Xung đột bộ lạc trên 'đảo tình yêu', hơn 30 người thiệt mạng
Cơ quan chức năng Papua New Guinea cho biết xung đột giữa 2 bộ lạc trên hòn đảo Kiriwina của quốc gia này đã khiến hàng chục người thiệt mạng và một số người khác bị mất tích.
Theo Guardian, xung đột giữa 2 bộ lạc sinh sống trên hòn đảo Kiriwina, thuộc tỉnh Milne Bay, phía Tây Papua New Guinea đã khiến 32 người thiệt mạng, trong khi 15 người khác mất tích. Tình trạng bạo lực trên hòn đảo vẫn chưa chấm dứt ở thời điểm hiện tại.
Xung đột giữa 2 bộ lạc Kulumata và Kuboma trên đảo Kiriwina, thường được người dân địa phương gọi là "hòn đảo của tình yêu", bùng phát vào hôm 24/10 và nhanh chóng leo thang.
Theo Bộ trưởng An ninh Nội địa Papua New Guinea Peter Tsiamalili Jnr, một đội cảnh sát từ thủ đô Port Moresby đã được triển khai tới đảo Kiriwina để ổn định tình hình. Ông Tsiamalili Jnr cho biết Giám đốc cảnh sát Papua New Guinea David Manning đã trực tiếp nắm quyền chỉ đạo các lực lượng cảnh sát trên hòn đảo.
"Nhóm cảnh sát được triển khai tới đảo Kiriwina vào hôm 25/10 sẽ có trách nhiệm kiểm soát tình hình và duy trì an ninh trật tự trên hòn đảo, chỉ huy các lực lượng chức năng địa phương và hạ nhiệt căng thẳng giữa các bộ lạc", ông Tsiamalili Jnr cho biết.
Trả lời tờ Guardian, một nguồn tin giấu tên cho biết xung đột giữa 2 bộ lạc bùng phát vào tháng 9 sau khi một người đàn ông thuộc bộ lạc Kuboma bị sát hại trong cuộc ẩu đả xoay quanh một trận bóng đá.
Những người dân thuộc bộ lạc Kuboma sau đó đã trả đũa bằng cách đốt ruộng khoai lang của bộ lạc Kulumata, một nguồn thực phẩm quan trọng và nguồn kinh tế chính của tộc này.
Khi những người dân từ bộ lạc Kulumata đi trình báo công an, họ đã chạm trán một nhóm người từ bộ lạc Kuboma và 2 nhóm đã xảy ra xô xát.
"Tranh chấp giữa bộ lạc thường xuyên xảy ra nhưng sẽ ngay lập tức chấm dứt nếu có ai đó thiệt mạng. Hai bên sau đó sẽ tổ chức an táng cho người đã khuất. Hai bộ lạc Kuboma và Kulumata là họ hàng của nhau. Thật đau lòng khi phải chứng kiến tình trạng xung đột leo thang tới mức này", một người phụ nữ địa phương trả lời tờ Guardian.