Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ
Trước khi về tiếp quản Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Phú Thọ, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308), Người nêu rõ: “Tám, chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn... Các cháu sắp bước vào một chiến dịch hòa bình, bước vào một cuộc đấu tranh chính trị gay go và gian khó… Các cháu có thể bị ngã quỵ nếu không nêu cao kỷ luật”... Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với Nhân dân thế giới, đối với miền Nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô: tiếp quản phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của Nhân dân; chống mọi hành động phá hoại…, phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều... Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước… Quân đội ta không được vì hòa bình mà rời tay súng”.
Ngày 10/10/1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiến về tiếp quản Thủ đô. Tại Cột Cờ Hà Nội, vào lúc15h30 phút, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi đồng bào Hà Nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hàng vạn đồng bào, chiến sĩ với niềm xúc động: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung, làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Ngày 15/10/1954, Thủ đô Hà Nội vinh dự đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về. Hôm sau, Bác đã có buổi tiếp chuyện thân mật với đại biểu Nhân dân Thủ đô. Người bày tỏ sự tin tưởng: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển; để gương mẫu, để dẫn đầu Nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hành chính, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.
Tuy bận rộn nhiều công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời giờ để tiếp đón và đi thăm hỏi các tầng lớp nhân dân, cán bộ, bộ đội, nhà máy, trường học tại Hà Nội. Người giảng giải cho thanh niên, học sinh các trường trung học: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập. Bác khuyên lớp này thi đua với lớp khác, trường này thi đua với trường khác trong việc học và hành, làm cho nền giáo dục của ta phát triển và tốt đẹp”.
Từ sau ngày tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn nhớ mãi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chung sức, đồng lòng vượt qua muôn vàn thách thức: từ cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; từ đời sống kinh tế lạc hậu, thiếu thốn bủa vây…, để cùng Nhân dân miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho cách mạng miền Nam. Trong đó, Hà Nội là lá cờ đầu, là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao thương quốc tế của cả nước.
Đặc biệt gần đây, Nghị quyết số 15-NQ/TW/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm xây dựng Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD; có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Theo đó, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Cùng với đó là tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, động lực để phát triển Thủ đô. Đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, là nhân tố có ý nghĩa quyết định để Hà Nội mãi là biểu tượng thành phố hòa bình, điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực – Một Hà Nội giàu bản sắc, hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam… xứng danh những lời căn dặn và mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm về trước.
* Bài viết được tham khảo và trích dẫn từ: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011;Nghị quyết số 15-NQ/TW/2022 của Bộ Chính trị.