Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia leo thang nguy hiểm
Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đứng ở phía đối địch với Phương Tây trong việc xử lý các điểm nóng. Sau cuộc khủng hoảng Syria, tranh chấp lãnh hải với Hy Lạp và Cộng hòa Síp, giờ đến vấn đề xung đột giữa Azerbaijan và Armenia về khu vực Nagorno-Karabakh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng phản đối sự can dự của Mỹ, Nga và Pháp (còn gọi là Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu - OSCE) vào vấn đề căng thẳng đang leo thang tại Nagorno-Karabakh. Theo ông Erdogan, Washington, Moskva và Paris đã “bỏ bê” vấn đề này trong 30 năm qua và nên tiếp tục “đứng ngoài” vì sự can dự của họ có thể kéo theo sự tham gia của các nước khác trong khu vực.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ không che giấu sự ủng hộ đối với Azerbaijan. Có tin Ankara đang triển khai các chiến đấu cơ F-16 tới căn cứ không quân lớn nhất của Azerbaijan ở Ganja.
Nga, Pháp và Mỹ đang đi đầu trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài cho cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh, nhưng đến nay những nỗ lực của họ chưa mang lại kết quả.
Lãnh đạo Nga, Pháp, Mỹ trước đó ra tuyên bố chung kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Thế nhưng, trên thực địa, giao tranh đã bước sang tuần thứ hai và đang leo thang nguy hiểm khi xuất hiện những dấu hiệu về sự can dự từ bên ngoài. Một đội ngũ lính đánh thuê gồm các tay súng từ Libya và Syria được cho là đã được triển khai đến khu vực này.
Armenia và Azerbaijan (cùng là thành viên của Liên Xô cũ) vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tới tranh chấp vùng Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống, nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.