'Khó chồng khó' trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số 6 tháng đầu năm 2024
Ngày 2/8, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp cùng UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2024. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển dự và chỉ đạo tại Hội thảo.
Bộ máy tổ chức xáo trộn, nguồn kinh phí bị cắt giảm khiến công tác dân số gặp nhiều khó khăn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết, năm 2024 là năm khởi đầu cho giai đoạn II thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW (khóa XII) và Chương trình Hành động của Chính phủ về công tác dân số trong tình hình mới.
Dưới sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các bộ, ngành, đoàn thể, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế và cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác dân số đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Dân số Việt Nam và các chương trình, đề án về dân số đến năm 2030.
Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện. Các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch dựa trên tình hình thực tế tại địa phương và cũng đã bố trí ngân sách địa phương để thực hiện, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết chuyên đề quy định về chính sách dân số.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Dân số, trong 5 năm giai đoạn đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, nước ta cũng đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới nảy sinh: Tổ chức bộ máy làm công tác dân số bị xáo trộn, nhiều biến động; nguồn lực đầu tư cả trung ương và các địa phương chưa đáp ứng với nhu cầu để thực hiện các chương trình/đề án đã được Thủ tướng Chính phủ và địa phương phê duyệt.
Bên cạnh đó, vai trò tham mưu, điều phối giữa các bộ, ban ngành ở trung ương và điều phối giữa các sở, ban ngành tại địa phương còn hạn chế.
Vì vậy, tại hội thảo, người đứng đầu ngành Dân số nhấn mạnh: "Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế cụ thể về nhân lực, nguồn lực đầu tư, phương án tham mưu, huy động, bố trí nguồn lực...để đáp ứng nhiệm vụ; vai trò tham mưu điều phối về công tác dân số; các nguyên nhân không đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Từ đó, tập trung phân tích, tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục cũng như thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024 và các năm tiếp theo".
Trình bày cụ thể về kết quả công tác dân số 6 tháng đầu năm 2024, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số cho biết, tổng hợp kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, 2/3 chỉ tiêu cơ bản không đạt kế hoạch được giao (là tổng tỷ suất sinh và tỷ số giới tính khi sinh).
Bên cạnh đó, 6/8 chỉ tiêu nhiệm vụ chuyên môn ước không đạt kế hoạch được giao (tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát sàng lọc trước sinh; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát sàng lọc sơ sinh; giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn; tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn…);các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số ở địa phương chậm triển khai thậm chí có nhiều tỉnh chưa triển khai.
Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo Phó Cục trưởng Cục Dân số, tại Trung ương, nguồn lực bố trí để triển khai thực hiện các chương trình, dự án thực hiện Nghị quyết 137/NQ-CP chưa đầy đủ, chậm cấp phát (ở trung ương, kinh phí được cấp năm 2024 chỉ bằng 17% so với bình quân năm trong giai đoạn 2016-2020 và đến hết 6 tháng đầu năm, 4/8 chương trình, đề án về dân số vẫn chưa có kinh phí để triển khai).
Tại địa phương, chưa thích ứng với sự thay đổi về phân cấp đầu tư, chuyển từ ngân sách Trung ương sang bố trí ngân sách địa phương, dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng kinh phí triển khai.
Về các chương trình, đề án, kế hoạch, một số địa phương vẫn chưa ban hành đầy đủ văn bản để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành.
Cùng với đó, tổ chức bộ máy cán bộ ở cả trung ương và địa phương biến động; một số tỉnh, thành phố có chủ trương chuyển Chi cục Dân số thành Phòng Dân số gây tâm lý dao động; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ dân số chưa kịp thời và tương xứng với nhiệm vụ, nhiều cộng tác viên xin nghỉ việc, ảnh hưởng đến chất lượng công tác dân số tại địa phương.
Khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực vượt khó của Cục Dân số; Chi cục Dân số tại các tỉnh và cả hệ thống cán bộ làm công tác dân số các cấp trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số trong 6 tháng đầu năm 2024.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay, công tác dân số không đơn thuần chỉ là kế hoạch hóa gia đình như trước mà đã chuyển trọng tâm sang Dân số và Phát triển. Vì vậy, cần sự phối hợp của các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội mới có thể thực hiện được. Đây cũng là những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện công tác dân số trong thời gian tới.
Nhận thức được điều này, thời gian qua, Bộ Y tế đã có báo cáo toàn diện về những thành tựu cũng như những khó khăn, đề xuất cần triển khai trong thời gian tới đối với Ban Chỉ đạo Quốc gia về Dân số và Phát triển; tiếp tục tham mưu với Ban Chỉ đạo để có những quyết sách, chỉ đạo để thực hiện tốt hơn về công tác dân số trong tình hình mới.
Đơn cử, Bộ Y tế đang tích cực xây dựng Dự án Luật Dân số, cố gắng đến năm 2026 có thể trình Quốc hội. "Nếu Luật Dân số được ban hành sẽ giải quyết được rất nhiều những khó khăn, vướng mắc đối với công tác dân số", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Dân số cần khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tập trung vào hoàn thiện thể chế, cụ thể là chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Dự án Luật Dân số để đề xuất đưa dự án Luật Dân số vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2026.
Bên cạnh đó, về tổ chức bộ máy, Cục Dân số cần chỉ đạo đôn đốc các địa phương chưa thực hiện khẩn trương tham mưu trình UBND ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đổi tên Chi Cục DS-KHHGĐ thành Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân số trong tình hình mới cho các địa phương để phấn đấu thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu về dân số được giao năm 2024.
Một vấn đề quan trọng được Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh là cần tăng cường truyền thông về công tác dân số, xây dựng tài liệu mẫu, đổi mới phương thức truyền thông, tập trung vào Dân số và Phát triển để công tác dân số trong tình hình mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Đối với các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các tỉnh chủ động phối hợp với Sở Nội vụ, các sở ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh ổn định tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số các cấp, đặc biệt là giữ ổn định mô hình Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế, phân công cán bộ làm công tác dân số theo đúng vị trí việc làm.
Với các tỉnh chưa kiện toàn Ban Chỉ đạo Công tác Dân số và Phát triển cần khẩn trương tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh, thành phố; ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Dân số.
Đồng thời, động viên, khích lệ toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác dân số khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, vượt khó, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao của ngành trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Y tế.