Xứng đáng với danh hiệu 'Thành phố vì hòa bình'
Trong suốt 2 thập kỷ qua, Thủ đô Hà Nội chứng minh hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu 'Thành phố vì hòa bình' và sẽ phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng và phát triển nhằm bảo tồn cũng như phát huy giá trị của danh hiệu đầy tự hào này.
Điểm đến an toàn của các nhà đầu tư
Ngày 16/7/1999, Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, do đã đáp ứng được các tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển văn hóa – giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.
Có thể nói, 20 năm không phải là thời gian dài so với 1000 năm lịch sử của Thăng Long – Hà Nội, song đây cũng là khoảng thời gian chứng kiến nhiều thay đổi của Hà Nội cả về diện tích (năm 2008, trước yêu cầu nâng tầm vị thế của Thủ đô, Hà Nội đã được mở rộng địa giới hành chính với quy mô diện tích từ 924km2 lên 3.344km2), dân số, sự tăng trưởng kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững, đa dạng về màu sắc văn hóa…
Trên nền tảng truyền thống tốt đẹp được gìn giữ qua các chặng đường lịch sử, sự ghi nhận và mong muốn của bạn bè quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ phát triển mới, Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là “trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, và đầu mối giao dịch quốc tế”.
Nổi bật nhất trong các tiêu chí “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO ghi nhận là những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong năm qua, Hà Nội luôn dành kinh phí trực tiếp cho phổ cập giáo dục.
Hà Nội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn tiếp tục đạt kết quả xuất sắc. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế…
Kể từ năm 1989, khi Hà Nội ghi nhận những dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên được cấp phép cho đến nay, Thủ đô luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, và được các doanh nghiệp FDI lựa chọn. Riêng trong 3 năm 2016 - 2018, Hà Nội thu hút được gần 14,05 tỉ USD, bằng 2,25 lần giai đoạn 2011-2015. Đáng chú ý, năm 2018, Hà Nội thu hút đầu tư trực tiếp đạt hơn 7,5 tỷ đô la, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập.
Năm 2019, thu hút vốn FDI của thành phố Hà Nội dự kiến tiếp tục dẫn đầu cả nước với số vốn đầu tư khoảng 5,3 tỷ đô la trong 6 tháng đầu năm. Đáng nói, nhiều dự án lớn đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Hà Nội có số vốn lên đến cả triệu đô như: Dự án Thành phố thông minh với tổng vốn đăng ký lên tới 94.349 tỷ đồng (4.138 triệu USD) do Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư tại xã Hải Bối (Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Những kết quả về thu hút đầu tư là minh chứng rõ nhất của một “Thành phố vì hòa bình”. Bởi theo ông Yamasaki Masao, Tổng giám đốc Công ty TNHH TOTO Việt Nam, đa số các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đều lấy tiêu chí hàng đầu là ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội để chọn làm nơi đầu tư, đặt nhà máy, phân xưởng của mình.
Quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị
Cùng với phát triển kinh tế, thành phố Hà Nội chú trọng công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 1,19%, giảm 0,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra và hoàn thành trước 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5% dân số, vượt 1,2% kế hoạch. Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được Thành phố đẩy mạnh.
Hiện có 4 huyện và 323 xã trong tổng số 386 xã của Thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, “cán đích” trước hai năm so mục tiêu đề ra là hết năm 2020, có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó còn có thêm 3 huyện đã hoàn thành tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là Gia Lâm, Quốc Oai và Thạch Thất…
Những nỗ lực trong công tác xây dựng nông thôn mới của Thành phố đã góp phần làm diện mạo khu vực nông thôn của Thủ đô ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Nổi bật nhất trong các tiêu chí “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO ghi nhận là những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong năm qua, Hà Nội luôn dành kinh phí trực tiếp cho phổ cập giáo dục. Hà Nội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn tiếp tục đạt kết quả xuất sắc. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế… Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục phát triển; nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực được tổ chức thường xuyên tạo sức hút cho du lịch…
Công tác quản lý đô thị được các cấp chính quyền đẩy mạnh, quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì tốt; ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, từng bước hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.
Theo UNESCO, kết quả ấn tượng nhất đối với “Thành phố vì hòa bình” là sự thân thiện, hiếu khách của người dân đối với du khách thập phương. Đến Hà Nội, du khách được đi dạo trên đường phố với rất nhiều điểm tham quan, âm thanh và thị hiếu để trải nghiệm, đặc biệt là nó được đặt trong bối cảnh văn hóa hòa bình.
Một sự kiện đáng chú ý là đầu năm 2019, Thủ đô Hà Nội vinh dự là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2. Toàn hệ thống chính trị của Thành phố, cùng với sự đồng lòng, giúp sức của người dân Thủ đô, Hội nghị đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Tuy rằng, Hội nghị Hoa Kỳ - Triều Tiên chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng, song “Hội nghị vì hòa bình” này đã mở ra cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên trong tương lai.
Theo thống kê, dân số Hà Nội hiện có gần 8 triệu người, gấp 3 lần so với 20 năm trước và Thành phố đang đối mặt với những thách thức của quá trình đô thị hóa với các vấn đề về nhà ở, cung cấp dịch vụ xã hội, quản lý chất thải…
Vì vậy, những năm qua thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó ưu tiên nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, triển khai các bước cụ thể để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Tất cả những điều đó khẳng định, sức hấp dẫn từ sự phát triển ổn định, khẳng định niềm tin vào Hà Nội - Thành phố vì hòa bình. Và càng tự hào với những giá trị đặc biệt ấy, chính quyền và nhân dân Thủ đô càng quyết tâm gìn giữ, phát huy giá trị của danh hiệu này để cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xung-dang-voi-danh-hieu-thanh-pho-vi-hoa-binh-93665.html