Xung đột Israel-Hamas ảnh hưởng kinh tế toàn cầu
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nếu xung đột Israel-Hamas gia tăng có thể làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu. Nếu cho đến nay Israel là bên chịu thiệt hại năng nề nhất về kinh tế do chiến tranh thì Mỹ lại là bên được lợi nhất.
Trong báo cáo mới nhất về viễn cảnh kinh tế thế giới công bố ngày 29/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống 2,9% và giữ nguyên dự báo của năm 2024. Tuy nhiên, tổ chức diễn đàn với các thành viên là chính phủ của 38 quốc gia có kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cũng như 70 nước không phải là thành viên, cảnh báo rằng xung đột Israel - Hamas có thể làm suy yếu nền kinh tế. "Nếu cuộc xung đột này trở nên trầm trọng và lan rộng ra toàn khu vực, rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm lại và gia tăng lạm phát gấp nhiều lần so với hiện tại", cơ quan này đánh giá.
OECD được thành lập từ năm 1949 có mục đích là để tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi của người dân. Đây là 1 diễn đàn trao đổi kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề chung khác. Hiện tại, tác động của xung đột mới chỉ hạn chế ở tầm quốc gia và khu vực, với nền kinh tế thế giới chưa nhiều, OECD nhận định và cho rằng cuộc xung đột này chỉ làm kinh tế toàn cầu năm nay giảm 0,1%.
Theo trích dẫn trong báo cáo, bà Clare Lombardelli, kinh tế trưởng của OECD, cho rằng những cú phanh hiện tại đè nặng lên hoạt động kinh tế thế giới không phải do Trung Đông gây ra mà do "việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, thương mại yếu kém và niềm tin thấp mới là những nguyên nhân có tác động lớn".
Lạm phát của thế giới vẫn cao, dự kiến sẽ giảm dần dần xuống mức 5,3% trong năm 2024 ở các quốc gia thành viên của OECD, so với mức 7,4% trong năm nay. Tại khu vực đồng euro, tỷ lệ này sẽ ở mức 2,9% vào năm 2024 so với 5,5% năm nay và ở mức 2,8% ở Mỹ so với 3,9% vào năm 2023.
Tốc độ tăng trưởng không đều
"Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trên thế giới hiện không đồng đều", bà Clare Lombardelli nhấn mạnh. Trong khi Mỹ dự kiến sẽ đạt mức 2,4% trong năm nay và 1,5% tăng trưởng năm tới 2024 (+0,2 điểm % so với dự báo trước đó vào tháng 9), khu vực đồng euro chỉ đạt được 0,6% trong năm nay và 0,9% vào năm tới.
"Nhìn chung, dự báo tăng trưởng ở các nước OECD thấp hơn rất nhiều so với trung bình trong lịch sử và tăng trưởng GDP ở hầu hết các thị trường mới nổi đều tốt hơn so với các nền kinh tế tiên tiến", bà nói trong một cuộc họp báo. "Một phần lớn dự đoán tăng trưởng kinh tế mà chúng tôi dự đoán đến từ các nền kinh tế thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực châu Á", bà Lombardelli khẳng định, nhắc đến Ấn Độ, Indonesia, Brazil và Mexico. Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 5,2% trong năm nay và 4,7% vào năm sau, tăng 0,1 điểm so với dự báo được tổ chức đưa ra hồi tháng 9.
Với Pháp, OECD đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng của nước này cho năm 2024, giảm xuống còn 0,8% so với mức dự báo 1,2% vào tháng 9. Những dự báo này đặc biệt được chờ đợi, 2 ngày trước khi đánh giá tài chính của S&P Global Ratings dành cho Pháp được cập nhật (hiện tại là "AA" kèm theo triển vọng tiêu cực). Theo dự báo của OECD, thị trường quốc tế sẽ hạn chế xuất khẩu và việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân và tiêu dùng của Pháp vào năm tới. Tuy nhiên, tổ chức cũng dự đoán nền kinh tế Pháp sẽ có sự khởi sắc mạnh mẽ hơn vào năm 2025 (+1,4% cho GDP).
Rủi ro địa chính trị
"Nếu không có các cú sốc tài chính mới, lạm phát toàn phần sẽ trở lại mức phù hợp với mục tiêu của các ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế lớn vào cuối năm 2025 và các nền kinh tế tiên tiến được dự đoán hạ cánh mềm", bà Lombardelli khẳng định trong cuộc họp báo. Tuy nhiên, bà cảnh báo: "Điều này không thể đảm bảo, đặc biệt là liên quan đến những rủi ro căng thẳng địa chính trị". "Cuộc chiến Nga và Ukraine tiếp tục cản trở thị trường năng lượng và làm tăng giá thực phẩm", bà nhấn mạnh.
Và nếu chiến tranh ở Trung Đông trở nên gay gắt và lan rộng, tác động lên nền kinh tế thế giới chủ yếu thông qua giá dầu và khí đốt, thông cáo của OCDE cho biết. Theo tổ chức này, một thùng dầu tăng giá 10 USD có thể dẫn đến sự tăng lạm phát toàn cầu 0,2 điểm và giảm tăng trưởng 0,1 điểm.
OECD cũng cho rằng thương mại toàn cầu có thể bị ảnh hưởng mạnh vì hai tuyến đường thương mại quốc tế trên biển nằm trong khu vực xung đột, đó là eo biển Hormuz và kênh đào Suez.
Trong khi OECD có vẻ lạc quan thì Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại không như vậy. Trong báo cáo hồi tháng 10, IMF đã cảnh báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục ảm đạm trong năm nay và năm tới. Mức tăng trưởng được dự báo 3% vào năm 2023 và 2,9% vào năm 2024 - thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử là 3,8%. Người đứng đầu IMF cảnh báo, cuộc chiến Israel-Hamas là một "đám mây mới" phía chân trời có nguy cơ làm xám xịt triển vọng kinh tế toàn cầu vốn đã u ám. Bà Kristalina Georgieva cho biết những cú sốc nghiêm trọng đang trở thành “điều bình thường mới” trong một nền kinh tế bị chi phối bởi tốc độ tăng trưởng yếu.
Chiến tranh Israel-Hamas, Mỹ thắng lợi lớn?
Theo số liệu sơ bộ của Bộ Tài chính Israel, chi phí ước tính cuộc cuộc chiến Israel-Hamas sẽ tương đương 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel, tương đương 200 tỷ shekel, nhưng với điều kiện là cuộc chiến chỉ kéo dài từ 8 - 12 tháng, giới hạn ở Gaza mà không có sự tham gia của Hezbollah, Iran, và khoảng 350.000 người Israel phải nhập ngũ làm quân nhân dự bị sẽ sớm quay trở lại làm việc. Một nửa con số 200 tỷ shekel nói trên sẽ là chi phí quốc phòng - lên tới khoảng 1 tỷ shekel/ngày. 40 - 60 tỷ shekel khác sẽ đến từ việc bị mất doanh thu, 17 - 20 tỷ shekel để bồi thường cho các doanh nghiệp và 10 - 20 tỷ shekel để nền kinh tế Israel phục hồi.
Sau khi chiến sự nổ ra, S&P đã hạ triển vọng xếp hạng của Israel xuống mức “tiêu cực”, trong khi Moody's và Fitch đưa xếp hạng của Israel vào danh sách xem xét để có thể bị hạ cấp. Đồng shekel cũng đã giảm xuống mức yếu nhất kể từ năm 2012 - mặc dù ngân hàng trung ương đã công bố gói giải pháp trị giá 45 tỷ USD chưa từng có để bảo vệ đồng tiền này, và đang hướng tới kết quả năm tồi tệ nhất trong thế kỷ này. Chi phí phòng ngừa rủi ro đối với những tổn thất tiếp theo đã tăng vọt. Roee Cohen, người đứng đầu liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ của Israel cho biết: “Toàn bộ ngành công nghiệp và các nhánh của chúng đã tê liệt. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều quyết định cho nhân viên nghỉ phép không lương, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động”. Ngân hàng trung ương Israel đã hạ triển vọng kinh tế vào hôm 23/10, nhưng vẫn dự báo mức tăng trưởng vượt quá 2% trong năm nay và năm tới, với điều kiện là xung đột được ngăn chặn càng sớm càng tốt.
Cuộc chiến tại Dải Gaza là một trong những rủi ro địa chính trị đáng chú ý nhất đối với thị trường dầu mỏ kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào năm ngoái. Ông George Moran, nhà kinh tế của Nomura tại châu Âu, nhìn nhận: “Cuộc chiến ở Ukraine đã cho chúng ta một bài học đáng giá, đó là đừng đánh giá thấp tác động của các sự kiện địa chính trị”. Xung đột tại Gaza đã khiến các khoản phí rủi ro địa chính trị trên thị trường dầu mỏ gia tăng, và có thể khiến nhiều dự án ở cả Trung Đông và Địa Trung Hải bị trì trệ.
Các nhà phân tích lưu ý rằng, giá dầu tăng sẽ không có tác động đáng kể đến giá khí đốt ở Mỹ hay các khoản chi của người tiêu dùng. Nhưng xung đột Israel - Hamas cộng với xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến Liên minh châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Mỹ trong thời gian dài hơn. Xuất khẩu LNG của Mỹ chắc chắn sẽ còn tăng thêm trong ít nhất 2 hoặc 3 năm. Sản lượng dầu của Mỹ cũng đang tăng đều đặn và đã vượt xa sản lượng của năm 2019 trước đại dịch COVID-19.
Điều này có vẻ đi ngược với mong muốn của Mỹ trong việc làm giảm sản lượng của các nước OPEC, nhưng thặng dư sản xuất của Mỹ sẽ làm tăng lượng tồn kho, từ đó đẩy giá dầu đi xuống. Do đó, thị trường dầu mỏ sẽ vẫn gắn kết với OPEC+ về việc duy trì mức cắt giảm sản lượng vào năm 2024, nhưng phải đi kèm với sự lan rộng của cuộc xung đột ở Trung Đông khi eo biển Hormuz bị phong tỏa. Trong mọi trường hợp, Mỹ đều thắng lớn.