Xung đột Armenia-Azerbaijan: Có gì trong tuyên bố chung của Nga-Mỹ-Pháp khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức phản ứng?

Ngày 1/10, Nga, Pháp và Mỹ đã ra tuyên bố chung về tình hình xung đột Armenia-Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh trên cương vị đồng Chủ tịch nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Nga-Pháp-Mỹ kêu gọi các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cam kết ngay lập tức nối lại các cuộc đàm phán với thiện ý và vô điều kiện, dưới sự bảo trợ của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk. (Nguồn: Sputnik)

Nga-Pháp-Mỹ kêu gọi các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cam kết ngay lập tức nối lại các cuộc đàm phán với thiện ý và vô điều kiện, dưới sự bảo trợ của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk. (Nguồn: Sputnik)

Trong tuyên bố, Tổng thống 3 nước kêu gọi "lập tức ngừng thù địch giữa các lực lượng quân sự liên quan" và "các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cam kết ngay lập tức nối lại các cuộc đàm phán với thiện ý và vô điều kiện, dưới sự bảo trợ của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk".

Theo Reuters, ngay trong ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bày tỏ phản đối việc Mỹ, Pháp và Nga can dự vào việc tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn tại vùng Caucasus, với lý do 3 nước này đã không quan tâm đến các vấn đề tại khu vực này trong khoảng 30 năm qua.

Ông Erdogan khẳng định: "Việc đạt một lệnh ngừng bắn lâu dài trong khu vực còn tùy thuộc vào việc Armenia rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ của Azerbaijan".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc điện đàm trao đổi về chiến sự căng thẳng tại khu vực Nagorno-Karabakh.

Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí sẽ phối hợp hành động để đưa các bên xung đột tại Nagorno-Karabakh ngồi lại vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, hiện Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về cuộc điện đàm với phía Nga.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “Chúng tôi coi bất kỳ tuyên bố và hành động hiếu chiến nào của các bên thứ ba có thể tiếp tục làm leo thang căng thẳng và mất ổn định tình hình ở Nam Caucasus là phản tác dụng và vô trách nhiệm, có thể gây ra những hậu quả khó lường”.

“Các vấn đề khu vực nên được giải quyết thông qua những biện pháp chính trị và ngoại giao”, người phát ngôn trên kết luận.

Nga hiện là đồng minh quân sự của Armenia nhưng cũng có quan hệ tốt với Azerbaijan. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan. Ngày 30/9, Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố, Ankara sẽ làm "những gì cần thiết" nếu Azerbaijan đề nghị sự hỗ trợ quân sự từ Ankara trong cuộc xung đột với Armenia ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị cáo buộc đưa lính đánh thuê từ Syria sang Azerbaijan để hỗ trợ, tuy nhiên, cả Ankara và Baku đều bác bỏ thông tin này.

Xung đột bùng phát tại Nagorno-Karabakh từ hôm 27/9 với quy mô và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Theo các nguồn tin chính thức, xung đột quân sự đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đây được cho là các vụ đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 tại khu vực này, làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-armenia-azerbaijan-co-gi-trong-tuyen-bo-chung-cua-nga-my-phap-khien-tho-nhi-ky-ngay-lap-tuc-phan-ung-125118.html