Xung đột kéo dài, người tị nạn Ukraine hòa nhập lực lượng lao động EU
Liudmyla Chudyjovych từng hành nghề luật sư ở Ukraine và có những dự định lớn cho tương lai. Đó là trước khi cuộc xung đột buộc người phụ nữ 41 tuổi này phải đặt sự an toàn của con gái lên hàng đầu, bỏ lại sau lưng sự nghiệp và ngôi nhà yên ấm.
Kể từ khi chạy nạn khỏi thị trấn Stryj ở miền tây Ukraine hồi tháng 5, Chudyjovych đã tìm được công việc mới ở Cộng hòa Séc. Nhưng thay vì hành nghề luật sư, cô phải làm dọn phòng tại một khách sạn ở thủ đô Praha.
Là một trong hàng triệu người tị nạn đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát ngày 24/2, Chudyjovych tự cho mình là người may mắn khi có việc làm. Không thông thạo cả tiếng Séc lẫn tiếng Anh, Chudyjovych cho biết cô không bận tâm làm việc gì, miễn là cô và con gái được an toàn.
Ngay từ những ngày đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Liên minh châu Âu đã đưa ra các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tị nạn Ukraine sống và làm việc tại 27 quốc gia thành viên, trong khoảng thời gian họ quyết định xin tị nạn hay trở về nước. Tuy nhiên, sau nhiều tháng nhiều người lúc này mới tìm được việc làm, còn nhiều người khác vẫn đang vật lộn tìm việc.
Theo Frontex, Cơ quan Bảo vệ Bờ biển và Biên giới EU, khoảng 6,5 triệu người Ukraine đã đổ tới các nước láng giềng kể từ tháng 2. Sau đó, nhiều người chuyển tới các nước thịnh vượng hơn ở phía Tây và khoảng một nửa đã trở lại Ukraine.
Ủy ban châu Âu cho biết đến giữa tháng 6, chỉ có một lượng nhỏ những người ở lại gia nhập được thị trường lao động EU.
Một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xem xét tác động tiềm tàng của người tị nạn Ukraine đối với lực lượng lao động EU, đã đưa ra dự kiến lực lượng này sẽ tăng gấp đôi so với dòng người tị nạn giai đoạn 2014-2017, với đa số là người chạy khỏi cuộc chiến ở Syria.
Nghiên cứu trên ước tính, Séc - quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở châu Âu, sẽ bổ sung nhiều người Ukraine nhất vào lực lượng lao động của mình vào cuối năm nay, với mức tăng 2,2%. Tiếp theo là Ba Lan và Estonia. Báo cáo cho biết khoảng 1,2 triệu công nhân sẽ được bổ sung vào lực lượng lao động châu Âu, chủ yếu trong các ngành dịch vụ.
Tuy nhiên, dòng chảy này sẽ không làm giảm lương hoặc gây thất nghiệp ở các nước châu Âu, nơi nhiều nước phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, một phần do dân số già.
Nỗ lực của EU trong việc giúp đỡ người Ukraine đã nhận được sự khen ngợi từ Cơ quan Người tị nạn của Liên hợp quốc và các nhóm nhân quyền khác đối phó với vấn đề di cư. Nhưng các tổ chức này cũng lưu ý sự khác biệt lớn trong cách đối xử với những người chạy khỏi chiến tranh hoặc nghèo đói ở Trung Đông, châu Phi hoặc châu Á, vốn phải đợi nhiều năm để vượt qua các rào cản mới có được giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước đối với những người tị nạn Ukraine đang tìm việc làm.
Ngoài rào cản ngôn ngữ, lao động lành nghề từ Ukraine thường thiếu giấy tờ chứng minh chứng chỉ nghề nghiệp của họ để có được công việc được trả lương cao hơn. Bằng cấp của họ có thể không được công nhận ở nước sở tại, đồng nghĩa nhiều người phải tham gia các khóa đào tạo và học tiếng trước khi có cơ hội nghề nghiệp.
Do nam giới từ 18-60 tuổi bị cấm rời khỏi Ukraine, nhiều người tị nạn là phụ nữ có con, điều này cũng là một trở ngại trong nỗ lực tìm việc làm. Nhiều phụ nữ Ukraine vẫn đang cân nhắc các lựa chọn và có thể quyết định trở về nhà vào đầu năm học, từ tháng 9.
Theo Bộ Lao động và Chính sách xã hội Ba Lan, tại quốc gia đã tiếp nhận khoảng 1 triệu người tị nạn Ukraine này, chỉ có hơn 1/3 người tị nạn đã tìm được việc làm. Một số nhận được công việc như y tá hoặc giáo viên dạy tiếng Ukraine tại các trường học ở Ba Lan, số khác làm nhân viên tạp vụ, bồi bàn.
Ở Đức, khoảng một nửa trong số 900.000 người tị nạn Ukraine đã đăng ký với cơ quan việc làm của nước này, mặc dù không có số liệu nào về số người đã thực sự tìm được việc.
Natalia Borysova là trưởng ban biên tập một chương trình truyền hình buổi sáng ở thành phố Lviv, miền tây Ukraine trước khi rời đất nước cùng các con vào tháng 3, và định cư ở thành phố Cologne, Đức. Ban đầu cô xin những việc lương thấp như dọn phòng, nhưng cuối cùng quyết định nghỉ làm để tập trung vào học tiếng Đức.
“Tôi là một người lạc quan và tôi chắc chắn rằng mình sẽ tìm được việc làm tốt sau khi học tiếng”, Natalia chia sẻ.
Còn Chudyjovych nằm trong số khoảng 400.000 người Ukraine ở Cộng hòa Séc đã đăng ký thị thực dài hạn đặc biệt để tiếp cận việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các lợi ích khác. Chính phủ Séc cho biết gần 80.000 người Ukraine đã tìm được việc làm.
Với Chudyjovych, làm nhân viên dọn phòng vẫn tốt hơn nhiều so với sống trong sợ hãi và chịu đựng âm thanh liên tục của còi báo động không kích.