Xung đột Israel-Hamas: Làn sóng phản chiến lan rộng nhiều châu lục

Các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine và phản đối cuộc chiến của Israel tại Gaza lan rộng nhiều châu lục.

Các cuộc biểu tình thể hiện tình đoàn kết với người dân Gaza (Palestine), phản đối cuộc tấn công của Israel lan rộng tại nhiều khuôn viên trường ĐH ở Mỹ và nhiều nơi tại châu Âu, châu Á và Trung Đông trong những tuần gần đây, theo đài CNN.

Mặc dù yêu cầu của những người biểu tình ở mỗi trường ĐH là khác nhau nhưng phần lớn các cuộc biểu tình đều kêu gọi các trường ĐH thoái vốn khỏi các công ty và dự án hỗ trợ Israel, và phản đối cuộc chiến ở Gaza.

Dưới đây là một số cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine trong khuôn viên các trường trên khắp thế giới.

 Sinh viên biểu tình khoác chặt tay tại ĐH bang Portland (Mỹ) hôm 30-4. Ảnh: AP

Sinh viên biểu tình khoác chặt tay tại ĐH bang Portland (Mỹ) hôm 30-4. Ảnh: AP

Mỹ

Theo CNN, sinh viên tại nhiều trường ĐH ở Mỹ đã xuống đường biểu tình sau khi xung đột Israel-Hamas nổ ra. Cuộc biểu tình tại ĐH Columbia (TP New York) được xem là cuộc biểu tình phản đối xung đột Israel-Hamas có quy mô lớn nhất tại Mỹ.

Tờ The Washington Post ước tính từ ngày 17-4 đến ngày 30-4 các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine đã nổ ra tại hơn 150 trường cao đẳng và đại học trên khắp nước Mỹ. Những người biểu tình dựng trại ở trung tâm khuôn viên trường, chiếm đóng các tòa nhà của trường ĐH. Họ cũng yêu cầu các trường cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp có liên hệ Israel.

Cảnh sát đã được điều tới nhiều trường để ngăn những người biểu tình quá khích. Kể từ ngày 18-4, hơn 2.000 người biểu tình đã bị bắt tại các khuôn viên trường ĐH ở Mỹ.

Úc

Trong vài tuần qua, các trại biểu tình ủng hộ người dân Palestine được dựng lên ở ít nhất 7 trường ĐH trên khắp nước Úc.

 Trại biểu tình của sinh viên ở Úc. Ảnh: CNN

Trại biểu tình của sinh viên ở Úc. Ảnh: CNN

Tại ĐH Queensland ở TP Brisbane, nhóm biểu tình muốn ĐH Queensland công khai tất cả mối liên hệ với các công ty và trường ĐH của Israel, cũng như cắt đứt quan hệ với các công ty vũ khí có liên hệ với Israel.

Các trại biểu tình này được dựng lên để thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine và thể hiện sự đoàn kết với những cuộc biểu tình của sinh viên ở Mỹ. Tại ĐH Sydney, khoảng 50 trại biểu tình ủng hộ người dân Gaza đã được dựng lên.

Tuy nhiên, một số nhóm người Do Thái ở Úc cho rằng hành động này đang gây ra căng thẳng không cần thiết trong khuôn viên trường, cho rằng đây là hành vi “phân biệt chủng tộc” và “chống Do Thái”.

Vào ngày 3-5, các nhóm Do Thái đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối “xu hướng đáng lo ngại về các hoạt động chống Do Thái và chống Israel” tại trường ĐH Sydney. Hơn 200 người trong nhóm Do Thái đã tập trung tại khuôn viên ĐH Sydney. Tuy nhiên, không xảy ra tình trạng chạm trán trực tiếp nào giữa nhóm này và nhóm ủng hộ người dân Palestine.

Cho đến nay, cảnh bạo lực như tại các trường ĐH ở Mỹ chưa xảy ra ở Úc.

Anh

Các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine đã được tổ chức tại nhiều trường ĐH trên khắp nước Anh, kể từ những ngày đầu khi xung đột Israel-Hamas nổ ra.

Tại ĐH Newcastle (đông bắc nước Anh), một khu trại nhỏ ủng hộ người dân Palestine đã được dựng lên trên bãi cỏ phía trước các tòa nhà của trường ĐH. Một tài khoản mạng xã hội X (Twitter) có tên “Newcastle Apartheid Off Campus” đã chia sẻ những hình ảnh về khu trại biểu tình, trong đó cho thấy có khoảng 10 trại trên bãi cỏ. Một số trại treo cờ Palestine.

Tài khoản này cho biết những người biểu tình là “liên minh do sinh viên lãnh đạo, đấu tranh để chấm dứt mối quan hệ đối tác giữa ĐH Newcastle với các công ty quốc phòng cung cấp cho Israel”.

Theo hãng tin PA, sinh viên ở các TP Leeds, Bristol và Warwick của Anh cũng đã dựng trại bên ngoài các trường ĐH để phản đối cuộc chiến ở Gaza.

Nhiều sinh viên Do Thái tại Anh đã chỉ trích các cuộc biểu tình, kêu gọi các trường ĐH thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sinh viên Do Thái một cách nghiêm túc hơn.

Pháp

Tại thủ đô Paris, các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine đã nổ ra tại ĐH Sciences Po và ĐH Sorbonne từ cuối tháng 4.

 Cảnh sát chống bạo động trước ĐH Sorbonne (Pháp) hôm 2-5. Ảnh: AFP

Cảnh sát chống bạo động trước ĐH Sorbonne (Pháp) hôm 2-5. Ảnh: AFP

Cảnh sát Pháp đã giải tán những người biểu tình tại ĐH Sorbonne vào ngày 29-4. Hôm 3-5, cảnh sát chống bạo động đã giải tán người biểu tình tại sảnh chính của ĐH Sciences Po.

Người phát ngôn của ĐH Sciences Po cho biết cuộc biểu tình của sinh viên khiến khuôn viên trường phải đóng cửa. Một sinh viên đã bắt đầu tuyệt thực để phản đối cách trường ĐH này phản ứng đối với “những sinh viên muốn ủng hộ Palestine”.

Sciences Po là một trong những trường đại học được xếp hạng cao nhất của Pháp và là trường cũ của nhiều tổng thống, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron. Trường này có mối quan hệ chặt chẽ với ĐH Columbia (Mỹ ) – nơi sinh viên đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn ủng hộ người dân Palestine.

Giữa tình hình trên, anh Samuel Lejoyeaux – Chủ tịch Liên minh Sinh viên Do Thái ở Pháp kêu gọi các bên đối thoại nhiều hơn nữa.

“Tôi sẽ không bao giờ vui khi thấy CRS [cảnh sát chống bạo động] bước vào khuôn viên trường. Hơn bất cứ điều gì, tôi tin vào đối thoại” – anh Lejoyeaux nói.

Ấn Độ

Các cuộc biểu tình được tổ chức tại ĐH Jawaharlal Nehru (JNU) danh tiếng ở thủ đô New Delhi, để thể hiện tình đoàn kết với các sinh viên biểu tình tại ĐH Columbia.

“Cơ sở của JNU sẽ không cung cấp nguồn lực cho chính quyền Israel” – tuyên bố của hội sinh viên JNU đưa ra hôm 29-4.

Theo CNN, cuộc biểu tình tại JNU cũng khiến chuyến thăm dự kiến của đại sứ Mỹ tại Ấn Độ tới trường bị hủy.

Lebanon

Theo hãng tin Reuters, hàng trăm sinh viên đã tập trung tại nhiều ĐH ở Lebanon vào cuối tháng 4. Họ vẫy cờ Palestine và yêu cầu các trường ĐH này tẩy chay các công ty kinh doanh ở Israel.

 Sinh viên một trường ĐH ở Lebanon biểu tình phản đối cuộc chiến ở Gaza hôm 30-4. Ảnh: AFP

Sinh viên một trường ĐH ở Lebanon biểu tình phản đối cuộc chiến ở Gaza hôm 30-4. Ảnh: AFP

Một số người biểu tình cho biết họ được truyền cảm hứng từ các cuộc biểu tình tại các trường ĐH ở Mỹ.

Anh Ali al-Muslem – sinh viên tham gia biểu tình cho biết: “Chúng tôi muốn cho cả thế giới thấy rằng chúng tôi không quên chính nghĩa của người Palestine. Và thế hệ trẻ vẫn ủng hộ chính nghĩa của người Palestine”.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/xung-dot-israel-hamas-lan-song-phan-chien-lan-rong-nhieu-chau-luc-post789297.html