Xứng đáng là 'gốc rễ' của Đảng Kỳ 2: Đảng là sợi dây gắn kết

Nhiều đảng viên đã phát huy tinh thần cách mạng, truyền thống gia đình để răn dạy, giáo dục con cháu nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, từ đó góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nhưng còn hơn cả lời dạy, chính câu chuyện đời của ông bà, bố mẹ đã trở thành tấm gương để thế hệ trẻ noi theo, tự nguyện phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng, rèn luyện để trở thành những đảng viên tốt.

“Vào Đảng như một lẽ tự nhiên...”

Trong quá trình tiếp xúc với những gia đình có truyền thống cách mạng, có nhiều thế hệ đảng viên, điều mà chúng tôi quan tâm nhất, chính là làm sao để các gia đình này duy trì được truyền thống cách mạng, nhất là chuyện phát triển đảng viên. Những câu chuyện kể về Đảng, về sự phấn đấu, cống hiến của thế hệ đảng viên thứ hai, thứ ba trong các gia đình này đã đem lại nhiều góc nhìn thú vị.

Trong câu chuyện về mình, ông Bùi Dũng (con trai cả bà Võ Thị Đẩu) - nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày tập kết ra Bắc, ba ông luôn công tác xa nhà, rồi trở lại chiến trường miền Nam năm 1964. Mẹ ông công tác ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (đóng chân ở Thường Tín, Hà Đông) cũng rất bận rộn, nên anh em ông tự bảo ban nhau học hành. “Không ai bảo ai, nhưng tất cả đều nỗ lực, phấn đấu học tập để ba mẹ yên tâm công tác. Tôi và các em mình đều muốn học giỏi, để sau này khi thống nhất đất nước sẽ góp phần xây dựng quê hương”, ông Dũng chia sẻ. Thế còn chuyện vào Đảng, có một sự định hướng nào không - chúng tôi hỏi. “Tôi vào Đảng khi đã gần 40 tuổi. Trước đó, ba tôi không bao giờ nhắc nhở tôi phải vào Đảng. Nhưng qua chuyện trò, tôi biết ông canh cánh bên lòng chuyện tôi chưa là đảng viên, nhất là khi em trai, em dâu tôi đã được đứng trong hàng ngũ. Đến một ngày, tôi thấy mình cần phải vào Đảng. Ba mẹ là cán bộ lão thành cách mạng, mình lớn lên, được học hành, trưởng thành là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì chuyện vào Đảng nó như là một lẽ tự nhiên”, ông Bùi Dũng chia sẻ.

Ông Phạm Phổ Thọ nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng năm 2023.

Ông Phạm Phổ Thọ nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng năm 2023.

Tương tự, bà Bùi Thị Hạnh - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa cho biết, ba mẹ của bà không bao giờ dạy dỗ, nhắc nhở về truyền thống cách mạng của gia đình mà tự thân bà ý thức điều đó. “Ba mẹ tôi cùng những người thân hai bên nội ngoại là tấm gương để mình tự soi vào. Tôi thấy mẹ tôi nỗ lực rất nhiều trong công tác, bố đi vào chiến trường miền Nam, tự mình phải nỗ lực học hành để ba mẹ không phải lo lắng. Ra trường đi làm lại nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, rồi vào Đảng như một lẽ tự nhiên. Những lần lễ, Tết, đại gia đình cùng tụ về, lớp người già kể chuyện đi làm cách mạng đã tiếp thêm tình yêu, niềm tin của chúng tôi vào Đảng. Chính tấm gương của lớp trưởng bối, trách nhiệm của người đảng viên đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trong công việc”, bà Hạnh chia sẻ.

Cũng như gia đình bà Đẩu, các con cháu của bà Phạm Thị Xuyến cũng luôn có ý thức học tập, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống gia đình. Ngước mắt lên di ảnh của bố, ông Phạm Phổ Thọ cho biết, từ nhỏ, ông và các em đã xem ba, mẹ là tấm gương sáng để noi theo. Trong quá trình học tập, làm việc, họ luôn bảo nhau phải cố gắng hết sức, dù có khó khăn cũng không được nhụt chí. Các con của ông Thọ cũng theo nếp ấy mà trưởng thành. Để rồi bây giờ, đại gia đình nhà ông Thọ có 15 người thì có đến 12 người là đảng viên.

Những tấm gương trong gia đình

Thuộc thế hệ đảng viên thứ ba, chị Bùi Nguyên Châu (cháu nội bà Đẩu) đã trở thành đảng viên khi vừa tròn 27 tuổi. Ngay khi còn nhỏ, bà nội vẫn thường hay kể cho chị nghe về cuộc đời chinh chiến của ông nội, về ba Cảm thời đi học xa nhà đã giấu gia đình nộp đơn tình nguyện đi B. Một trong những chuyện bà kể nhiều nhất đó là ông cố của chị đã bị giặc Pháp tra tấn đến chết, rồi chuyện những người em ông nội hy sinh. Chị cũng nghe kể nhiều về cuộc đời khó nhọc, vất vả của bà mình. Đặc biệt, ngày tập kết ra Bắc, nhìn vào trang giấy, bà mới chỉ biết tập đánh vần. Một tay nuôi cả đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn, ngày lo công tác nhưng đêm đêm bà vẫn cố gắng học bổ túc văn hóa để tốt nghiệp cấp 2 (lớp 7), rồi trở thành cán bộ quản lý hậu cần cho Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. “Lúc nhỏ, tôi cũng không suy nghĩ gì lắm… Nhưng khi lớn lên, biết thêm về bối cảnh lịch sử đất nước, tôi mới thấm hiểu sự nỗ lực rất lớn của bà mình. Những lúc học hành vất vả, tôi lại nghĩ về bà để có thêm động lực để vượt qua”, chị Châu tâm sự. Và muốn tiếp nối sợi dây truyền thống gia đình, muốn được sống gần bên bà hơn, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật tại TP. Hồ Chí Minh, dù có nhiều cơ hội để tìm việc trong đó nhưng chị Châu đã trở về Nha Trang và làm việc ở ngành Tòa án của tỉnh. “Ba tôi mất sớm, bà nội rất thương tôi nhưng không hề có chuyện nuông chiều, ngược lại rất nghiêm khắc. Ngày tôi được kết nạp Đảng, dù không nói ra nhưng bà mừng ra mặt. Thỉnh thoảng khi đọc báo, thấy các tin tức về tham nhũng, tham ô, bà không vui và luôn nói, đảng viên là phải gương mẫu - như để nhắc nhở tôi vậy”, chị Châu bày tỏ.

Chị Bùi Nguyên Châu luôn xem bà nội Võ Thị Đẩu là tấm gương sáng để noi theo.

Chị Bùi Nguyên Châu luôn xem bà nội Võ Thị Đẩu là tấm gương sáng để noi theo.

Chị Phạm Thu Hiền - cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo TP. Nha Trang (cháu nội bà Xuyến) cũng chia sẻ, chính truyền thống gia đình cả bên nội và bên ngoại đã thôi thúc chị phải nỗ lực để được kết nạp Đảng từ khi còn rất trẻ. “Cuộc đời của ông bà tôi từ những người nông dân được Đảng dìu dắt trưởng thành. Nhờ có Đảng, bố mẹ và các cô, cậu của tôi đã được học hành, trở thành những người cán bộ có đóng góp cho đất nước. Tôi nguyện được tiếp nối truyền thống đó, gìn giữ sợi chỉ đỏ truyền thống của gia đình. Tôi xác định, vào Đảng là để rèn luyện, để cống hiến chứ không phải để kiếm chức nọ, chức kia…”, chị Hiền tâm sự.

Trong ký ức của những người đảng viên trẻ, ông bà không chỉ có lối sống giản dị mà còn rất nghiêm khắc. “Mỗi tuần, ông bà vẫn thường tập hợp con cháu lại để dạy bảo. Chỉ cần có lỗi lầm nhỏ thôi là ông bà quở trách rất nặng… Thế nên, chúng tôi không dám xao nhãng chuyện học tập. Lớn lên, tôi nỗ lực vào Đảng để được tiếp nối truyền thống gia đình”, anh Phạm Phổ Công (cháu nội bà Xuyến) tâm sự.

Chưa có một thống kê đầy đủ về gia đình 3, 4 thế hệ đảng viên trong chiến tranh, sau ngày hòa bình lập lại và giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập, nhưng những gia đình giàu truyền thống cách mạng như gia đình bà Xuyến, bà Đẩu, ông Thân... còn rất nhiều ở Khánh Hòa. Đến những gia đình này sẽ thấy rõ Đảng và Bác Hồ luôn ở trong tim của họ. Ngoài tình máu mủ ruột thịt, Đảng trở thành sợi chỉ đỏ để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, trở thành "nếp nhà" để các thế hệ mai sau tiếp nối duy trì truyền thống cách mạng, phấn đấu rèn luyện, trưởng thành, giữ gìn những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

THU HIỀN - XUÂN THÀNH

Kỳ 3: Phát huy truyền thống gia đình trong xây dựng Đảng

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/giai-bua-liem-vang/202308/xung-dang-la-goc-re-cua-dang-ky-2-dang-la-soi-day-gan-ket-54d62f3/