Xung đột leo thang ở Trung Đông đe dọa sự cân bằng của các thị trường

Bước sang năm 2024, các nhà đầu tư toàn cầu hầu hết để tâm tới những nghi ngờ về việc thị trường chứng khoán có thể phục hồi trong bao lâu và khi nào các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất.

Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Bước sang năm 2024, các nhà đầu tư toàn cầu đa phần để tâm tới những nghi ngờ về việc thị trường chứng khoán có thể phục hồi trong bao lâu và khi nào các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, cuộc xung đột mở rộng đột ngột ở Dải Gaza đang làm lung lay nền tảng này và có thể buộc nhà đầu tư điều chỉnh lại mức độ tiếp xúc các kênh nhiều rủi ro.

Phản ứng của thị trường trong ngày 12/1 ban đầu khá hạn chế trước thông tin liên quân Mỹ và Anh đã tiến hành tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự của lực lượng Houthi ở Yemen vào một ngày trước đó, như biện pháp đáp trả các cuộc tấn công của phong trào này vào các tàu đi qua khu vực Biển Đỏ. Nhưng sau đó, giá dầu đã tăng hơn 1% còn trái phiếu và chứng khoán Mỹ lại căng thẳng sau cuộc tấn công.

Các nhà phân tích cho biết, giới đầu tư sẽ tìm cách giảm mức độ tiếp xúc với các tài sản nhiều rủi ro và chuyển hướng sang các kênh “trú ẩn an toàn” khi họ chờ xem tình hình Trung Đông diễn biến như thế nào, đặc biệt là sự gián đoạn nguồn cung dầu và thương mại.

Ông Charu Chanana, người đứng đầu chiến lược tiền tệ tại ngân hàng Saxo ở Singapore, cho biết, thị trường đang đối mặt nguy cơ căng thẳng tiếp tục leo thang. Với sự tập trung ngắn hạn hiện dồn vào các rủi ro địa chính trị leo thang, nhà đầu tư có thể chuyển sang mua vào đồng yen và vàng”.

Trên toàn cầu, nếu tuyến hải trình qua Biển Đỏ không được đảm bảo, chi phí thương mại và phí bảo hiểm chắc chắn tăng cao, đi cùng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng trong một thị trường hàng hóa thế giới vốn đã bất ổn do xung đột ở Ukraine.

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ngân hàng ANZ, ông Khoon Goh cho biết, giá cước vận chuyển đã tăng trong vài tuần qua do tình trạng gián đoạn vận tải hàng hải trên Biển Đỏ. Theo ông, nếu các cuộc tấn công của lực lượng Anh-Mỹ có thể giải quyết được vấn đề và giúp các tuyến đường vận chuyển qua Biển Đỏ trở lại bình thường, đó sẽ là thông tin tích cực. Nhưng rủi ro là nếu tình trạng này bắt đầu leo thang, tình hình đó sẽ khiến giá dầu tăng đột biến và gây ra sự gián đoạn hơn nữa trên các tuyến đường vận tải hàng hải.

Một tàu chở hàng di chuyển qua Kênh đào Suez, Ai Cập ngày 28/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Một tàu chở hàng di chuyển qua Kênh đào Suez, Ai Cập ngày 28/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều tuần gián đoạn ở Kênh đào Suez của Ai Cập, nơi có khoảng 12% hoạt động thương mại trên toàn thế giới đi qua khu vực này, cũng đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp.

Viện kinh tế Đức IfW Kiel mới đây cho biết, thương mại toàn cầu đã giảm 1,3% từ tháng 11-12/2023 do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi khiến khối lượng hàng hóa vận chuyển ở khu vực Biển Đỏ giảm mạnh. Các hãng vận tải khổng lồ như Maersk và Hapag-Lloyd đã chuyển hướng tàu của họ sang những hải trình dài và đắt đỏ hơn qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi.

Trong khi đó, việc chi phí nhiên liệu và vận chuyển sẽ tăng cao bao nhiêu đang ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ vọng của thị trường về đà phục hồi của chứng khoán thế giới. Những kỳ vọng này vốn dựa trên quan điểm nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái và Cục Dự trữ liên bang (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng toàn cầu khác sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Ông Rob Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng ING, cho biết, nhà đầu tư sẽ quay trở lại hướng giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, tình hình này chưa hoàn toàn phát triển thành trường hợp nhà đầu tư rời bỏ các kênh rủi ro.

Theo ông, thị trường đang chỉ tìm kiếm một chút cảm giác an toàn vào lúc này. Vì vậy, những diễn biến trên thị trường trái phiếu có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất về tình hình đang diễn ra.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn đã tăng 9% kể từ giữa tháng 12/2023, trong khi giá vàng tỏ ra trầm lắng hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ hầu như không tăng và vẫn ở mức dưới 4%. Kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất đã khiến lợi suất trái phiếu tiêu chuẩn của nước này giảm tới 1 điểm phần trăm trong khoảng hai tháng qua.

Ông Josh Crabb, người đứng đầu bộ phận thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương tại công ty quản lý đầu tư Robeco, đánh giá một sự leo thang xung đột mạnh mẽ tại Trung Đông có thể gây tác động đáng chú ý đến các thị trường. Tuy nhiên, ông hy vọng rằng xác suất xảy ra điều đó sẽ thấp.

H.Thủy/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xung-dot-leo-thang-o-trung-dong-de-doa-su-can-bang-cua-cac-thi-truong/321528.html