Xứng đáng là những 'trạm gác tiền tiêu' trên biển

Hòng cô lập, tiêu diệt cách mạng ở miền Nam, đồng thời tăng cường hoạt động chống phá miền Bắc, địch gấp rút thành lập nhiều tổ chức tình báo. Các trung tâm huấn luyện gián điệp, biệt kích được xây dựng ở các nơi như Sài Gòn, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Ninh và Vũng Tàu để đào tạo gián điệp, biệt kích cài cắm vào vùng giải phóng của ta ở miền Nam và tung ra phá hoại miền Bắc. Nhưng các kế hoạch, âm mưu của chúng đều bị thất bại trước sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân miền Bắc, trong đó có lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT).

Chiếc máy bay C47 chở gián điệp, biệt kích Mỹ - ngụy bị ta bắn rơi tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: T.L

Chiếc máy bay C47 chở gián điệp, biệt kích Mỹ - ngụy bị ta bắn rơi tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: T.L

Chủ động phối hợp diệt và bắt gọn các toán gián điệp, biệt kích

Thua đau trên chiến trường miền Nam, từ năm 1960 đến năm 1964, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã ồ ạt tung vào miền Bắc nước ta 109 lần toán gián điệp, biệt kích với 682 tên, trên cả đường bộ, đường biển, đường không và từ nhiều căn cứ xuất phát khác nhau. Hầu hết các toán gián điệp, biệt kích địch xâm nhập đều bị CANDVT, nhân dân địa phương và các lực lượng tại chỗ phối hợp diệt và bắt gọn.

Thực hiện các phương án tổ chức bảo vệ an ninh chính trị, trật tự khu vực vùng biển, ngay từ năm 1959, CANDVT đã triển khai đóng 53 đồn, 3 trạm kiểm soát cảng và Thủy đội 18 (Tiểu đoàn 18). Một trong những nhiệm vụ của các đơn vị này lúc đó là kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa ra vào các cảng biển, cửa sông, cửa lạch và khu vực biên giới. Cũng trong thời kỳ này, các hoạt động tung gián điệp, biệt kích của địch vào miền Bắc diễn ra với cường độ ngày càng tăng, tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Trên khu vực biên giới tuyến biển, cuộc đấu tranh chống gián điệp, biệt kích Mỹ - Diệm - Tưởng cũng được tiến hành với nhịp độ hết sức khẩn trương và quyết liệt. Các đồn CANDVT đóng trên các đảo vùng Đông Bắc và Thủy đội 18 sát cánh với nhân dân và các lực lượng trên đảo bảo vệ đảo, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, xứng đáng là những trạm gác tiền tiêu trên biển.

Sáng ngày 9/4/1961, nhận tin báo của ngư dân xã Tiền An, huyện Yên Hưng về việc nghi có biệt kích xâm nhập, Ty Công an và CANDVT Hồng Quảng (nay là BĐBP Quảng Ninh) triển khai lực lượng đánh bắt. Ngày 17/6/1961, đồng chí Nguyễn Văn Tòng - Chỉ huy trưởng CANDVT Hồng Quảng chỉ huy một tổ vũ trang, bí mật ập vào bắt gọn tên Phạm Chuyên, thu súng ống, điện đài cùng nhiều phương tiện hoạt động gián điệp khác. Lực lượng an ninh Hồng Quảng đã khống chế Chuyên và lập chuyên án mang bí số BK63 để đấu tranh với trung tâm tình báo của địch. Qua đó, ta đã đón bắt 2 vụ gián điệp, biệt kích Mỹ - ngụy xâm nhập khu vực Hạ Long (14/1/1962) và nhảy dù xuống khu vực Đèo Vàng, xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều (4/6/1963).

Cũng trên khu vực vùng biển Hải Ninh, ngày 29/7/1963, một toán đặc vụ gồm 26 tên do tên Thượng tá Trịnh Kỳ Thiệu chỉ huy dùng 3 xuồng máy xâm nhập bờ biển tỉnh Hải Ninh. Khi xuồng của chúng vừa áp bờ thì bị dân quân địa phương và CANDVT phát hiện, bủa vây truy bắt. Một số tên ngoan cố chống cự lập tức bị tiêu diệt tại chỗ, bọn còn lại tháo chạy tán loạn. Các lực lượng truy bắt gồm CANDVT Hải Ninh, Tiểu đoàn 12 cơ động (Bộ Tư lệnh CANDVT) và dân quân địa phương tiêu diệt và bắt sống toàn bộ toán đặc vụ gồm 1 thượng tá, 2 thiếu tá, 5 thượng úy và 18 trung úy. Ngày 1/7/1961, địch cho một máy bay chở một toán biệt kích âm mưu thả xuống miền Bắc nhưng đã bị các lực lượng bảo vệ bờ biển của ta bắn rơi tại Nông trường Bình Minh (Ninh Bình), 4 tên biệt kích chết tại chỗ, những tên còn lại tìm đường lẩn trốn. Đồn CANDVT Cồn Thoi (Ninh Bình) đã phối hợp với các đơn vị liên quan truy lùng, bắt được 6 tên biệt kích còn lại.

Trấn giữ “khúc ruột” miền Trung

Trên tuyến biên giới đường bộ và khu vực giới tuyến, chúng tổ chức xâm nhập qua giới tuyến, khu phi quân sự ở phía Nam như Đông Hà, Hiền Lương, Cam Lộ và cả bằng đường không với những phi đội máy bay được huấn luyện kỹ càng. Ngày 29/12/1962, địch cho một thuyền máy lợi dụng đêm tối xâm nhập khu vực giáp ranh giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đồn CANDVT Roòn (Quảng Bình) cùng Đồn CANDVT Đèo Ngang (Hà Tĩnh) và dân quân địa phương đã bao vây truy bắt địch. Với tinh thần khẩn trương, kiên quyết, sau 5 ngày, toán biệt kích gồm 7 tên do Lê Khoái cầm đầu bị sa lưới tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Trong trận này, chiến sĩ cảnh khuyển Nông Văn Hoạt lần đầu tiên sử dụng chó nghiệp vụ bắt sống địch.

Ngày 9/4/1963, địch cho một toán gián điệp, biệt kích gồm 5 tên nhảy dù xuống khu vực đường 10 (xã Hàm Nghi và Đình Phùng, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Vừa đặt chân xuống đất, chúng đã bị Đồn CANDVT Làng Ho phát hiện, vây bắt. Chúng hốt hoảng vứt hết đồ đạc tìm đường vượt tuyến trốn vào Nam, nhưng khi qua khu vực Bãi Hà (Vĩnh Linh), thì bị CANDVT và dân quân phát hiện, bủa vây và bắt tại khu vực Khe Giữa, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh).

Ngày 15/9/1963, địch lại tiếp tục cho một máy bay xuất phát từ Đà Nẵng chở toán gián điệp, biệt kích gồm 10 tên nhảy dù xuống vùng rừng núi xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Nhưng toán này đã bị Đồn CANDVT Làng Ho kịp thời phát hiện và bao vây bắt sống toàn bộ. Ngày 6/12/1963, một toán gián điệp, biệt kích 10 tên nhảy dù xuống vùng Cao Mại, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) bị Đồn CANDVT Cha Lo phát hiện kịp thời và phối hợp với dân quân bao vây bắt gọn.

Năm 1964, đế quốc Mỹ và tay sai tung gián điệp, biệt kích xâm nhập bờ biển miền Bắc với quy mô ngày càng lớn hơn, trang bị hiện đại hơn. Chúng thường sử dụng các loại xuồng máy có tốc độ cao từ 50 - 80km/giờ để chở các toán biệt kích xâm nhập. Trong các ngày 12, 16 và 17/3/1964, địch cho 3 toán gián điệp, biệt kích xâm nhập khu vực bờ biển tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh. Với tinh thần cảnh giác và thường trực chiến đấu cao, CANDVT các tỉnh phối hợp với các lực lượng địa phương tiêu diệt nhiều tên, những tên còn lại chưa kịp gây tội ác đã phải tháo chạy ra biển.

Đêm 30/6/1964, địch cho 2 tàu nhỏ chở hơn 30 tên gián điệp, biệt kích mang theo súng ba-zô-ka xâm nhập bờ biển Nhật Lệ (Quảng Bình). Mục tiêu đánh phá của chúng là Nhà máy nước Đồng Hới và một số xóm làng ven thị xã Đồng Hới để gây hoang mang trong quần chúng. Đồn CANDVT Nhật Lệ và Trung đội dân quân xã Bảo Ninh đã kịp thời truy bắt, tiêu diệt tại chỗ 4 tên, thu 4 khẩu súng tôm-xông, 3 khẩu ba-zô-ka. Số địch còn lại vội vàng tháo chạy ra tàu khi chưa kịp gây tội ác.

Qua cuộc đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, thổ phỉ xâm nhập biên giới, vùng biển, năm 1963, CANDVT Quảng Bình được nhận Cờ “Thi đua khá nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được đồng chí Nguyễn Chí Thanh biểu dương về thành tích bảo vệ an ninh biên giới nhân dịp đồng chí đến thăm tỉnh Quảng Bình.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xung-dang-la-nhung-tram-gac-tien-tieu-tren-bien-post470649.html