chức

Cuộc tọa đàm ngày 19-12 do Báo Dân Việt và Bộ NN-PTNT tổ chức

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cũng nhấn mạnh, để mở cửa một thị trường, có thể mất 3-5 năm đàm phán, nhất là với các sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao như sầu riêng.

Sự tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu nông sản không chỉ đến từ các sản phẩm chủ lực mà còn nhờ vai trò của cơ quan quản lý và nhận thức ngày càng cao của các đơn vị sản xuất.

Bộ NN-PTNT kỳ vọng trong thời gian tới, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/viet-nam-nhan-hon-1000-thong-bao-dieu-chinh-an-toan-thuc-pham-tu-cac-nuoc-trong-nam-2024-post773873.html