Xung đột Israel – Hamas: Hệ lụy với kinh tế toàn cầu
Ngày 9-10, dự cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Morocco, các nhà lãnh đạo tài chính đánh giá nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng biến động sâu sắc do hậu quả đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột, trong đó mới nhất là tình hình tại Trung Đông.
Cuộc xung đột Israel - Hamas với hàng trăm người thiệt mạng mỗi phía đang làm tăng thêm khả năng xảy ra một cuộc xung đột trên diện rộng hơn ở Trung Đông. Đối với các ngân hàng trung ương, vấn đề nan giải là liệu tình hình hiện nay có khả năng dẫn đến áp lực lạm phát mới hay không, vì khu vực Trung Đông không chỉ là nơi có các nhà sản xuất dầu lớn như Iran và Saudi Arabia mà còn có các tuyến đường vận chuyển lớn qua vịnh Suez.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã trích dẫn giá năng lượng cao gần đây là một rủi ro có thể xảy ra đối với triển vọng giảm dần lạm phát. Trong diễn biến liên quan, ngày 9-10, giá dầu thô Brent tăng 4,18%, lên 88,76 USD/thùng; dầu thô WTI của Mỹ tăng 5,1%, lên mức 87,02 USD/thùng.
Mỹ đang ủng hộ Israel và Tổng thống Joe Biden đảm bảo Mỹ sẽ mở kho dự trữ dầu để hạ nhiệt giá trong trường hợp giá dầu tăng vượt quá 10%-12% nhằm kiểm soát lạm phát ở Mỹ. Bên cạnh đó, do rủi ro cao, các nhà đầu tư chuyển sang tích trữ vàng để bào toàn vốn nên giá vàng ngày 9-10 tăng 1,1%, từ 1.849,51 USD/ounce lên 1.863,70 USD/ounce. Theo ông Karim Basta, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Tư vấn đầu tư III Capital Management, xung đột tại Trung Đông gây ra rủi ro giá dầu cao hơn và rủi ro cả đối với lạm phát, triển vọng tăng trưởng.
Không chỉ gây lo ngại đối với kinh tế, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc ngày 8-10 ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tác động của cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas đối với những người dân đang phải vật lộn để có được nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu.
WFP cũng lo ngại về chất lượng của các mặt hàng tại hệ thống cửa hàng thực phẩm và tác động tiêu cực từ tình trạng mất điện ở dải Gaza, nơi vẫn phải đối mặt với vấn đề thiếu điện kinh niên. Đề cập tới Gaza, tuyên bố đánh giá, mặc dù hầu hết cửa hàng ở những khu vực chịu ảnh hưởng tại Palestine hiện duy trì lượng thực phẩm dự trữ trong 1 tháng, song có nguy cơ sẽ “cạn kiệt nhanh chóng khi mọi người mua hết thực phẩm vì lo ngại xung đột kéo dài”.
WFP khẳng định đang chuẩn bị sẵn số lượng thực phẩm để phân phối cho những người phải di dời và đang sinh sống tại những nơi tạm trú, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên tuân thủ các nguyên tắc của luật nhân đạo”.
- Hơn 800 người Israel thiệt mạng và ít nhất 100 người (nhiều quốc tịch) bị bắt cóc sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào các khu vực ở Israel.
- Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, Israel đang bao vây hoàn toàn dải Gaza. Khu vực 2,3 triệu dân này hiện không điện, không lương thực, không nước, không khí đốt. Quân đội Israel đã gọi tái ngũ 300.000 binh sĩ từ lực lượng dự bị trong vòng 48 giờ qua.
- Thái Lan phối hợp với nhiều nước khác tìm cách giải cứu các công dân bị Hamas bắt cóc.
- Liên minh châu Âu tổ chức cuộc họp khẩn cấp ngoại trưởng vào ngày 10-10 về tình hình ở Israel và dải Gaza.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xung-dot-israel-hamas-he-luy-voi-kinh-te-toan-cau-post709140.html