Xung đột Armenia-Azerbaijan: Điều động tên lửa Tochka-U, Syria đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga muốn tổ chức hòa đàm
Ngày 30/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho rằng, Lực lượng vũ trang Armenia đã sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U trong các trận chiến ở đường giới tuyến với Nagorno-Karabakh.
Đại diện Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết: “Một thời gian trước, lực lượng vũ trang Armenia đã sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U. Do thiết bị quân sự của đối phương không phù hợp và chất lượng thấp, 3 trong số các tên lửa bắn đi đã không phát nổ”.
Cùng ngày, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố, Armenia rút quân là điều kiện duy nhất để chấm dứt các hành động thù địch.
Tổng thống Aliyev lưu ý, ông đã ra lệnh không được thực hiện bất kỳ biện pháp nào chống lại dân thường Armenia, đồng thời chỉ rõ, người Armenia không có vấn đề gì trong lãnh thổ của Azerbaijan, hàng nghìn người Armenia quốc tịch Azerbaijan sống ở nước cộng hòa này.
Nhấn mạnh Azerbaijan sẽ khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của mình, Tổng thống Aliyev cho rằng, đàm phán về Karabakh đã không mang lại kết quả và không cần thiết phải kêu gọi đối thoại.
Trong một diễn biến liên quan, bà Bouthaina Shaaban, Cố vấn chính trị và truyền thông cho Tổng thống Syria Bashar Assad đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng đứng sau cuộc xung đột hiện nay tại vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Cố vấn của Tổng thống Syria cho rẳng, Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng xâm phạm chủ quyền của các nước khác và đã từng "nhúng tay" vào Iraq, Lebanon và Syria.
"Giờ đây chúng ta cũng có thể thấy, tại Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thực sự kích động xung đột và tuyên bố của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho thấy, họ ủng hộ việc kích động cuộc xung đột này giữa Azerbaijan và Armenia", bà Bouthaina Shaaban nêu rõ.
Theo Cố vấn Shaaban, việc Thổ Nhĩ Kỳ kích động và ủng hộ xung đột là do nước này muốn có vai trò tại khu vực và quốc tế lớn hơn.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ làm "những gì cần thiết" nếu Azerbaijan đề nghị sự hỗ trợ quân sự từ Ankara trong cuộc xung đột với Armenia ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Liên quan tình hình xung đột Nagorno-Karabakh, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, hai bên đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn lập tức và hoàn toàn, thể hiện sự kiềm chế tối đa của các bên xung đột và các quốc gia khác.
Nga cũng đồng thời kêu gọi các quốc gia liên quan tránh sử dụng "lính đánh thuê và các phần tử khủng bố nước ngoài" trong cuộc xung đột Azerbaijan-Armenia.
Trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Azerbaijan và Armenia, Ngoại trưởng Lavrov tái khẳng định Nga "sẵn sàng" tổ chức các cuộc tiếp xúc cần thiết và đề xuất tổ chức hòa đàm ở thủ đô Moscow, mặc dù trước đó, cả Armenia và Azerbaijan đều bác bỏ phương án này.
(theo Reuters, AFP, Sputnik)