Xung đột Israel-Hamas: Chấn động khi 'ngày đen tối' đến

Chiến dịch tấn công bất ngờ, với quy mô chưa từng có của Hamas từ dải Gaza, cùng sự đáp trả quyết liệt của Israel đã khiến thế giới chấn động.

Lực lượng cứu hỏa dập tắt các đám cháy sau một vụ tấn công tên lửa của Hamas vào Tel Aviv, Israel.

Lực lượng cứu hỏa dập tắt các đám cháy sau một vụ tấn công tên lửa của Hamas vào Tel Aviv, Israel.

Trong 3 ngày qua, khu vực dải Gaza đã trở thành tâm điểm của sự chú ý, khi Phong trào vũ trang Hamas đã triển khai đợt tấn công lớn nhất trong 50 năm qua từ khu vực này vào lãnh thổ của Israel, gây thương vong chưa từng có.

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đáp trả quyết liệt. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi thời khắc bị tấn công là “ngày đen tối” và tuyên bố “chiến tranh”. Đêm ngày 8/10, số người thiệt mạng ở cả hai bên lên tới 1.100 người, mỗi bên có hơn 2.200 người bị thương, chưa kể hơn 100 người Do Thái bị Hamas bắt làm con tin.

Có gì trong xung đột nghiêm trọng này?

Ba khía cạnh bất ngờ

Trước hết, đó chắc chắn là yếu tố bất ngờ trên ba khía cạnh sau.

Thứ nhất, đó là bất ngờ về mặt thời điểm. Cuộc tấn công diễn ra vào cuối tuần, đặc biệt trong dịp Israel đang chào mừng lễ Sukkot (lễ Lều tạm), tưởng nhớ hành trình kéo dài 40 năm, băng qua sa mạc của người Do Thái từ Ai Cập để tới Miền đất hứa. Tuy nhiên, đáng buồn là năm nay, các sự kiện ăn mừng dịp lễ này đã biến thành thảm kịch. Ít nhất 260 người tham dự nhạc hội Nova nhân lễ Sukkot thiệt mạng khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công khu vực vùng nông thôn cách biên giới Gaza-Israel 3km.

Ngoài ra, chiến dịch tấn công Jenin nhằm vào Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) hồi tháng 7 và căng thẳng tại Nhà thờ Al-Aqsa vừa qua khiến tình hình thêm “nóng”. Thậm chí, đây được coi là nguyên nhân của “Chiến dịch Cơn bão Al-Aqsa” này.

Song, không dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Phong trào vũ trang Hamas sẽ triển khai tấn công quy mô ở thời điểm này, nhất là khi trước đó, Nhà nước Do Thái nhiều lần đánh chặn các đợt bắn tên lửa từ dải Gaza.

Thứ hai, đó là sự bất ngờ về quy mô của đợt tấn công. Đây là đợt tấn công lớn nhất nhắm vào Israel trong nửa thế kỷ qua, kể từ khi cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 khép lại với phần thắng cho Israel.

Ở giai đoạn đầu của “Chiến dịch Cơn bão Al-Aqsa”, Hamas bắn 5.000 quả tên lửa vào Israel chỉ trong 20 phút nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” tiên tiến của Nhà nước Do Thái. Con số này nhiều hơn toàn bộ cuộc Thánh chiến kéo dài 50 ngày năm 2014.

Tiếng còi báo động rền vang, hàng loạt luồng khói bao trùm lên khắp đất nước Israel, dù đó là tại Jerusalem, Tel Aviv, Beersheba hay Ashkelon. Với việc Hamas và Hezbollah tuyên bố tự sản xuất được tên lửa và hiện có trữ lượng lên tới 150.000 quả, các đợt tấn công trong thời gian tới có thể trở nên căng thẳng hơn.

Ở giai đoạn đầu của “Chiến dịch Cơn bão Al-Aqsa”, Hamas đã bắn 5.000 quả tên lửa vào Israel chỉ trong 20 phút nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” tiên tiến của Nhà nước Do Thái. Con số này nhiều hơn toàn bộ cuộc Thánh chiến kéo dài 50 ngày năm 2014.

Cuối cùng, đó là cách thức tấn công. Bên cạnh các đợt tấn công bằng tên lửa theo cách truyền thống, Hamas đã áp dụng một số cách thức mới, gây bất ngờ cho IDF. Một trong số đó là tấn công vào các trạm quan sát và hệ thống phòng thủ ở biên giới, sau đó triển khai các lực lượng nhảy dù qua khu vực này song song với hỏa lực từ tên lửa để che mắt. Tiếp theo, họ dùng mìn để phá hủy một phần hàng rào, tạo lỗ hổng để lực lượng chiến binh Hồi giáo xâm nhập nhanh chóng vào lãnh thổ Israel.

Thêm nữa, Hamas đã triển khai nhiều máy bay không người lái (UAV) với khả năng tấn công bất ngờ và phạm vi sát thương rộng với binh lính IDF.

Xét cho cùng, các khía cạnh bất ngờ nêu trên đã khiến IDF cùng lực lượng an ninh không có được sự chuẩn bị tốt nhất. Trước đó, tình báo Nhà nước Do Thái cho rằng, Hamas đã chuyển trọng tâm sang khơi dậy bạo lực ở bờ Tây, thay vì tấn công vũ trang từ Dải Gaza, khu vực được coi là đang “ổn định trong bất ổn”.

Tờ Times of Israel tiết lộ, Ai Cập đã nhiều lần cảnh báo về “một điều gì đó lớn sắp diễn ra”, song dường như Nhà nước Do Thái đã bỏ qua lời cảnh báo này. Chính vì thế, một cuộc tấn công quy mô lớn, với tính toán kỹ càng về thời điểm, quy mô cùng nguồn lực đã gây thương vong chưa từng có với Israel.

Ông Meir Elran, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia tại Tel Aviv (Israel) nhận định: “Mọi người đều nói về việc Hamas yên tĩnh và ổn định. Toàn bộ khái niệm cấu trúc này đã tan vỡ trước mắt chúng ta một cách vô cùng tàn khốc”.

Sự “tàn khốc” đó thể hiện ở con số 700 người Do Thái thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương và nhiều người bị bắt cóc.

Các đợt tấn công đáp trả của Israel phá hủy nhiều tòa nhà tại thành phố Gaza. (Nguồn: AFP)

Các đợt tấn công đáp trả của Israel phá hủy nhiều tòa nhà tại thành phố Gaza. (Nguồn: AFP)

Đáp trả quyết liệt

Đối mặt với cuộc tấn công bất ngờ và quy mô của Hamas, sau giai đoạn bất ngờ ban đầu, chính quyền Israel đã nhanh chóng phản ứng một cách tương xứng.

Chưa đầy 4 tiếng kể từ khi “ngày đen tối” bắt đầu, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Chúng ta đã bước vào tình trạng chiến tranh và chúng ta sẽ chiến thắng”. Ông cảnh báo về một cuộc “trả thù mạnh mẽ” qua “cuộc xung đột khó khăn, kéo dài” và kêu gọi người Palestine ở Dải Gaza “rời đi ngay lập tức”.

Đáng chú ý, Thủ tướng Netanyahu mời lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid và lãnh đạo Đảng Thống nhất quốc gia Benny Gantz thảo luận về thành lập một chính phủ mở rộng để lãnh đạo Israel vượt qua giai đoạn này. Động thái tương tự từng diễn ra 50 năm trước, trong cuộc chiến Yom Kipper năm 1973. Điều này cho thấy Israel coi xung đột lần này nghiêm trọng không kém gì cuộc chiến 5 thập kỷ trước.

Phát biểu trong buổi trao đổi với các binh sĩ ở Ofakim, thành phố phía Nam đất nước hôm 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nhấn mạnh, phản ứng của Nhà nước Do Thái tại Dải Gaza sẽ “được nhớ đến trong 50 năm tới và Hamas sẽ hối hận vì đã khơi mào cho điều đó… Luật chơi đã thay đổi. Dải Gaza sẽ phải trả một cái giá rất đắt, thứ sẽ thay đổi thực tế trong nhiều thế kỷ tới”.

“Cái giá rất đắt” đó đang được IDF cụ thể hóa qua “Chiến dịch Thanh kiếm sắt”. Ngay trong đêm đầu tiên, Israel đã triển khai các đợt đáp trả dồn dập, phá hủy nhiều tòa nhà ở thành phố Gaza, trong đó có các văn phòng của Hamas, khiến hơn 413 người thiệt mạng và 2.300 người bị thương. Đồng thời, cùng lúc đó, lực lượng của IDF phản kích các cuộc tấn công của Phong trào Hezbollah bằng UAV, cảnh cáo phe thánh chiến Lebanon “không nên tham gia vào vấn đề này”.

Người phát ngôn của IDF, Trung tá Jonathan Conricus, cho biết đêm ngày 8/10, 100.000 binh sĩ dự bị đã tập trung quanh Dải Gaza. Còn theo một người phát ngôn khác, Trung tá Richard Hecht, máy bay chiến đấu, trực thăng và pháo binh đã tấn công hơn 500 mục tiêu ngay trong đêm. IDF nhấn mạnh mục tiêu để Hamas “không còn năng lực quân sự” và “không kiểm soátDải Gaza”, song không rõ liệu đây có phải là tín hiệu cho một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn hay không.

“[Phản ứng của Nhà nước Do Thái tại Dải Gaza sẽ] được nhớ đến trong 50 năm tới và Hamas sẽ hối hận vì đã khơi mào cho điều đó… Luật chơi đã thay đổi. Dải Gaza sẽ phải trả một cái giá rất đắt, thứ sẽ thay đổi thực tế trong nhiều thế kỷ tới”. (Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant)

Phản ứng đa chiều

Ngay sau khi xung đột bùng phát, cộng đồng quốc tế lập tức phản ứng trước tình hình này, với ba luồng ý kiến đáng chú ý.

Luồng ý kiến đầu tiên là phản đối các cuộc tấn công của Hamas và bày tỏ sự ủng hộ với Israel, với Mỹ đóng vai trò tiên phong. Tổng thống Mỹ Joe Biden hai lần điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trong 48 tiếng. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước này duy trì liên lạc chặt chẽ.

Lầu Năm Góc cho biết đã điều nhóm tàu sân bay USS Gerald R. Ford đến khu vực phía Đông Địa Trung Hải, tăng cường các đội máy bay chiến đấu trong khu vực. Khẳng định xứ cờ hoa “cam kết ủng hộ hoàn toàn chính phủ và người dân Israel khi đối diện cuộc tấn công chưa từng có của Hamas”, Tổng thống Joe Biden cũng cho biết nước này đã gửi viện trợ quân sự tới Israel.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự phẫn nộ về hành động của Hamas và gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cáo buộc Hamas “gia tăng bạo lực” và Israel “có toàn quyền tự vệ”. Ukraine, Hà Lan, Italy, CzechAnh đưa ra những tuyên bố tương tự.

Trong khi đó, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức bạo lực”, nhấn mạnh “bạo lực không giải quyết được điều gì”. Người phát ngôn Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, chỉ trích Hamas và kêu gọi các bên có nỗ lực ngoại giao cần thiết để giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại ủng hộ phía Hamas và phản đối Israel. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định, nước này “có quyền tự bảo vệ trước Israel tại khu vực nhà thờ Al-Aqsa và lãnh thổ Palestine”. Đồng thời, ông kêu gọi chính quyền Palestine “cung cấp những gì cần thiết để bảo đảm sự vững chắc của người Palestine trước hành vi chiếm đóng và tấn công của Israel”.

Ngày 7/10, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự ủng hộ với Israel trong xung đột với Hamas. (Nguồn: AP)

Ngày 7/10, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự ủng hộ với Israel trong xung đột với Hamas. (Nguồn: AP)

Một điểm đáng chú ý ở đây đến từ vai trò của Iran. Ngày 8/10, trả lời phỏng vấn đài BBC (Anh), ông Ghazi Hamad, người phát ngôn của Hamas, khẳng định Iran đã “hỗ trợ trực tiếp” cho lực lượng này mở đợt tấn công vào Nhà nước Do Thái.

Vài tiếng sau khi Hamas tấn công, ông Rahim Safavi, cố vấn của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, đã gửi lời chúc mừng Hamas, khẳng định Tehran tiếp tục hỗ trợ chiến binh Palestine “đến khi nước này và Jerusalem được giải phóng”. Tờ Wall Street Journal (Mỹ) dẫn nguồn tin cho rằng, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã giúp Hamas lên kế hoạch từ tháng 8.

Tuy nhiên, ngày 9/10, phát biểu với báo giới, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc lại khẳng định: “Chúng tôi không tham gia vào động thái mới đây tại Palestine”. Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết hiện Washington “chưa tìm thấy bằng chứng về sự liên quan của Tehran” với các đợt tấn công trên.

Thêm một lưu ý, các nước Hồi giáo và vùng Vịnh như Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay Ai Cập, dù vẫn kêu gọi chấm dứt bạo lực leo thang và theo hướng chỉ trích Israel, song lời lẽ đều có phần “nhẹ nhàng” hơn nhiều.

Trong số đó, đáng chú ý hơn cả là phản ứng của Saudi Arabia.

Chính quyền Riyadh khẳng định đang theo dõi sát diễn biến giữa Israel-Hamas và kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc ngừng bắn, “nối lại quá trình hòa bình, đáng tin cậy” nhằm tiến tới giải pháp hai nhà nước. Đồng thời, Saudi Arabia “nhiều lần cảnh báo hệ quả của tình hình ngày một xấu đi từ việc chiếm đóng, tước đoạt quyền chính đáng hay kích động mang tính hệ thống với người Palestine tại một số địa điểm linh thiêng”.

Tháng trước, trả lời phỏng vấn Fox News (Mỹ), Hoàng thái tử Mohammed bin Salman từng khẳng định tiến trình bình thường hóa giữa nước này với Israel đang “ngày một đến gần”. Tuy nhiên, diễn biến hiện nay tại Dải Gaza có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Như vậy, với tuyên bố trên, Saudi Arabia tiếp tục ủng hộ người Palestine, song vẫn duy trì thái độ thận trọng để không ảnh hưởng tới việc cải thiện quan hệ với Israel.

Luồng ý kiến cuối cùng không thể hiện sự ủng hộ nghiêng về bên nào, song thay vào đó, tập trung kêu gọi các bên kiềm chế và sớm ngừng bắn, giải quyết xung đột bằng các biện pháp ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova “kêu gọi Israel và Palestine lập tức ngừng bắn, chấm dứt bạo lực, kiềm chế và thiết lập quá trình đàm phán với sự hỗ trợ của quốc tế nhằm xây dựng một nền hòa bình toàn diện, bền vững ở Trung Đông”. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hối thúc Israel và lực lượng Palestine “hành động phù hợp”, tránh “hành vi bồng bột” gây leo thang xung đột.

Ngày 8/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh, kiềm chế và lập tức dừng các hành động thù địch nhằm bảo vệ người dân, tránh leo thang tình hình”.

Bắc Kinh hối thúc cộng đồng quốc tế “hành động, thúc đẩy nối lại hòa đàm, tìm giải pháp để mang lại nền hòa bình bền vững ở khu vực” và khẳng định sẽ “phối hợp chặt chẽ” với quốc tế vì mục tiêu đó.

Song, trong bối cảnh hiện nay, những mục tiêu ấy không dễ dàng. Tìm kiếm hòa bình đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả bên liên quan, nhất là thiện chí từ Israel và phía Palestine, để “chảo lửa” Trung Đông sớm nguội.

Việt Nam quan ngại sâu sắc về bạo lực leo thang giữa Hamas và Israel

Ngày 8/10, trả lời câu hỏi phóng viên, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân.

Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bảo đảm an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân”.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-hamas-chan-dong-khi-ngay-den-toi-den-245452.html