Xung đột Armenia-Azerbaijan: Doanh nhân Armenia tin vào vai trò hòa giải của Nga
Nhận định về leo thang xung đột tại Nagorno-Karabakh, chính khách Armenia cho rằng chỉ có Nga mới có thể giúp thực hiện lệnh ngừng bắn, chấm dứt xung đột ở khu vực.
Người sáng lập nhóm Tashir và là chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Armenia tại Nga, ông Samvel Karapetyan cho rằng, chỉ có Matxcơva mới có thể can thiệp và giải quyết tình hình ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, Ria Novosti đưa tin hôm 6/10.
"Trong những ngày căng thẳng này, khi cả thế giới kêu gọi các bên ngồi vào bàn đàm phán, thì Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang cố tình kích động xung đột ở Nagorno-Karabakh, tạo ra mối đe dọa cho sự tồn tại của người Armenia trên vùng đất lịch sử của họ. Về vấn đề này, tôi chắc chắn rằng, nếu nước nào có quyền và có thể can thiệp vào, đó chỉ có thể là Nga", ông Karapetyan nói.
Theo chính khách này, các bên quan tâm đến lệnh ngừng bắn nên nhận thấy cần thiết về sự tham gia càng sớm càng tốt của Nga.
"Nga, hiện nay cũng như trước đây, là nước duy nhất bảo đảm cho hòa bình trong khu vực. Và tôi tin rằng trong tình hình hiện tại, Tổng thống Putin có thể làm được rất nhiều điều đối với Karabakh”, ông Karapetyan nói. “Rõ ràng chỉ có những nỗ lực gìn giữ hòa bình của Nga mới có thể kết thúc chiến tranh”.
Ông Samvel Karapetyan cảnh báo rằng xung đột Nagorno-Karabakh là một "ngọn lửa địa chính trị nguy hiểm" có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực.
“Những gì đang xảy ra những ngày này ở Karabakh không phải là một cuộc xung đột cục bộ riêng biệt. Trước mắt chúng tôi, một ngọn lửa địa chính trị nguy hiểm đang bùng lên, những tia lửa có thể bay xa hơn nhiều trong khu vực và dẫn đến những hậu quả lớn hơn nữa", ông này nói.
Các cuộc giao tranh giữa giữa quân đội Azerbaijan và Armenia đã bước vào tuần thứ 2 liên tiếp. Trong diễn biến mới nhất, Bộ Quốc phòng Azerbaijan hôm 4/10 đã xác nhận thành phố thứ 2, thành phố Ganja ở phía Tây Azerbaijan đã bị tấn công bằng tên lửa.
Các cuộc tấn công mới diễn ra ngay sau các vụ nổ ngày 4/10 đã làm rung chuyển Stepanakert, thành phố chính của vùng ly khai Nagorno - Karabakh.
Cả Armenia và Azerbaijan liên tục buộc tội nhau và đưa ra các điều kiện để thực hiện lệnh ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Armenia và Azerbaijan "ngừng bắn hoàn toàn" ở Nagorno - Karabakh và sẵn sàng tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột.
Trong một tuyên bố chung trên cương vị đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổng thống 3 nước Nga, Pháp và Mỹ đã yêu cầu các lực lượng của Azerbaijan và Armenia ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực Nagorny - Karabakh, kêu gọi trở lại đàm phán không trì hoãn.
Tranh chấp Nagorno-Karabakh là một vấn đề lịch sử. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập khu vực này vào Armenia.
Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Căng thẳng tái bùng phát vào sáng 27/9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên.
Theo các nguồn tin chính thức, xung đột quân sự đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đây được cho là các vụ đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 tại khu vực này, làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia.
Nhóm Minsk thành lập năm 1992 với mục đích làm trung gian cho một giải pháp hòa bình liên quan đến khu vực Nagorny - Karabakh.