Xung đột Israel-Hamas 30-10: Israel tấn công hàng trăm mục tiêu Hamas một ngày; Bạo lực biên giới Israel với Lebanon, Syria tăng cao
Xung đột Israel-Hamas tiếp tục leo thang nguy hiểm khi Israel cho biết đang 'dần tăng cường hoạt động trên bộ và mở rộng phạm vi hoạt động ở Dải Gaza'; căng thẳng cũng tăng cao ở biên giới Israel với Lebanon, Syria.
Xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) ngày qua tiếp tục leo thang. Theo số liệu mới nhất từ cơ quan y tế tại Dải Gaza, tính từ ngày 7-10 xung đột đã khiến 8.005 người ở Gaza thiệt mạng, trong đó có 3.324 trẻ em.
Israel mở rộng phạm vi hoạt động ở Dải Gaza
Ngày 30-10, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết các máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công hơn 450 mục tiêu của Hamas, bao gồm các trung tâm chỉ huy tác chiến, các trạm canh gác và các trạm phóng tên lửa chống tăng trong 24 giờ qua, theo hãng tin Reuters.
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, một số chiến binh Hamas đã xuất hiện từ một đường hầm gần biên giới Israel-Gaza và đã chết hoặc bị thương sau cuộc đụng độ với lực lượng Israel.
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel - Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari tiết lộ trong buổi họp báo ngày 30-10 rằng lực lượng Israel đang “dần tăng cường hoạt động trên bộ và mở rộng phạm vi hoạt động ở Dải Gaza”.
“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể từ trên không, trên biển và trên bộ cho đến bảo đảm an toàn cho lực lượng của ta và đạt được mục tiêu của cuộc chiến” - ông Hagari nói thêm.
Phát ngôn của ông Hagari được đưa ra trong bối cảnh các cuộc không kích của Israel vào Gaza vẫn tiếp diễn.
Israel ngày qua cũng công bố hình ảnh xe tăng chiến đấu của nước này xuất hiện ở phía tây Dải Gaza, động thái gây lo ngại rằng cuộc đổ bộ của Israel vào Gaza sắp bắt đầu.
Ngày 30-10, Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine nói rằng các cuộc không kích của Israel đã “gây thiệt hại lớn” tại bệnh viện Al-Quds ở Gaza và đã khiến nhiều người ở bệnh viện ngạt thở .
Hiệp hội cáo buộc Israel “cố tình” tiến hành các cuộc không kích “ngay cạnh bệnh viện Al-Quds, nhằm mục đích buộc các nhân viên y tế, người dân phải sơ tán và bệnh nhân phải sơ tán khỏi bệnh viện”.
Trong khi đó, nhóm Hamas cho biết đã bắn súng cối chống lại lực lượng Israel ở phía bắc Gaza và đã bắn tên lửa vào xe tăng của Israel trong ngày 30-10.
Hamas tiếp tục thể hiện sự sẵn sàng đón lính Israel đổ bộ.
Căng thẳng leo thang tại biên giới Israel với Lebanon, Syria
Theo kênh Al Jazeera, cường độ, tần suất và tốc độ của các cuộc đụng độ giữa Israel và các nhóm ở Lebanon trong ngày 30-10 vượt xa những ngày trước đó.
Israel đã báo cáo một số vụ phóng rocket hoặc súng cối từ Lebanon vào lãnh thổ Israel trong ngày qua và cho biết đã bắn trả.
Nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) ngày 30-10 cũng tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của Israel ở phía đông nam Lebanon bằng tên lửa đất đối không.
Theo báo cáo của Reuters, UAV bị bắn trúng gần thị trấn Khiam (Lebanon), cách biên giới với Israel khoảng 5 km.
Reuters dẫn hai nguồn tin an ninh ở Lebanon cho biết đây là lần đầu tiên Hezbollah tuyên bố bắn hạ một UAV của Israel.
Ngày 30-10, Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại miền Lebanon (UNIFIL) cho biết một thành viên của lực lượng này đã bị thương sau khi đạn pháo bắn trúng căn cứ của phái bộ trên biên giới Lebanon-Israel một ngày trước đó.
Tại biên giới Israel-Syria, người phát ngôn Hagari của Lực lượng Phòng vệ Israel nói rằng có một số rocket được phóng từ Syria về phía Israel và đã rơi xuống một khu vực trống trải.
Ông Hagari tuyên bố Israel đã đáp trả bằng cách tấn công trở lại.
Cùng ngày, Jordan cho biết đã yêu cầu Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot để hỗ trợ bảo vệ biên giới Jordan khi căng thẳng trong khu vực tiếp tục leo thang.
“Chúng tôi đã yêu cầu phía Mỹ giúp củng cố hệ thống phòng thủ của chúng tôi bằng hệ thống tên lửa phòng không Patriot” - người phát ngôn quân đội Jordan - Thiếu tướng Mustafa Hiyari nói.
Quốc tế lo cho dân thường khi căng thẳng leo thang
Ngày 30-10, Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi “tất cả những người có trách nhiệm rút lui khỏi bờ vực” chiến tranh, theo đài CNN.
Ông Guterres cho biết ông sẽ “tiếp tục yêu cầu thả tất cả các con tin ở Gaza ngay lập tức và vô điều kiện”, đồng thời nhắc lại “lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức”.
“Tôi lặp lại sự lên án hoàn toàn của mình đối với các cuộc tấn công kinh hoàng do Hamas gây ra. Không bao giờ có lời biện minh nào cho việc giết hại, làm bị thương và bắt cóc thường dân” - theo nhà lãnh đạo LHQ.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng lên án Israel vì “thay vì một lệnh tạm dừng nhân đạo cực kỳ cần thiết được cộng đồng quốc tế ủng hộ, Israel lại tăng cường các hoạt động quân sự của mình”.
Ông Guterres lưu ý rằng tình hình ở Gaza “ngày càng tuyệt vọng hơn theo từng giờ” và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế.
Cuối tuần qua, Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan đã đến thăm cửa khẩu Rafah (giữa Ai Cập và Gaza) và nói rằng ICC đang “tiến hành các cuộc điều tra tích cực liên quan các tội ác được cho là đã xảy ra ở Israel vào ngày 7-10 cũng như các vấn đề ở Gaza và Bờ Tây”.
Ông Khan lưu ý rằng bất kỳ ai nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự trong cuộc xung đột sẽ cần phải “giải thích cho mọi cuộc tấn công”.
“Việc cố ý giết người và bắt giữ con tin là vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva” - ông Khan nói.
Vị công tố viên cũng cảnh báo rằng việc từ chối hỗ trợ nhân đạo cho dân thường là một tội ác.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày qua đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhấn mạnh sự thiết phải bảo vệ dân thường và tăng cường dòng viện trợ nhân đạo vào Gaza.
“Tổng thống Biden nhắc lại rằng Israel có mọi quyền và trách nhiệm để bảo vệ công dân của mình khỏi khủng bố và nhấn mạnh sự cần thiết phải làm như vậy theo cách phù hợp với luật nhân đạo quốc tế, ưu tiên bảo vệ dân thường” - theo thông báo của Nhà Trắng về cuộc điện đàm.
Trước đó cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với đài CBS News rằng Israel có nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế để bảo vệ mạng sống của dân thường.
“Chúng tôi đã chứng kiến hàng nghìn thường dân Palestine thiệt mạng trong cuộc xung đột này. Đó là một bi kịch. Mỗi cái chết của những cá nhân đều là một thảm kịch, và mạng sống của mọi thường dân - người Palestine, người Israel - là thiêng liêng và phải được bảo vệ” - ông Sullivan bày tỏ.
Vị quan chức cáo buộc Hamas sử dụng dân thường làm “lá chắn sống”, nhưng nói thêm rằng điều đó không “giảm bớt trách nhiệm” của Israel trong việc cố gắng bảo vệ dân thường.
“Điều quan trọng là Israel phải phân biệt giữa việc truy đuổi các mục tiêu khủng bố, tiêu diệt những kẻ khủng bố tiếp tục đe dọa Israel và truy lùng dân thường. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của Israel. Và đó là điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy họ” - ông Sullivan nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 30-10, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố rằng bạo lực ở Bờ Tây dẫn đến việc giết hại và di dời một số thường dân Palestine cần phải chấm dứt.
“Pháp kêu gọi chính quyền Israel thực hiện các biện pháp ngay lập tức để bảo vệ người dân Palestine” - theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho rằng Israel đã “vượt qua lằn ranh đỏ” ở Gaza và điều này “có thể buộc mọi người phải hành động”.
Israel triệu tập đại sứ Nga sau khi Moscow đón phái đoàn Hamas
Ngày 30-10, Bộ Ngoại giao Israel đã triệu tập Đại sứ Nga tại Israel - ông Anatoly để phản đối chuyến thăm của Hamas tới Moscow, theo hãng thông tấn TASS.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel cho biết “Israel đang xem xét nghiêm túc việc Moscow thiếu sự lên án rõ ràng và dứt khoát đối với tổ chức khủng bố Hamas” và việc mời Nga mời Hamas sang thăm đã “gửi thông điệp hợp pháp hóa chủ nghĩa khủng bố chống lại người Israel”.
Nga chưa bình luận về động thái của Israel.
Trước đó, ngày 26-10, một phái đoàn của Hamas đã đến Moscow để hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov. Nội dung hội đàm chủ yếu về vấn đề trả tự do cho con tin Nga và sơ tán công dân Nga khỏi Dải Gaza.