Xứng đáng là 'gốc rễ' của Đảng Kỳ cuối: Phát huy truyền thống gia đình trong xây dựng Đảng

Trong đời sống hôm nay, việc phát triển đảng viên gặp không ít khó khăn vì thiếu nguồn, thế hệ trẻ có nhiều người “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Chính vì vậy, để làm tốt công tác phát triển đảng viên nói riêng, xây dựng đảng nói chung, cần gắn với việc phát huy truyền thống tốt đẹp của các gia đình.

Tình thân gắn kết

Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong những năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo việc xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tại Đại hội VIII, Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Đến Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Trên thực tế, nhiều gia đình đảng viên đã quan tâm gìn giữ truyền thống, duy trì các sinh hoạt văn hóa vào dịp lễ, Tết, làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ được trao truyền một cách tự nhiên cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, xây dựng và phát triển nhân cách con người; gìn giữ, phát huy cốt cách của con người Việt Nam, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Đơn cử như gia đình bà Đẩu, 3 thế hệ sống chung dưới một mái nhà, các thành viên trong gia đình đều rất nề nếp, biết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, biết kính trên nhường dưới. Những người con dâu của bà Đẩu tâm sự, ngày về làm dâu, họ mới biết gia đình nhà chồng là dân cách mạng “gốc”. Họ hàng bên ông, bên bà toàn là người tham gia kháng chiến. Không chỉ vậy, trong đại gia đình của ông bà, các anh chị em, con cháu cũng sống rất gắn kết, chan hòa, người nhỏ thương yêu, kính trọng người lớn. Các con của ông bà cũng toàn là người có học thức, sống ngay thật và tình cảm. Sau ngày ông mất đi, bà là người trụ cột về đời sống tinh thần của gia đình. Được làm con dâu như làm con gái của bà, họ đều rất vui.

Gia đình ông Thọ cùng thân sinh Phạm Phổ Thông - Phạm Thị Xuyến.

Gia đình ông Thọ cùng thân sinh Phạm Phổ Thông - Phạm Thị Xuyến.

Thư ông Phạm Khánh gửi cháu nội Phạm Phổ Thọ năm 1972 bày tỏ niềm tự hào khi ông Thọ tiếp nối truyền thống gia đình góp sức chống giặc ngoại xâm.

Thư ông Phạm Khánh gửi cháu nội Phạm Phổ Thọ năm 1972 bày tỏ niềm tự hào khi ông Thọ tiếp nối truyền thống gia đình góp sức chống giặc ngoại xâm.

Tương tự, các con cháu gia đình bà Xuyến cũng rất biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Đặc biệt, các con, cháu của bà đều rất hiếu kính. Ở tuổi 73, ông Thọ vẫn tự tay chăm sóc mẹ già. Mỗi sáng sớm, ông đều đi chợ, tự tay nấu ăn và cùng ăn sáng với mẹ. Bạn bè rủ đi chơi xa ông đều từ chối vì mẹ chỉ “chịu” mỗi mình ông. “Người già thì tính tình thất thường, có nhiều đòi hỏi kỳ lạ, khó giải thích lắm, lại hay giận dỗi vô cớ. Nhưng tôi luôn nghĩ đó là phúc của mình. Mình còn mẹ để mà chăm sóc, phụng dưỡng. Một người cán bộ tốt phải trung với nước, hiếu với dân, nhưng trước khi hiếu với dân, mình phải có hiếu với bố mẹ để trả ơn dưỡng dục sinh thành. Sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà trở thành thước đo quan trọng về đạo đức, nhân cách sống của mỗi người,” ông Thọ chia sẻ.

Truyền thống gia đình là “thành trì” để chống lại các tệ nạn

Trong những năm qua, có nhiều cán bộ, đảng viên đã bị sa ngã, dính vào các vụ án tham ô, tham nhũng, có lối sống thiếu chuẩn mực. Tất cả những điều đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phai nhạt lý tưởng, thiếu rèn luyện tu dưỡng đạo đức, cũng chính là việc đánh mất truyền thống của gia đình. Là người từng trải, ông Thọ rất thấu hiểu những khó khăn trong việc giữ gìn phẩm chất của đảng viên trong thời điểm hiện nay. “Thời chúng tôi, ai cũng muốn trở thành đảng viên, bởi điều đó rất vinh dự và tự hào. Bây giờ, cuộc sống phức tạp hơn, nhiều cám dỗ, nếu không tu dưỡng sẽ dẫn đến “nhạt Đảng, khô Đoàn” và sa ngã lúc nào không hay. Chính vì vậy, tôi luôn dạy con, cháu phải lấy truyền thống cách mạng của gia đình để rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Nếu làm cán bộ thì phải phấn đấu vào Đảng để phát huy truyền thống cách mạng của gia đình. Còn nếu làm kinh doanh ở ngoài, chưa có điều kiện để vào Đảng cũng phải giữ đức kinh doanh, không làm chuyện xấu”, ông Thọ tâm sự.

Ông Dương Chí trò chuyện về truyền thống cách mạng với cán bộ Hội Tù chính trị huyện Diên Khánh.

Ông Dương Chí trò chuyện về truyền thống cách mạng với cán bộ Hội Tù chính trị huyện Diên Khánh.

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò và vị trí của gia đình là nhân tố quan trọng trong toàn bộ chính sách xây dựng, phát triển đất nước. Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thực tế đã chứng minh, trong gia đình, bố, mẹ, sống chuẩn mực, giỏi giang, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương… phần lớn sẽ nuôi dạy được những đứa con kế thừa truyền thống gia đình và có những đức tính chuẩn mực tốt đẹp ấy. Ngược lại sẽ nuôi dạy, đào tạo nên những đứa con là những công dân ích kỷ, có lối sống lệch lạc, là nỗi lo, là gánh nặng của xã hội. Chính vì vậy, nếu làm tốt việc phát huy truyền thống tốt đẹp của các gia đình, sẽ có ích rất lớn cho công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Theo đó, các bậc ông bà, cha mẹ nói chung và các gia đình có truyền thống cách mạng nói riêng cần răn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải, biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình, dòng họ; gắn bó với làng xã; đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Ở Khánh Hòa hiện nay, có rất nhiều đảng viên làm tốt điều này, trong đó ông Dương Chí (cựu tù chính trị đảo Phú Quốc, đảng viên 75 năm tuổi Đảng, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) là một ví dụ tiêu biểu. Với tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên, sau khi về hưu năm 1984, ông Chí đã tích cực tham gia nhiều hoạt động của địa phương, thường xuyên tham gia hoạt động kể chuyện, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh các trường trên địa bàn. “Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh trong những năm tháng chiến đấu với quân thù. Với tôi, được sống đến hôm nay, thấy đất nước, quê hương đổi mới, phát triển là hết sức may mắn. Tôi nguyện giữ trọn lời thề khi được kết nạp vào Đảng, giáo dục con cháu nỗ lực học tập, công tác để góp phần xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn”, lời tâm sự của ông Chí cũng chính là tấm lòng của lớp đảng viên lão thành.

Tổ quốc được tạo nên bởi những gia đình. Gia đình là tổ ấm, là cái nôi yêu thương, chăm sóc những mầm non của Đảng, của Tổ quốc. Để rồi sau này, những mầm xanh ấy sẽ trở thành những đảng viên, cán bộ gương mẫu, có nhiều đóng góp trong quá trình dựng xây đất nước. Chúng tôi tin rằng, những đảng viên trẻ trong các gia đình giàu truyền thống cách mạng sẽ tiếp tục có những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như chị Phạm Thu Hiền chia sẻ về lý tưởng của đời mình: “Trong tôi, Đảng là một điều gì đó rất thiêng liêng. Từ ông cố tôi cho đến ba tôi đã đứng dưới ngọn cờ của Đảng, đã đấu tranh để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trách nhiệm của chúng tôi và các thế hệ tiếp nối là phải giữ gìn những gì cha ông đã hy sinh xương máu để giành được, phải nỗ lực xây dựng để đất nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ”.

Ông HÀ QUỐC TRỊ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Đảng ta rất tự hào khi có rất nhiều gia đình có 3 - 4 thế hệ là đảng viên. Đấy không chỉ là những gia đình cách mạng tiêu biểu của địa phương mà còn là những tấm gương mẫu mực. Thực tế đã chứng minh, những lớp đảng viên trẻ ở trong những gia đình nhiều thế hệ đảng viên ấy đã noi gương truyền thống gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nỗ lực trong học tập, công tác để có nhiều đóng góp hơn nữa cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. Quan điểm của Đảng ta cho thấy, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” gia đình phải phát triển bền vững. Những gia đình đảng viên giàu truyền thống cách mạng chính là những tế bào mạnh, là “gốc rễ” của Đảng. Chính vì thế, trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình; tiếp tục nhân rộng mô hình các gia đình có nhiều thế hệ là đảng viên; tập trung xây dựng hệ giá trị gia đình, mỗi gia đình đảng viên phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục, bồi đắp những giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam, qua đó góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh.

THU HIỀN - XUÂN THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/giai-bua-liem-vang/202308/xung-dang-la-goc-re-cua-dang-ky-cuoi-phat-huy-truyen-thonggia-dinh-trong-xay-dung-dang-6fe07f8/