Xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng trong giai đoạn mới
1. Ngày 1-8-1930 được chọn là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam. Nhìn lại chặng đường vẻ vang 91 năm qua, chúng ta vô cùng tự hào dù ở bất kỳ giai đoạn nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, đất nước và nhân dân giao phó.
Thời gian qua, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Tuyên giáo không ngừng đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng và đạt được những thành tựu quan trọng. Công tác tuyên giáo đã đóng góp tích cực vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Tiếp đến tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 7.903 điểm cầu và 1.022.037 đại biểu ở các cấp tham dự; Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với 6.750 điểm cầu và 318.688 đại biểu tham dự. Cùng với đó là tuyên truyền bài viết mang tầm cao tư tưởng và trí tuệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Đặc biệt, ngành Tuyên giáo đã huy động sức mạnh tổng hợp của các “binh chủng” trong công tác thông tin tuyên truyền: Tuyên truyền tổng hợp, dư luận xã hội, báo chí - xuất bản, tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông tin đối ngoại, các báo và tạp chí từ trung ương đến cơ sở… để tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận cao trong xã hội đối với các sự kiện: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực… Chất lượng hai đề án trình Ban Bí thư (Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TƯ, ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” và Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 285-QĐ/TƯ, ngày 25-4-2015 của Bộ Chính trị về “Dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước”) được đánh giá có chất lượng…
Tuy nhiên, công tác tuyên giáo thời gian qua còn một số hạn chế, như: Việc tổ chức triển khai học tập và tuyên truyền nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí còn chưa bảo đảm tiến độ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ở một số nơi còn chưa quyết liệt, chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao, còn nặng về hình thức; công tác đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc, quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế; công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí - xuất bản trong một số trường hợp, nhất là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm còn chậm…
2. Năm nay, kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực triển khai đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công rất tốt đẹp; niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tăng lên trong các tầng lớp nhân dân… Đó là thời cơ để ngành Tuyên giáo thể hiện chức năng định hướng tư tưởng chính trị, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận cao trong xã hội. Song, cũng cần thấy rằng công tác tuyên giáo bên cạnh những thuận lợi cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn: Tình hình thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phục hồi chưa vững chắc. Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu toàn diện đạt được rất quan trọng thì những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra (nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch) còn tồn tại. Thêm vào đó, bốn vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay là: An toàn thông tin mạng; An toàn môi trường; An toàn giao thông; An toàn vệ sinh thực phẩm đang hằng giờ, hằng ngày tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, chất lượng cuộc sống và sức khỏe, tính mạng của nhân dân...
Trong bối cảnh đó, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, theo tôi, công tác tuyên giáo trong thời gian tới tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp căn bản sau đây:
Một là, tập trung tuyên truyền khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hai là, tập trung tuyên truyền 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược đã được văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, bởi những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá chiến lược này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong những năm tới.
Ba là, tiếp tục tập trung tuyên truyền có hệ thống bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” với nhiều hình thức sáng tạo, để định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc, bồi đắp niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, biện pháp chống đại dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước theo phương châm: “Chống dịch như chống giặc”, “Mỗi người dân là một chiến sĩ”, “Bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”...
Năm là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo trong tình hình mới, như: Tập trung vào những dự báo chiến lược để chủ động tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp giải quyết các vấn đề do lý luận và thực tiễn đặt ra trước những diễn biến nhanh, khó lường của thế giới và khu vực, nhất là trong thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đất nước không bị bất ngờ trong bất cứ hoàn cảnh nào; bám sát những vấn đề thực tiễn của đất nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên cơ sở tăng cường tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả…
Sáu là, chủ động đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Bảy là, chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, bám sát các sự kiện, các nhiệm vụ lớn của đất nước, các lĩnh vực nhạy cảm về văn hóa - văn nghệ, giáo dục - đào tạo, an sinh xã hội.
Tám là, khắc phục cách làm áp đặt, tuyên truyền một chiều; thực hiện tốt phương châm: “Ta hiểu đúng ta cũng chính là chống lại kẻ thù”; đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại để quảng bá hình ảnh Việt Nam; quan tâm nhiều hơn công tác tư tưởng với thế hệ trẻ, trí thức, văn nghệ sĩ, công nhân, nông dân và doanh nghiệp…
Chín là, tham mưu tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo tiến hành hết sức quyết liệt và ngày càng có hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”. Tích cực tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để cổ vũ, biểu dương những tấm gương nỗ lực phấn đấu, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.