Xung đột Nga – Ukraine bước sang năm thứ 2: Nhiều nỗ lực ngoại giao tìm kiếm hòa bình

Thế giới đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine vừa bước sang năm thứ hai; trong đó Kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm từ Trung Quốc nhận được nhiều phản hồi trái chiều.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/2 đã công bố đề xuất 12 điểm, theo đó kêu gọi một lệnh ngừng bắn giữa Nga-Ukraine, thúc giục hai bên hòa đàm.

Ảnh: TASS

Ảnh: TASS

Theo Kế hoạch của Trung Quốc, đối thoại và đàm phán là con đường khả thi duy nhất để giải quyết khủng hoảng. Phương Tây cũng cần chấm dứt đòn trừng phạt vào Nga, thực hiện các biện pháp ngăn chặn những cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở dân sự, giữ an toàn cho cơ sở hạt nhân, thiết lập hành lang nhân đạo và bảo đảm hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.

Trung Quốc đề xuất chấm dứt “tư tưởng chiến tranh lạnh”, nhấn mạnh lợi ích và mối quan ngại an ninh chính đáng của mọi quốc gia cần được xem xét nghiêm túc và giải quyết phù hợp. Tái khẳng định lập trường của Trung Quốc, đề xuất kêu gọi các bên “không sử dụng vũ khí hạt nhân, không tiến hành chiến tranh hạt nhân”.

Các bên liên quan đã đồng loạt đưa ra phản ứng trước kế hoạch này. Nga hoan nghênh các đề xuất, mong muốn chân thành của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc xung đột bằng giải pháp hòa bình. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Moscow sẵn sàng hòa đàm để đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, bà Zakharova cũng nhấn mạnh, Ukraine phải công nhận “thực tế lãnh thổ mới” ở những khu vực sáp nhập Nga vào năm ngoái, gồm Donetsk, Lukhansk, Kherson và Zaporizhzhia, cũng như Crimea trước đó.

Trong khi đó, Ukraine và phương Tây phản ứng “dè dặt” với kế hoạch này.

“Chủ thể và người khởi xướng bất kỳ sáng kiến hòa bình nào chỉ có thể là quốc gia có lãnh thổ đang xảy ra xung đột. Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra đề xuất của mình. Tôi nghĩ rằng kế hoạch mà Trung Quốc vừa đưa ra chỉ là quan điểm của Trung Quốc và là một tín hiệu quan trọng. Cho đến nay, tôi coi đó là một tín hiệu”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói.

Còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Trung Quốc còn thiếu “sự tin cậy” để đưa ra kế hoạch hòa bình.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đưa ra phản ứng tương tự, nói rằng lộ trình hòa bình mà Trung Quốc nêu ra là một bộ nguyên tắc mơ hồ, không phải là một kế hoạch hành động cụ thể. Còn với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, đề xuất của Trung Quốc chỉ dùng được 1 điều, đó là: tôn trọng chủ quyền mọi quốc gia.

Bên cạnh kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, hôm qua, chính phủ Argentina cũng đã kêu gọi Nga - Ukraine ngừng bắn và nối lại đàm phán nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột.

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng đang đẩy mạnh nỗ lực làm trung gian hòa giải cho Nga và Ukraine. Theo trang tin Bloomberg, ý tưởng của nhà lãnh đạo Brazil là lập một nhóm quốc gia, có thể bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia, để làm trung gian cho hòa đàm.

Hôm qua, Tổng thống Thổ Nhỹ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – người đóng vai trò trung gian nổi bật trong suốt 1 năm qua, đã có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Nga và Ukraine để cập nhật những diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine; tái khẳng định cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ về việc sẵn sàng cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào để đạt được lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình cho hai bên./.

Đình Nam/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/xung-dot-nga-ukraine-buoc-sang-nam-thu-2-nhieu-no-luc-ngoai-giao-tim-kiem-hoa-binh-post1003963.vov