Xung đột Israel - Hamas leo thang: Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
Sau một tháng, xung đột Israel - Hamas ở Trung Đông diễn biến ngày càng phức tạp và có nguy cơ lan rộng, làm gia tăng hàng loạt thách thức đối với nền kinh tế thế giới vốn chưa thoát khỏi tình trạng bấp bênh sau đại dịch Covid-19 và những hệ lụy từ xung đột giữa Nga và Ukraine.
Đây là một trong những trọng tâm thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước công nghiệp phát triển (G7) đang diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, việc Saudi Arabia và Iran xích lại gần nhau, cũng như các hiệp ước hòa bình giữa Israel và một số quốc gia Ả rập mở ra hy vọng Trung Đông có thể chấm dứt hàng thập kỷ xung đột. Tuy nhiên, bạo lực bùng phát giữa Israel và Hamas đã khiến mọi kỳ vọng tan thành mây khói.
Những ngày qua, quân đội Israel tiếp tục thắt chặt vòng vây Gaza với những trận giao tranh khốc liệt. Bất chấp lời kêu gọi giảm căng thẳng từ cộng đồng quốc tế, xung đột leo thang biến thành nỗi lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn có thể tác động tiêu cực sâu rộng đến giá năng lượng, chi phí lương thực, thương mại quốc tế.
Giới quan sát cho rằng, ba kịch bản có thể xảy ra theo mức độ xấu dần gồm: Xung đột giới hạn ở Israel và các vùng lãnh thổ Palestine; xung đột lan rộng sang Lebanon và Syria; xung đột làm phát sinh đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran. Các ý kiến nhận định, tác động kinh tế sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài và mức độ khốc liệt của xung đột, với gánh nặng đến từ chi phí do tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm. Trong đó, đáng ngại nhất là suy giảm hoạt động đầu tư và vốn đầu tư; sự gia tăng về chi tiêu của các chính phủ cho quốc phòng, trợ cấp việc làm, trợ cấp cho các nạn nhân của cuộc xung đột, các biện pháp cấm vận…
Tuy nhiên, ngay từ lúc này, xung đột tại Dải Gaza đã tác động tiêu cực tới các nền kinh tế khu vực. Ngân hàng Trung ương Israel đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ 3% xuống 2,3% - dựa trên kịch bản lạc quan nhất là giao tranh sớm được kiềm chế. Tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai tổ chức tại Saudi Arabia cuối tháng 10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá, các quốc gia lân cận như Ai Cập, Lebanon và Jordan cũng sẽ ngay lập tức cảm nhận được ảnh hưởng. Bởi vì các nền kinh tế này phụ thuộc nhiều vào du lịch, nhưng đây lại là ngành nghề bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất mỗi khi xảy ra xung đột.
Thực tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia hiện diện ở khu vực Trung Đông lúc này đã cảm nhận được hệ quả. Nhiều hãng hàng không, trong đó có Delta Airlines hay United Airlines của Mỹ, cho biết, kết quả hoạt động trong quý cuối năm sẽ thay đổi tùy thuộc vào thời gian tạm dừng các chuyến bay ở Tel Aviv (Israel). Meta ghi nhận doanh thu quảng cáo từ Facebook và Instagram giảm kể từ khi giao tranh nổ ra tại Gaza. Trong các phỏng vấn mới đây, có tới 28 giám đốc điều hành các công ty trong danh sách Fortune 500 bày tỏ lo ngại hoạt động kinh doanh có thể bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, tác động từ xung đột đối với nền kinh tế toàn cầu có thể nghiêm trọng hơn nhiều. Khi xung đột lan ra khu vực đang chứa 48% trữ lượng và sản xuất 33% lượng dầu thế giới, giá mặt hàng này có thể tăng lên mức 150 USD/ thùng, gấp ba lần hiện nay, kéo theo lạm phát toàn cầu tăng mạnh, có thể đạt 6,7% trong năm sau. Đây cũng là kịch bản từng xảy ra nhiều lần, đơn cử như cuộc tấn công của Iraq vào Kuwait năm 1990 khiến giá dầu sau 3 tháng tăng 105%. Tình trạng tăng giá không chỉ làm giảm sức mua của gia đình và doanh nghiệp, mà còn đẩy chi phí sản xuất lương thực lên cao, cũng như làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực - một nguy cơ với các nước đang phát triển.
Xung đột cũng có khả năng đảo ngược mọi nỗ lực giảm lạm phát gần đây của các ngân hàng trung ương, dẫn tới lãi suất tiếp tục tăng cao và tình trạng bán tháo trên thị trường tài chính. IMF cho rằng, kịch bản tài chính xấu nhất là khi nỗi sợ hãi và tâm lý bất an gia tăng khắp thế giới tạo ra hiện tượng giảm tiêu dùng. Khi đó, nền kinh tế thế giới khó tránh khỏi tình trạng suy thoái dài hạn, với thiệt hại có thể tới 1.000 tỷ USD, "dìm" tăng trưởng toàn cầu năm 2024 còn 1%, là con số tồi tệ nhất kể từ năm 1982.
Đến lúc này, vẫn còn sớm để có thể xác định chính xác cuộc xung đột Israel - Hamas sẽ gây ra rủi ro lớn đến đâu, nhưng những dấu hiệu cảnh báo đã rõ ràng. Do đó, thời điểm này là lúc thế giới cần tăng cường hợp tác, cấp bách tìm lối thoát hóa giải xung đột, hạn chế “đám cháy” lan rộng.