Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân biên giới (bài 4)

Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ nặng nề và hết sức thiêng liêng. Để làm được điều này, việc xây dựng, phát triển đời sống mọi mặt ở khu vực biên giới đóng vai trò vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, từ khi thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn phát huy phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ', không quản ngại khó khăn, gian khổ, góp phần cùng các lực lượng và chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, từng bước chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân trên biên giới, biển, đảo...

Bài 1: Xây “cột mốc lòng dân” trên biên giới

Bài 2: Dựng “phên dậu” nơi đầu sóng, ngọn gió

Bài 3: “Lá chắn thép” trên biên giới, biển đảo

Bài 4: Tỏa sáng hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”

Hơn 61 năm qua, dù ở nơi rừng sâu, núi thẳm hay hải đảo xa xôi, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên cả nước đều không quản gian khổ, hy sinh để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vừa tham gia bảo vệ tài sản, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân. Hình ảnh đó đã tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, góp phần tăng cường, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với Quân đội...

Tổ chốt Biên phòng phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ảnh: Đăng Bảy

Tổ chốt Biên phòng phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ảnh: Đăng Bảy

Xung kích trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Chưa năm nào đất nước ta lại gánh chịu hậu quả thiên tai nặng nề như năm nay. Ròng rã gần một năm qua, khi cả nước vẫn đang gồng mình chống chọi với dịch Covid-19, thì nguyên cả tháng 10, bão gió, lũ lụt liên tục hoành hành các tỉnh miền Trung. Và cũng trong những cơn hoạn nạn đó, dọc theo chiều dài đất nước, ở những nơi hiểm nguy, gian khó, người dân lại thấy rõ nét hơn bao giờ hết hình ảnh lăn xả, sự hy sinh thầm lặng của “Bộ đội Cụ Hồ” nói chung và cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói riêng.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, ngay từ đầu tháng 2-2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt và triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Không chỉ sử dụng lực lượng tại chỗ, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện từ tuyến sau đã được điều động, tăng cường cho các tuyến biên giới. Hơn 1.600 tổ, chốt với hơn gần 10.000 cán bộ, chiến sĩ BĐBP cùng với các lực lượng khác đã được bố trí một cách hợp lý, khóa chặt đường mòn, lối mở, các điểm trọng yếu trên biên giới. Từ tháng 2-2020 đến nay, BĐBP vẫn duy trì 100% các tổ, chốt và quân số làm nhiệm vụ, kiểm soát chặt chẽ biên giới, siết chặt tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.

Tuy nhiên, do đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, nhiều sông suối nên việc kiểm soát và ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép của BĐBP gặp rất nhiều khó khăn... Do vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” vừa giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vừa tham gia phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, BĐBP trên cả nước đã không quản ngại ngày đêm, gian khổ, bám trụ trên biên giới. Qua công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh, các đơn vị BĐBP đã phát hiện, xử lý 35 vụ/250 đối tượng tội phạm về hình sự và gần 20.000 người xuất, nhập cảnh trái phép. Nổi lên là địa bàn các tỉnh như: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai... Cùng với đó, các đơn vị BĐBP cũng đã chủ động xác lập gần 50 chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ, đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức đưa dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép; khởi tố, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 53 vụ/107 đối tượng có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép.

Vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đã có khoảng 250 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng gác việc riêng, hy sinh chuyện gia đình để ở lại tuyến đấu chống dịch, trong đó, 25 đồng chí có người thân qua đời; 75 đồng chí có người thân cấp cứu, ốm nặng tại các bệnh viện; 57 đồng chí có vợ mới sinh con và 62 đồng chí hoãn cưới vợ, hoãn cưới con. Đặc biệt, vì nhiệm vụ chống dịch, có đồng chí đã hy sinh ngay tại biên giới như Thượng úy Phạm Ngọc Hải, Đồn Biên phòng Sông Thanh, BĐBP Kon Tum.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính

Gần như hết cả tháng 10-2020, trên khắp dải đất miền Trung ruột thịt, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an, trong đó có BĐBP đã liên tục dầm mình trong bão gió, lũ dữ để hỗ trợ, cứu giúp nhân dân và đồng đội. Với quyết tâm không để tính mạng và tài sản của nhân dân bị đe dọa, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, những chiến sĩ quân hàm xanh đã quên ăn, quên ngủ, sẵn sàng xung kích ở những nơi hiểm nguy, gian khó nhất để phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn... Chính suy nghĩ cao cả, cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim của “Bộ đội Cụ Hồ” đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng có mặt ở nơi hiểm nguy, để cứu giúp, hỗ trợ nhân dân nhanh nhất. Trước những diễn biến nhanh của các cơn bão số 5, 6, 7, 8 và 9, BĐBP đã điều động trên 17.500 lượt cán bộ, chiến sĩ với hàng trăm lượt phương tiện giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời người dân đến nơi an toàn và tham gia khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

Trước đó, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với các lực lượng kiểm đếm, hướng dẫn gần 100.000 phương tiện, 500.000 người dân biết diễn biến của các cơn bão để chủ động di chuyển vào nơi tránh trú an toàn hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Cùng với đó, công tác cứu nạn, cứu hộ trên biên giới cũng được BĐBP đặc biệt quan tâm với tấm lòng và trách nhiệm cao nhất. Điển hình vừa qua, ngay sau khi nhận được tin báo về 2 vụ sạt lở núi xảy ra tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế, vùi lấp 13 cán bộ, chiến sĩ và vụ vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) xảy ra tại xã đặc biệt khó khăn Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Bộ Tư lệnh BĐBP đã điều động hàng trăm quân nhân và 3 chó nghiệp vụ khẩn trương triển khai nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Trong điều kiện mưa lũ, đêm tối, các trục đường dẫn về nơi xảy ra sự cố đều bị sạt lở, chia cắt nghiêm trọng, nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng đã cắt rừng, vượt suối, quyết tâm tiếp cận hiện trường tìm kiếm, cứu hộ đồng đội.

Cũng trong đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10, trong quá trình cứu nạn, cứu hộ, Đại úy Lê Văn Dùy, cán bộ BĐBP tăng cường xã, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã bị thương. Trước đó, tối 17-10, nhận được tin báo có 7 người dân trên địa bàn đi làm rẫy bị mất liên lạc, chính quyền xã Hướng Việt đã cử tổ công tác gồm 7 cán bộ, chiến sĩ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. Trên đường đi, đoàn gặp lũ quét khiến Thượng úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt hy sinh; Đại úy Lê Văn Dùy bị gãy chân và đồng chí Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt bị đa chấn thương...

Khi đã khoác lên người bộ quân phục, lấy binh làm nghiệp, người chiến sĩ thường không nói nhiều về sự mất mát, hy sinh của bản thân mình. Họ luôn hiểu trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân và sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Vẫn biết là thế, nhưng sự hy sinh trong thời bình quả là sự hy sinh thầm lặng và cao cả. Vượt lên tất cả gian nan, vất vả, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vẫn đang dầm mình trong bão gió, giúp đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả của lũ lụt, của thiên tai gây ra.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xung-dang-la-cho-dua-tin-cay-cua-cap-uy-chinh-quyen-va-nhan-dan-bien-gioi-bai-4-post434704.html