Xứng đáng đô thị hạt nhân Lâm Đồng
30 năm thực hiện Nghị định 65CP của Chính phủ thành lập thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng (11.7.1994 - 11.7.2024) đánh dấu quá trình xây dựng và phát triển đô thị với những thành tựu khẳng định vị thế trung tâm kinh tế - xã hội vùng phía Nam tỉnh. Bước vào giai đoạn phát triển mới, người dân kỳ vọng cấp ủy, chính quyền thành phố phát huy vai trò năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, góp phần xây dựng Bảo Lộc xứng đáng là đô thị hạt nhân, trở thành trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.
Khẳng định vị thế trung tâm kinh tế - xã hội vùng phía Nam tỉnh
Được mệnh danh là xứ sở của trà B’Lao và lụa tơ tằm Việt, Bảo Lộc xưa có tên là B’Lao, cư dân bản địa là người dân tộc Mạ và K’Hor, sống du canh du cư. Khoảng giữa năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin(1863 - 1943), nhà vi khuẩn học và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ đã phát hiện ra vùng đất này trong một chuyến thám hiểm xuyên dãy Trường Sơn; ông cũng chính là người khám phá ra cao nguyên Lâm Viên và đề xuất Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ thành lập thành phố Đà Lạt ngày nay.
Lịch sử địa danh miền đất B’Lao có nhiều biến động, trước đây thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng. Năm 1958, chính quyền Sài Gòn đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, gồm 2 quận là B’Lao và Di Linh; Tòa thị chính tỉnh Lâm Đồng đặt tại B’Lao. Năm 1959, B’Lao được đổi tên thành Bảo Lộc. Sau ngày đất nước thống nhất, vào năm 1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định hợp nhất tỉnh Lâm Đồng (cũ), tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng (mới) tỉnh lỵ đặt tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc trở thành một huyện thuộc tỉnh, huyện lỵ là thị trấn B’Lao.
Những năm sau thời kỳ “Đổi mới” 1986 đến đầu thập niên 1990, kinh tế Bảo Lộc phát triển mạnh, các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước ban hành hợp lòng dân đã khơi dậy tiềm năng sẵn có của địa phương, thu hút và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của quốc gia về lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Cùng với tăng trưởng kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh. Theo nguyện vọng của nhân dân, HĐND huyện Bảo Lộc ban hành Nghị quyết, báo cáo UBND tỉnh trình Chính phủ ban hành Nghị định 65CP ngày 11.7.1994 chia huyện Bảo Lộc thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
30 năm qua, bằng nỗ lực lao động cần cù và sáng tạo, nhân dân Bảo Lộc đạt những thành tựu kinh tế - xã hội đáng tự hào, khẳng định vị thế trung tâm kinh tế - xã hội vùng phía Nam tỉnh Lâm Đồng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh và đất nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng 13,8 lần so năm 1994, riêng năm 2023 đạt hơn 200 triệu USD, chiếm 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Kết cấu hạ tầng được cải thiện, đạt tiêu chí đô thị loại III năm 2009 và trở thành thành phố vào năm 2010 theo Nghị quyết số 19 NQ/CP ngày 8.4.2010 của Chính phủ, dự kiến đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025. Chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng nâng lên, 99,8% hộ dân dùng điện lưới quốc gia, 98% dân số dùng nước hợp vệ sinh…
Năng động, đột phá vì lợi ích chung
Cùng với sự phát triển là những thách thức đang đặt ra cho thành phố cần được hóa giải: bản sắc đô thị còn mờ nhạt, mô hình tăng trưởng chưa hiệu quả, du lịch, dịch vụ chậm phát triển. Quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất thường có độ trễ lớn, chưa đáp ứng yêu cầu “đi trước một bước” để theo kịp tốc độ đô thị hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị như giao thông, cấp, thoát nước, xử lý chất thải sinh hoạt... dần quá tải, xuống cấp. Hiện chỉ 56% số hộ dân được dùng nước sạch, phạm vi bao phủ cấp nước sạch còn thấp; khối lượng rác thải, nước thải phát sinh tăng nhanh, tỷ lệ thu gom xử lý nước thải chỉ đạt 5%. Ít cây xanh; thiếu nơi đỗ ô tô công cộng buộc chính quyền phải đặt biển cấm theo ngày chẵn, lẻ trên nhiều tuyến phố, gây bất tiện, bức xúc cho người dân sở tại và nơi khác đến. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vừa thiếu, vừa phân bố không đều nên chưa tạo thuận lợi để người dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống địa phương...
Bước vào giai đoạn phát triển mới, nhân dân và Đảng bộ, chính quyền thành phố đang nỗ lực vượt qua những thách thức trước mắt và dài hạn nhưng rất cần sự quan tâm của tỉnh về cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực hợp lý để thành phố giữ được đà tăng trưởng, nuôi dưỡng, tái tạo, tăng nguồn thu, đủ khả năng thực hiện đạt mục tiêu phát triển thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 theo Quy hoạch chung được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định 1194/QĐ-UBND ngày 16.6.2023. Mặt khác, nhân dân kỳ vọng cấp ủy, chính quyền thành phố năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; huy động được trí tuệ, nghiên cứu, mạnh dạn quyết định các cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển đô thị theo quyền hạn của chính quyền đô thị thuộc tỉnh được pháp luật quy định; góp phần xây dựng Bảo Lộc xứng đáng là đô thị hạt nhân, trở thành trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với các vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia.