Xứng danh đơn vị được hai lần Bác Hồ về thăm
Lữ đoàn Pháo phòng không 234, Quân đoàn 3 (Đoàn Tam Đảo) thành lập ngày 1-5-1963 và vinh dự hai lần được đón Bác Hồ về thăm. Trong 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn khắc ghi lời căn dặn của Người, ra sức xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện 'mẫu mực, tiêu biểu', bảo vệ vững chắc vùng trời được phân công.
Ngay sau khi thành lập tại thôn Bảo Sơn, xã Hạnh Phúc, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là tổ dân phố Bảo Sơn, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), đơn vị đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm với quyết tâm bắn trúng máy bay địch. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, Lữ đoàn Pháo phòng không 234 tham gia chiến đấu bảo vệ 18 tỉnh, thành phố miền Bắc và các chiến trường ở Tây Nguyên, miền Nam, nước bạn Lào, bắn rơi 158 chiếc máy bay của địch, trong đó có 79 chiếc rơi tại chỗ.
Cùng các đơn vị bạn tiêu diệt hàng nghìn tên địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, viết nên truyền thống “Có lệnh là đi, có địch là đánh, đã đánh là thắng”. Đặc biệt, Lữ đoàn vinh dự hai lần được đón Bác Hồ về thăm, căn dặn cán bộ, chiến sĩ, đó là ngày 19-7-1965 và 25-9-1966; được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trong điều kiện mới, nhiều loại vũ khí, phương tiện tác chiến đường không hiện đại, thông minh ra đời, làm thay đổi phương thức tác chiến truyền thống. Nhất là những phương tiện bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thể “qua mặt” các hệ thống phòng không, đột nhập vào vùng trời của đối phương bất cứ lúc nào. Nhận thức rõ điều này, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Pháo phòng không 234 chủ trương kế thừa, phát huy truyền thống, kinh nghiệm của cha ông, đổi mới toàn diện công tác huấn luyện phù hợp với thế trận phòng không nhân dân, làm chủ khí tài, trang bị mới, hiện đại. Cán bộ, chiến sĩ đều được yêu cầu huấn luyện từ cơ bản đến chuyên sâu, "làm được cấp trên, giỏi cấp mình, thành thục cấp dưới".
Phương pháp huấn luyện được ưu tiên là thực hành trên trận địa pháo; huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, ngụy trang, phòng tránh đánh trả, hiệp đồng quân, binh chủng; huấn luyện, diễn tập theo phương án, quyết tâm, kế hoạch bảo vệ vùng trời được phân công. Tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, sáng kiến, cải tiến để nâng cao chất lượng huấn luyện; kết hợp giữa huấn luyện với nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, thực hiện “4 biết, 4 được” trong quản lý bầu trời. Nhờ đó, kết quả huấn luyện các đối tượng hằng năm của Lữ đoàn, 100% đạt yêu cầu, có trên 82% khá, giỏi; riêng các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới kiểm tra “3 tiếng nổ” đều đạt khá, giỏi. Từ năm 2018 đến nay, Lữ đoàn 4 lần được Bộ Quốc phòng công nhận “Đơn vị huấn luyện giỏi”.
Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, Lữ đoàn Pháo phòng không 234 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp của đơn vị và đã xây dựng thành công vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu" từ năm 2019, được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 chọn làm điểm cho các đơn vị tham quan, học tập. Bài học của đơn vị là trên cơ sở rà soát, đánh giá việc thực hiện 5 tiêu chuẩn theo Chỉ thị số 917/1999/CT-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về "Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện" ở từng cơ quan, đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xây dựng kế hoạch, lộ trình, bước đi cụ thể để tiến lên "mẫu mực, tiêu biểu" với phương châm "3 đồng": Đồng thuận trong nhận thức; đồng bộ trong triển khai, kiểm tra và đồng nhất trong nhận xét, đánh giá.
Trong đó, lấy việc xây dựng chi bộ, đảng bộ bộ phận, đảng bộ cơ sở “4 tốt” và giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ làm cơ sở. Bên cạnh đó, triển khai rộng khắp, thực chất, hiệu quả các chủ trương, mô hình: “Ngày pháp luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”; "4 không", "3 có", "3 nên", “5 chủ động” trong công tác tư tưởng, quản lý bộ đội; xây dựng “Chi bộ kiểu mẫu”, “Chi đoàn tiêu biểu", "Trận địa mẫu mực, chính quy"...
Lữ đoàn đã triển khai tổ chức các phong trào học tập, làm theo những lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm đơn vị: "Đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa bộ đội với nhau, giữa nhân dân với bộ đội"... gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng, quyết tâm giành những thành tích mới, xứng danh đơn vị hai lần được Bác Hồ về thăm. Quan tâm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội bằng các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ đọc sách báo, câu lạc bộ đàn guitar, câu lạc bộ học tiếng Anh và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, ban nhạc thao trường...
Cùng với đó, đơn vị huy động các nguồn lực giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, được UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen. Từ năm 2018 đến nay, Lữ đoàn Pháo phòng không 234 tổ chức tuyên truyền, vận động 37.000 lượt người dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, từ bỏ hủ tục; tu sửa 6 nhà văn hóa, 3 nhà rông, 1 trung tâm hành chính xã, 15 trường học, 11 sân bóng chuyền; di chuyển 37 chuồng bò bảo đảm vệ sinh cho đồng bào; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 575 người dân; hỗ trợ xây mới 31 “nhà chính sách”, “nhà tình thương”, “nhà đồng đội”...
Đại tá TRỊNH VIẾT TUỆ - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Pháo phòng không 234