Xung đột Israel-Palestine: Lịch sử và hiện tại
Cuộc tấn công lớn chưa từng có của Hamas vào Israel ngày 7/10 khiến Tel Aviv trả đũa ồ ạt lại cuốn Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực, bất ổn mới, cho thấy xung đột ở 'chảo lửa' này vẫn là vấn đề phức tạp, dai dẳng và khó giải quyết nhất trên thế giới.
Ngược dòng lịch sử
Từ thế kỷ thứ XI trước Công nguyên (TCN), nhà nước cổ đại của người Do Thái ra đời ở vùng đất Palestine. Đến thế kỷ thứ VIII TCN, các quốc gia của người Do Thái bị tiêu diệt, Palestine lần lượt nằm dưới sự cai trị của các Đế chế Assyria, Đế chế Babylon, Đế chế Ba Tư, Đế chế La Mã trong nhiều thế kỷ tiếp theo, trước khi người Hồi giáo Arab chiếm được khu vực này.
Palestine trở thành một phần của Đế chế Ottoman từ giữa thế kỷ XVI. Với sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu, làn sóng di cư của người Do Thái tới Palestine bắt đầu từ đầu những năm 1880. Sau thất bại của Đế chế Ottoman trong Thế chiến I, năm 1918, Palestine trở thành một vùng lãnh thổ Ủy trị của Anh. Đầu những năm 1920 ở Jerusalem, Amin al-Husseini - lãnh đạo của phong trào dân tộc Arab tại Palestine - đã phát động các cuộc bạo loạn chống lại người Do Thái khiến người Do Thái phải sơ tán khỏi Dải Gaza.
Thế chiến II bùng nổ, người Do Thái và người Arab tạm thời hợp tác, đứng về phe Đồng minh. Tuy nhiên, một số người theo chủ nghĩa dân tộc Arab cực đoan như al-Husseini có xu hướng hợp tác với Đức Quốc xã tiếp tục phong trào chống Do Thái trong thế giới Arab. Cuối Thế chiến II, làn sóng nhập cư mới vào Palestine của những người Do Thái sống sót sau cuộc thảm sát Holocaust ở châu Âu khiến cho mâu thuẫn giữa hai bên bùng phát trở lại. Đến năm 1947, người Do Thái đã chiếm tới 33% dân số nhưng chỉ sở hữu 6% lãnh thổ Palestine.
Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết 181, phân chia vùng đất Palestine lịch sử thành một nhà nước của người Arab và một nhà nước của người Do Thái, trong khi thánh địa Jerusalem được đặt dưới sự quản lý quốc tế. Người Do Thái vui mừng chấp nhận kế hoạch này nhưng người Arab lại phản đối quyết liệt vì 56% diện tích vùng đất lịch sử Palestine sẽ được giao cho nhà nước Do Thái, bao gồm phần lớn khu vực ven biển màu mỡ trong khi người Arab đang sở hữu 94% diện tích Palestine và 67% dân số.
Ngày 14/5/1948, người Do Thái đã chính thức tuyên bố thành lập nhà nước Israel và được cả hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô công nhận chỉ sau chưa đầy một tiếng đồng hồ. Không chấp nhận thực tế này, các nước Arab đã tấn công Israel, dẫn đến Chiến tranh Arab - Israel lần đầu tiên năm 1948. Đến năm 1949, một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết nhưng hầu hết các vùng lãnh thổ tại Palestine được phân chia cho người Arab theo Nghị quyết 181 đã bị sáp nhập vào Israel, trong khi Jordan sáp nhập Bờ Tây và Ai Cập chiếm Dải Gaza. Israel cũng sáp nhập Tây Jerusalem, còn Đông Jerusalem tạm thời được đặt dưới quyền kiểm soát của Jordan. Bị mất toàn bộ lãnh thổ, một làn sóng di cư khổng lồ của người Arab tại Palestine tràn sang các quốc gia láng giềng đã bùng nổ.
Năm 1964, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được Yasser Arafat thành lập và đảng chính trị Fatah cũng thành lập một năm sau đó. Năm 1967, các nước Arab bắt đầu lên kế hoạch tấn công Israel lần thứ hai. Để đối phó, Israel đã mở chiến dịch tấn công phủ đầu vào cả ba nước Arab là Syria, Jordan và Ai Cập, dẫn đến sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh sáu ngày. Một lần nữa Israel lại giành được chiến thắng, chinh phục được Bờ Tây (bao gồm cả Đông Jerusalem), Dải Gaza, Cao nguyên Golan và Bán đảo Sinai.
Sau cuộc chiến sáu ngày, PLO phải chạy sang Jordan và được vua Hussein hỗ trợ. Đến năm 1970, PLO bất ngờ chống lại Vua Jordan trong sự kiện “Tháng Chín đen tối”, sau đó rời đến Nam Lebanon, lập căn cứ tiếp tục các cuộc tấn công vào Israel. Tháng 10/1973, Ai Cập và Syria lại tấn công Israel trong cuộc chiến Tháng Mười đúng dịp lễ Yom Kippur linh thiêng của người Do Thái. Tuy nhiên, một lần nữa, Israel lại giành chiến thắng. Sau đó, Israel đã trả lại Bán đảo Sinai cho Ai Cập theo Hiệp định Hòa bình David Camp năm 1978.
Tuy vậy, những hy vọng về việc lập lại hòa bình ở khu vực đã tan vỡ sau hàng loạt vụ tấn công của PLO và các nhóm vũ trang ở Palestine. Năm 1982, Israel đã đáp trả bằng việc mở một cuộc tấn công toàn diện vào Lebanon. Các nhóm vũ trang của Palestine bị đánh bại nhanh chóng trong vòng vài tuần. Trụ sở của PLO được sơ tán đến Tunisia vào tháng 6/1982 theo quyết định của lãnh đạo PLO Yasser Arafat.
Thánh chiến đồng loạt
Phong trào Intifada (Thánh chiến đồng loạt) của người Palestine bắt đầu nổ ra vào năm 1987 dẫn đến việc thành lập phong trào Hamas - lực lượng chủ trương đấu tranh vũ trang, khác với PLO và Fatah thiên về ngoại giao và chính trị. Năm 1988, Liên đoàn Arab công nhận PLO là đại diện duy nhất của Palestine làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các lực lượng của Palestine.
Đầu những năm 1990, các nỗ lực quốc tế để giải quyết cuộc xung đột được đẩy mạnh. Ngày 13/9/1993, Hiệp định Oslo I được Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Chủ tịch PLO Yasir Arafat ký kết với sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho phép PLO di dời khỏi Tunisia và thành lập chính quyền quốc gia Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza. Song, tiến trình hòa bình này vấp phải sự phản đối đáng kể từ các nhóm Hồi giáo của Palestine, tiêu biểu là Hamas và Fatah.
Tháng 9/1995, một thỏa thuận tạm thời mới (Hiệp định Oslo II) được ký kết tại Washington về việc mở rộng quyền tự chủ ở Bờ Tây. Tuy nhiên, ngày 4/11/1995, Thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát bởi một người Do Thái cực đoan. Năm 2004, Tổng thống Arafat qua đời khiến tiến trình hòa bình ở Trung Đông tưởng được nhen nhóm lại rơi vào bế tắc.
Sau nhiều năm đàm phán không thành công, vào tháng 9/2000 phong trào Intifada lần thứ hai đã nổ ra, xuất phát từ việc thủ lĩnh phe đối lập thuộc đảng Likud của Israel Ariel Sharon có chuyến thăm “đầy khiêu khích” tới Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa với lực lượng an ninh hàng nghìn người được triển khai trong và xung quanh Thành phố cổ Jerusalem. Bạo lực leo thang thành một cuộc xung đột mở giữa Lực lượng an ninh quốc gia Palestine và Lực lượng phòng vệ Israel, kéo dài trong suốt những năm 2004-2005. Trong thời gian này, Israel tiếp tục tái chiếm các khu vực do chính quyền Palestine quản lý và bắt đầu xây dựng bức tường ngăn cách Dải Gaza với lãnh thổ của Israel và xây dựng các khu định cư ở khu vực Bờ Tây. Đến tháng 6/2007, Israel bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển đối với Dải Gaza. Tháng 2/2009, một lệnh ngừng bắn được ký kết với sự tham gia hòa giải của cộng đồng quốc tế, mặc dù những cuộc giao tranh lẻ tẻ giữa hai bên vẫn tiếp diễn.
Vùng đất Palestine với Thánh địa Jerusalem có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả ba tôn giáo: Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Jerusalem là thành phố linh thiêng nhất của Do Thái giáo, là địa điểm tọa lạc trước đây của các đền thờ Do Thái và thủ đô của vương quốc Israel cổ đại. Với các Kitô hữu, Jerusalem là nơi Chúa Jesus bị hành quyết và cũng là nơi tọa lạc của Nhà thờ Mộ Thánh. Với người Hồi giáo, Jerusalem là địa điểm Nhà tiên tri Mohammad đã thực hiện “hành trình đêm đến thiên đường” và đặt Thánh đường Hồi giáo al-Aqsa.
Lịch sử lặp lại
Ngày 29/11/2012, Nghị quyết số 67/19 của Đại hội đồng LHQ được thông qua, nâng cấp Palestine lên vị thế “nhà nước quan sát viên phi thành viên” tại LHQ. Việc thay đổi vị thế này được mô tả là công nhận thực tế chủ quyền quốc gia của Palestine. Tuy nhiên, xung đột giữa Palestine và Israel vẫn thường xuyên nổ ra. Mùa Hè năm 2014, lực lượng Hamas bắn gần 3.000 quả tên lửa vào Israel và Tel Aviv trả đũa bằng một cuộc tấn công lớn ở Gaza. Cuộc giao tranh kết thúc vào cuối tháng 8/2014 với thỏa thuận đình chiến do Ai Cập làm trung gian.
Sau làn sóng bạo lực giữa người Israel và người Palestine vào năm 2015, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố người Palestine sẽ không còn bị ràng buộc bởi sự phân chia lãnh thổ do Hiệp định Oslo. Tháng 5/2018, giao tranh một lần nữa nổ ra giữa Hamas và Israel. Hamas đã bắn 100 quả tên lửa từ Gaza vào Israel. Israel đáp trả bằng các cuộc tấn công vào hơn 50 mục tiêu ở Gaza trong suốt 24 giờ.
Năm 2018, Tổng thống Donald J. Trump chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, một sự đảo ngược chính sách lâu dài của Mỹ trong vấn đề Palestine. Quyết định này của Chính quyền Donald Trump khiến tình hình Trung Đông thêm rạn nứt mặc dù có được sự tán thưởng của Israel và một số đồng minh. Tháng 8-9/2020, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và sau đó là Bahrain đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel và Saudi Arabia đang xem xét tiến tới bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv. Trước đó, Ai Cập và Jordan đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào các năm 1979 và 1994.
Xu hướng bình thường hóa giữa các nước Hồi giáo với Israel được Mỹ và nhiều nước phương Tây ủng hộ nhưng các lực lượng ở Palestine và một số nước đã bác bỏ các hiệp định này. Ngày 7/10, Hamas đã phóng hàng nghìn quả tên lửa vào lãnh thổ Israel khiến hàng trăm người thương vong. Israel tuyên bố trả đũa khốc liệt khiến một cuộc xung đột mới giữa Palestine và Israel lại nổ ra và đang lan rộng. Lịch sử đau thương và bất ổn tại “chảo lửa” Trung Đông đang tái diễn.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-palestine-lich-su-va-hien-tai-246821.html