Xứng đáng là 'lò luyện thép' của BĐBP

BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vừa phải giữ vững môi trường hòa bình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ BĐBP có phẩm chất, năng lực toàn diện, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để tìm hiểu rõ hơn về công tác này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc Học viện Biên phòng.

Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp.

- Thưa Thiếu tướng, trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, Học viện Biên phòng đã và đang có những giải pháp gì trong công tác giáo dục - đào tạo đội ngũ cán bộ?

- BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Do đó, xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là yêu cầu tất yếu, khách quan, là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng trong chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Trong tình hình mới hiện nay, đòi hỏi phải xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đội ngũ cán bộ được đào tạo phải có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực xử lý linh hoạt mọi tình huống, trong đó, chú trọng tinh thông kỹ năng nghiệp vụ, nắm chắc kiến thức pháp luật, đối ngoại, có trình độ ngoại ngữ và tiếng nước láng giềng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trong điều kiện toàn cầu hóa, BĐBP là người “gác cửa” biên giới, nên cũng là một trong những đối tượng trực tiếp ảnh hưởng nhiều chiều và đa dạng của quá trình “hội nhập”. Vì vậy, chỉ có trên cơ sở xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tăng cường các biện pháp về công tác Đảng, công tác chính trị, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, làm cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP nhận thức rõ tình hình, đánh giá đúng bản chất âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Đồng thời, không mơ hồ, ảo tưởng; dám đấu tranh, phê phán những tư tưởng lệch lạc, lối sống lai căng thiếu lành mạnh. Từ đó, có quan điểm lập trường đúng đắn, có chính kiến đúng - sai rõ ràng, hiểu rõ bạn - thù, đối tượng - đối tác...; chủ động vươn lên, vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cũng cần kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, chính sách, tạo sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong toàn lực lượng BĐBP.

Thực tế, những năm gần đây, cùng với quá trình mở cửa, hội nhập. Xuất hiện khuynh hướng thực dụng, chạy theo lợi ích kinh tế, làm giàu bất chính, bất chấp kỷ cương, đạo lý, lối sống buông thả hưởng thụ... Ảnh hưởng xấu của mặt trái cơ chế thị trường có những tác động mạnh vào đời sống cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Vì vậy, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác giáo dục, quản lý bảo vệ nội bộ, kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức, chính sách là những giải pháp tích cực để nâng cao bản chất cách mạng cho BĐBP.

- Thời gian qua, quy trình, chương trình đổi mới nội dung đào tạo bảo đảm chất lượng và sát thực tế đã được Học viện triển khai như thế nào, thưa Thiếu tướng?

- Có thể khẳng định rằng, trong suốt những năm học vừa qua và hiện nay, Học viện Biên phòng đã đẩy mạnh đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, đảm bảo chất lượng và sát thực tế công tác, chiến đấu của BĐBP. Để đổi mới, trước hết, đơn vị đã xác định được đúng, chuẩn đầu ra cho từng loại hình đào tạo. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình, nội dung sát với các bậc học, đối tượng đào tạo và phải được thực hiện chặt chẽ ở tất cả các cấp, từ bộ môn đến khoa và học viên, đảm bảo tính khoa học, cơ bản thiết thực, đáp ứng mô hình mục tiêu đào tạo.

Mặt khác, nội dung, chương trình đào tạo phải kết hợp tốt giữa việc trang bị kiến thức cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu với bồi dưỡng năng lực, phương pháp lãnh đạo, bản lĩnh của người chỉ huy và ý thức rèn luyện kỷ luật, sức khỏe cho người học; chuyển mạnh từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang xây dựng phẩm chất năng lực cho sĩ quan tương lai theo chuẩn đầu ra đã xác định cho từng loại hình đào tạo. Đưa ứng dụng kỹ thuật mô phỏng các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia của BĐBP vào giảng dạy. Đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ giữa lý thuyết với thực hành, nâng cao chất lượng các bài giảng theo hướng gắn lý thuyết với thực tiễn công tác, chiến đấu của BĐBP trên các tuyến biên giới. Mục tiêu đào tạo Học viện phấn đấu là: Sĩ quan ra trường đảm nhiệm tốt chức trách, nhiệm vụ ban đầu được giao, có năng lực chỉ huy, quản lý đơn vị; có khả năng xử lý độc lập những tình huống xảy ra trên các tuyến biên giới, trong điều kiện khó khăn, phức tạp và có khả năng phát triển lên các cương vị công tác cao hơn. Học viện Biên phòng không chỉ là “lò luyện thép”, mà còn là trung tâm nghiên cứu khoa học Biên phòng của BĐBP.

- Vậy việc gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo của Học viện được triển khai như thế nào?

- Quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là một bộ phận của quản lý Nhà nước. Do đó, nó phải được nghiên cứu tổng kết từ thực tiễn quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của ông cha ta, nhất là kế thừa, phát huy kinh nghiệm quản lý, bảo vệ biên giới từ khi thành lập BĐBP đến nay. Đồng thời, phải lựa chọn, học tập và vận dụng linh hoạt, sáng tạo công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia của các nước trên thế giới để đúc kết thành lý luận (khái niệm, quy luật, nguyên tắc...), nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới trong mọi tình huống.

Trong tình hình mới, trước âm mưu và chiến lược “diễn biến hòa bình”, “biên giới mềm”..., việc bảo vệ biên giới quốc gia cũng cần phải có nội dung, phương thức và biện pháp mới. Những vấn đề đó phải được các thầy và trò nghiên cứu trong suốt quá trình từ đào tạo cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ Biên phòng. Đây chính là chuẩn bị tốt nhất đảm bảo cho đội ngũ cán bộ Biên phòng có hàm lượng chất xám cao, sau này có thể nghiên cứu được những vấn đề mới mà thực tiễn quản lý, bảo vệ biên giới đặt ra để nghiên cứu tổng kết, góp phần hoàn thiện lý luận khoa học Biên phòng.

- Chiến lược xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có chuyên môn cao đã được Học viện thực hiện như thế nào, thưa Giám đốc?

- Đây là một trong những nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Biên phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực nghiên cứu kiện toàn tổ chức, biên chế đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ của Học viện coi trọng xây dựng quy hoạch và đào tạo đội ngũ giảng viên. Thực hiện tốt việc đào tạo bồi dưỡng tại chỗ, chủ động gửi đào tạo, bồi dưỡng tại các Học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên đi thực tế theo từng cương vị ở các đơn vị cơ sở theo đúng quy trình, lộ trình đã được xác định; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi về chuyên môn, có năng lực sư phạm, tâm huyết với nghề, có học vị và chức danh khoa học cao...

Trước những yêu cầu mới của công tác giáo dục - đào tạo, một mặt, Học viện Biên phòng tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên với yêu cầu “chuẩn hóa” theo chức danh. Mặt khác, đặt ra yêu cầu cao trong việc tự tu dưỡng, tự rèn luyện để mỗi giảng viên, cán bộ quản lý phấn đấu, tự hoàn thiện mình theo yêu cầu, nhiệm vụ. Học viện Biên phòng đề ra chỉ tiêu, hết năm 2020, đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học đạt từ 50-60%, trong đó có 10-15% đạt trình độ tiến sĩ.

- Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Hồ Quang (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xung-dang-la-lo-luyen-thep-cua-bdbp-post428957.html