Xung đột giữa trường đại học và ngành công nghiệp

Công tác nghiên cứu ở các trường đại học Malaysia đã đạt được một số tiến bộ từ năm 2010.

Sinh viên Malaysia.

Sinh viên Malaysia.

Tuy nhiên, có những rào cản đáng kể khiến năng suất và tốc độ chuyển giao kết quả nghiên cứu bị hạn chế. Nguyên nhân nằm ở sự xung đột văn hóa trong mối quan hệ giữa trường đại học và ngành công nghiệp.

Tiến bộ trong các trường đại học

Về số lượng thông tin được trích dẫn và bài báo quốc tế, Malaysia vượt trội hơn Thái Lan và Philippines. Bộ Giáo dục Malaysia báo cáo nước này chỉ đứng sau Ấn Độ về tốc độ tăng trưởng về đầu ra trong lĩnh vực học thuật, vượt Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore và Thái Lan.

Số trường Malaysia có mặt trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới của QS (trụ sợ tại Anh) đạt 20 vào năm 2020. Trong đó, 1 trường lọt tốp 100, 4 trường lọt vào tốp 200 và 7 trường nằm trong tốp 500 trường hàng đầu thế giới.

Để thúc đẩy hơn nữa năng suất và tốc độ chuyển giao kết quả nghiên cứu của các trường đại học, Chính phủ Malaysia đã đưa ra các chính sách và sáng kiến hành chính khác nhau, nhằm nhấn mạnh sự hợp tác giữa các trường đại học và khu vực tư nhân. Các sáng kiến như Tiến sĩ công nghiệp (MyPhD Industri) và 2u2i (2 năm đại học và 2 năm trong ngành công nghiệp) đã được đưa ra trong khuôn khổ Hợp tác Đại học - Công nghiệp (University-Industry Collaboration - UIC).

Chương trình 2u2i đại diện cho một phương pháp học tập, trong đó sinh viên được yêu cầu học trong khuôn viên nhà trường nhưng vẫn có thể đảm nhận các vị trí trong ngành công nghiệp. Chương trình này nhằm hỗ trợ nền giáo dục linh hoạt và tạo ra những con người toàn diện, biết kinh doanh và cân bằng.

Mặt khác, sáng kiến Tiến sĩ công nghiệp là một cách thúc đẩy trao đổi học thuật và khoa học, tăng cường giao tiếp giữa trường đại học và ngành công nghiệp.

Từ quan điểm học tập, cả 2 chương trình đều nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với môi trường làm việc thực tế, trải nghiệm kỹ năng kinh doanh và nghiên cứu theo định hướng người tiêu dùng. Việc vừa bảo đảm nội dung, chương trình dạy và học do trường đại học cung cấp, vừa cho phép sự tham gia của ngành công nghiệp vào việc thiết kế chương trình giảng dạy của 2u2i là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, các sáng kiến như vậy đã gặp phải một số thách thức.

Sinh viên Malaysia trong giờ học.

Sinh viên Malaysia trong giờ học.

Xung đột văn hóa

Ở đây tồn tại sự khác biệt về văn hóa tổ chức và là những vấn đề khó giải quyết nhất. Trước đây, các trường đại học được cho là không linh hoạt, phong cách giao tiếp thứ bậc, quan liêu và thiếu tập trung vào văn hóa định hướng, gây ra rào cản đối với sự hợp tác hiệu quả.

Điều này cho thấy ở cấp độ cơ bản nhất, có sự bất đồng về văn hóa giữa trường đại học và ngành công nghiệp liên quan, khiến cả 2 bên đều thất vọng và không có động lực để tiến hành các sáng kiến nghiên cứu của họ.

Các đối tác trong ngành công nghiệp thường nhấn mạnh vào những mục tiêu có thể đo lường và khung thời gian cụ thể giúp tập trung chính xác hơn. Các ngành cho rằng trường học không đạt được mục tiêu về thời hạn và coi sự trì hoãn của trường học là một sự thất bại trong việc quản lý dự án.

Trong khi đó, các trường lại nêu nguyên nhân của việc không đáp ứng được thời hạn là do khối lượng công việc lớn và thiếu cơ sở thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển. Họ cũng nhấn mạnh vào sự thiếu liên lạc và phối hợp liên quan đến các dự án nghiên cứu, các đối tác tiềm năng và định hướng chiến lược.

Ngay cả khi các chính sách đã được thiết lập nhưng chiến lược của trường đại học không thể giải quyết các vấn đề thường gặp như vị trí của các học giả trong ngành công nghiệp và ngược lại, hoặc chiến lược đó sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho cả 2 bên.

Ngoài ra, còn có các vấn đề liên quan đến khả năng tham gia nghiên cứu của các học giả đối với các chủ đề quan trọng, hữu ích cho quốc gia. Giới công nghiệp cho rằng, đầu tư vào các trường đại học Malaysia là một rủi ro lớn nhất. Bên cạnh đó, kiến thức và trình độ công nghệ của các học giả không tăng lên theo sự kỳ vọng của ngành công nghiệp toàn cầu.

Hơn nữa, một số báo cáo trước đây cho thấy, phần lớn công việc phát triển và nghiên cứu thực hiện trong các trường đại học Malaysia chỉ là sự sao chép hoặc thiết kế lại các công nghệ đã có ở các nước phát triển.

Một mối quan tâm nữa là chất lượng hoạt động nghiên cứu của các giáo sư đã giảm sút cùng với cam kết và đạo đức nghiên cứu của họ.

Cuối cùng, sự thiếu tin tưởng giữa các đối tác đã được xác định là vấn đề then chốt ảnh hưởng tới sự thành công của nghiên cứu và đổi mới. Niềm tin cần có thời gian để phát triển giữa các đối tác, đặc biệt là giữa các ngành muốn bảo vệ lợi thế công nghệ của họ trong một lĩnh vực có tính cạnh tranh cao.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia (MUST).

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia (MUST).

Giải pháp

Khi đề cập tới 2 sáng kiến nêu trên, Bộ Giáo dục đã đưa ra hướng dẫn để giảm thiểu xung đột văn hóa và tạo cơ hội trao đổi kiến thức và công nghệ, mở rộng kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu, dẫn đến các hoạt động hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của ngành. Các cơ chế được đưa ra bao gồm tư vấn và đào tạo, các chương trình giáo dục thường xuyên được thiết kế đặc biệt và tính linh hoạt trong các trường và ngành công nghiệp liên quan tới việc bố trí việc làm, sự gắn bó của nhân viên…

Tuy nhiên, một số trường đại học đã đi xa hơn bằng cách đòi hỏi một thỏa thuận ràng buộc pháp lý với ngành công nghiệp. Điều này liên quan đến quyền công bố kết quả của các nhà nghiên cứu trong các ngành công nghiệp nhưng theo học tiến sĩ tại trường đại học. Ví dụ, một trường đại học công lập đã soạn thảo một văn bản ràng buộc pháp lý, tuyên bố sở hữu mọi quyền đối với bất kỳ tài sản trí tuệ mới nào do sinh viên phát triển được từ dự án.

Ngoài ra, theo Bộ Giáo dục, để tăng cường hiệu quả, 30% giảng viên đại học công lập cần phải thông thạo các yêu cầu của ngành công nghiệp đối với các trường đại học để thực hiện chương trình 2u2i.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/xung-dot-giua-truong-dai-hoc-va-nganh-cong-nghiep-OR9a8ltng.html