Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng thế nào đến nhiệm kỳ của Tổng thống Biden?
Chiến dịch quân sự ngày càng mở rộng của Nga vào Ukraine mở ra những thách thức mới trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Khởi đầu với những mục tiêu như cạnh tranh với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đối phó với đại dịch và khôi phục nền kinh tế, chính quyền của Tổng thống Joe Biden lại phải đối mặt với một thực tế “nằm ngoài quỹ đạo” khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang thành những xung đột quân sự.
Trước đó, ông Biden đã nói về việc tạo dựng một mối quan hệ “ổn định và có thể dự đoán được” với Tổng thống Nga Putin, được cho là ngụ ý rằng Mỹ sẽ hướng trọng tâm sang những thách thức khác cấp bách hơn.
Nhưng giờ đây, cuộc giao tranh tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai đã bùng nổ. Mặc dù các lực lượng Mỹ không trực tiếp tham gia, cuộc xung đột được cho là đang thử thách giới hạn sức mạnh của Washington cũng như chiến dịch của ông Biden nhằm đảm bảo vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
“Chúng tôi chống lại những kẻ bắt nạt”, ông Biden nói hôm 24/2 tại Nhà Trắng. “Chúng tôi đứng lên vì tự do. Điều này thể hiện chúng tôi là ai”.
Kế hoạch trừng phạt phức tạp
Những nỗ lực của ông Biden nhằm ngăn chặn cuộc tấn công - đe dọa trừng phạt và đưa ra những thông tin về kế hoạch của Nga - đã không thành công. Trước xung đột, các quan chức Mỹ cáo buộc rằng Moskva có kế hoạch lật đổ chính phủ Ukraine và “cài cắm” chính quyền thân Nga thay thế, điều mà Moskva đã phủ nhận.
Chiến dịch quân sự của Nga diễn ra, ông Biden đã phải chuyển hướng sang các kế hoạch trừng phạt phức tạp nhắm vào kinh tế nước này. “Đây là một cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm”, Timothy Naftali, nhà sử học tại Đại học New York, người đã nghiên cứu về nhiệm kỳ tổng thống Mỹ và Liên Xô, cho biết. Naftali cho rằng tương lai của châu Âu phụ thuộc vào việc điện Kremlin đáp ứng các lệnh trừng phạt thế nào.
Trong các lệnh trừng phạt bổ sung, Mỹ nhắm vào các ngân hàng Nga bằng cách đóng băng tài sản của họ ở các quốc gia phương Tây, hạn chế khả năng nhập khẩu các công nghệ quan trọng (như chất bán dẫn) của Moskva.
Ông Biden nói: “Chúng tôi đã chủ ý thiết lập các biện pháp trừng phạt này để tối đa hóa tác động lâu dài đối với Nga và giảm thiểu tác động đối với Mỹ và các đồng minh”.
Cuộc chiến sẽ thử thách sự kiên nhẫn của người Mỹ trong vai trò đối với các cuộc xung đột nước ngoài, ngay cả khi quân đội Mỹ không tham chiến. Ông Biden đã phải đối mặt với việc tỷ lệ ủng hộ giảm, trong khi các chương trình nghị sự trong nước, bao gồm các sáng kiến giáo dục và các chương trình khí hậu, bị đình trệ.
Ông Biden đã nói: “Tôi muốn hạn chế sự thiệt thòi mà người Mỹ phải chịu khi đổ xăng. Điều này rất quan trọng". Giờ đây, những tác động kinh tế từ các lệnh trừng phạt có thể góp phần làm trầm trọng vấn đề lạm phát và khiến giá khí đốt tăng cao, vào thời điểm mà đảng Dân chủ có khả năng mất quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.
Duy trì vị thế trong các liên minh
Duy trì sự thống nhất với các đồng minh cũng có thể là một thách thức đối với Mỹ. Mặc dù Nhà Trắng đã nhấn mạnh đoàn kết quốc tế, các quốc gia châu Âu có những mong muốn khác nhau đối với việc phải thách thức Moskva và bỏ qua sự rộng rãi tài chính của các tài phiệt Nga. Việc loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT, một mạng lưới giao dịch quốc tế đã gây không ít tranh cãi.
Ông Biden cũng đã dự đoán Tổng thống Putin “sẽ kiểm tra quyết tâm của phương Tây để xem liệu chúng ta có sát cánh cùng nhau hay không. Và chúng tôi sẽ làm như vậy". Naftali bình luận rằng Biden, một chính trị gia có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại sâu sắc, người đã chấp nhận vai trò truyền thống của Mỹ trong việc củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương, “có đủ những điều kiện đặc biệt để thể hiện vai trò lãnh đạo này”.
“Điều này mang lại cho ông ấy cơ hội để chứng minh những lập luận rằng bạn cần một tổng thống hiểu rõ các liên minh và nhận ra rằng bạn không thể đi một mình”, theo chuyên gia. Tăng cường các mối quan hệ quốc tế là một phần trong chiến lược thuyết phục cử tri của Biden, khi ông cạnh tranh với cựu Tổng thống Donald Trump, người được cho là không xem trọng các liên minh lâu đời ở châu Âu.
Phản ứng cân bằng
Bên cạnh đó, Eliot A. Cohen, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang làm việc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cho rằng Mỹ sẽ phải đối phó với những thách thức từ cả Nga và Trung Quốc - khi vấn đề xung quanh bán đảo Đài Loan nóng lên.
Cuộc chiến ở Ukraine còn có khả năng trở thành một cuộc khủng hoảng lớn hơn, khi giao tranh diễn ra xung quanh các cơ sở hạt nhân, làm ảnh hưởng đến khu vực.
Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger cho rằng diễn biến nhiều khả năng sẽ kích hoạt Điều 5 - cam kết bảo vệ lẫn nhau của NATO. Trước đó, một số thành viên NATO trong khu vực đã sử dụng Điều 4, yêu cầu tham vấn khi các nước lo ngại lãnh thổ của họ đang bị đe dọa. Ukraine không phải là thành viên của liên minh.
Trong các tuyên bố triển khai thêm binh sĩ và khí tài tới châu Âu, ông Biden cam kết Mỹ “sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO bằng toàn bộ sức mạnh”. Douglas Brinkley, nhà sử học về tổng thống tại Đại học Rice, cho biết ông Biden “phải hăng hái và cứng rắn nhưng không để tình hình biến thành Thế chiến III”.
Theo chuyên gia, ông Biden sẽ muốn ngăn chặn Nga, nhưng không thể “khiến mọi người nhớ đến Jimmy Carter” - đề cập đến việc cựu Tổng thống phản ứng với sự can thiệp quân sự của Liên Xô ở Afghanistan năm 1979.
Theo các cuộc thăm dò mới từ AP, 44% người Mỹ tán thành nhiệm kỳ tổng thống của Biden, trong khi 55% không tán thành. Một cuộc thăm dò trước đó thực hiện vào tháng 1 cho thấy chỉ 25% người Mỹ nghĩ rằng Biden là “nhà lãnh đạo mạnh mẽ”
Giờ Biden có cả thách thức và cơ hội để chứng minh những người nghi ngờ ông là sai.