Xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài, quan hệ giữa Washington và Kiev càng rạn nứt?
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Washington và Kiev đã sát cánh cùng nhau và Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ hỗ trợ Kiev 'đến chừng nào còn cần'. Tuy nhiên, sau hơn một năm xung đột, hai quốc gia ngày càng có nhiều bất đồng về mục tiêu đặt ra trong cuộc chiến, cách thức và thời điểm kết thúc xung đột.
Theo tờ Politico, hạ nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho rằng: “Chính quyền không có mục tiêu chính sách hay mục đích rõ ràng. Chúng ta đang cung cấp vũ khí cho họ đủ để tồn tại chứ không phải để giành chiến thắng hay sao? Tôi không thấy một chính sách nào hướng đến chiến thắng, và nếu chúng ta không có chính sách đó, thì chúng ta đang làm gì”.
Nhìn từ bên ngoài, quan hệ Mỹ - Ukraine có vẻ đã trở nên gắn bó hơn sau khi Tổng thống Joe Biden tới Kiev vào tháng trước. Tuy nhiên, nguồn tin dẫn lời các quan chức, nghị sĩ của Mỹ và chuyên gia cho biết những vấn đề căng thẳng mới trong quan hệ hai bên đang xuất hiện. Những rạn nứt này liên quan đến vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), việc Ukraine kiên quyết phòng thủ Bakhmut - thành phố mà Mỹ coi là không quan trọng về mặt chiến lược, cùng kế hoạch giành quyền kiểm soát khu vực Crimea mà Nga tuyên bố sáp nhập từ năm 2014.
Nga đã bao vây Bakhmut trong 9 tháng. Song giới chuyên gia cho rằng việc kiểm soát thành phố phía Đông Nam Ukraine không thể thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc xung đột. Bakhmut đã trở thành điểm nóng của cuộc chiến trong những tuần gần đây, với việc quân đội Nga và Công ty quân sự Wagner đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại lực lượng Ukraine.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn cố thủ, không rút quân khỏi Bakhmut ngay cả khi phải trả giá đắt. Cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề và biến thành phố này trở thành đống đổ nát.
Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh Lục quân Ukraine cho biết: “Việc bảo vệ thành phố cho phép chúng tôi có nhiều thời gian để chuẩn bị lực lượng dự bị và các hoạt động tấn công trong tương lai.”
Nhiều quan chức chính quyền Mỹ cũng bắt đầu lo lắng rằng Ukraine đang sử dụng quá nhiều nhân lực và đạn dược ở Bakhmut, đến mức có thể làm suy yếu khả năng tổ chức cuộc phản công lớn vào mùa xuân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhận định: “Tôi chắc chắn không muốn đánh giá thấp công sức to lớn mà các binh sĩ và lãnh đạo Ukraine đã bỏ ra để bảo vệ Bakhmut, nhưng tôi nghĩ nơi này mang nhiều giá trị biểu tượng hơn là giá trị chiến lược và tác chiến”.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng Kiev đã phớt lờ ý kiến của Washington. Một đánh giá của tình báo Mỹ cáo buộc nhóm thân Ukraine” đứng sau phá hủy các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream vào mùa thu năm ngoái. Tờ New York Times không tiết lộ nhiều chi tiết nhưng dường như đã bác bỏ giả thuyết cho rằng Moskva đứng sau vụ phá hoại các đường ống dẫn khí đốt của Nga đến châu Âu.
Các nhà phân tích tình báo cho rằng Tổng thống Zelensky hay các giới chức trong chính quyền của ông không liên quan đến vụ phá hoại này. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đã cảnh báo Kiev rằng họ sẽ không chấp nhận các hành động bạo lực bên ngoài biên giới Ukraine.
Bên cạnh đó, việc Mỹ liên tục cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng ngày càng khiến nhiều người thất vọng. Cho đến nay, Washington đã gửi nhiều vũ khí và trang thiết bị nhất ra tiền tuyến, tuy nhiên, Kiev luôn mong chờ những chuyến viện trợ tiếp theo. Một số quan chức Nhà Trắng đã phàn nàn về việc Kiev liên tục đưa ra yêu cầu về vũ khí và đôi khi Tổng thống Zelensky không thể hiện lòng biết ơn thích đáng.
Dẫu vậy, Washington đã tuyên bố dứt khoát rằng liên minh giữa Mỹ và Kiev vẫn vững mạnh, đồng thời khẳng định quan hệ này vẫn sẽ tồn tại nếu xung đột còn diễn ra.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho hay Nhà Trắng vẫn thường xuyên liên lạc với Ukraine để hỗ trợ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bà Watson cho rằng khi chiến dịch quân sự của Nga chưa kết thúc, điều tốt nhất Mỹ có thể làm là “tiếp tục giúp Ukraine thành công trên chiến trường, để họ có thể ở vị thế mạnh nhất trên bàn đàm phán khi thời điểm đó diễn ra”.
Tuy nhiên, quan điểm ngày càng mẫu thuẫn của hai bên có thể báo trước sự chia rẽ lớn hơn trong cuộc tranh luận cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào.
Dù Tổng thống Biden đã cam kết hỗ trợ và Mỹ vẫn đang bơm tiền cho Ukraine, Washington đã nói rõ với Kiev rằng họ không thể tài trợ cho Ukraine vô thời hạn với mức độ này. Ngày càng nhiều thành viên đảng Cộng hòa bày tỏ sự hoài nghi về việc sử dụng ngân sách của Mỹ để hỗ trợ Ukraine cho cuộc chiến ở một nơi xa xôi không biết khi nào mới có hồi hết.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã tuyên bố Mỹ sẽ không cung cấp một “tấm séc trắng” cho Ukraine và từ chối lời mời đến Kiev để xem xét tình hình thực tế.
Hơn nữa, giới chức Mỹ tin rằng việc ông Zelensky cương quyết giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ cũ của Ukraine - bao gồm cả Crimea vốn đã sáp nhập vào Nga hồi 2014 - trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo Kiev việc giành lại Crimea sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Tổng thống Putin. Điều này có thể khiến xung đột leo thang hơn nữa.
Hơn nữa, Lầu Năm Góc không chắc liệu các lực lượng Ukraine - mặc dù được trang bị vũ khí tinh vi của phương Tây - có thể đánh bật Nga khỏi Crimea sau gần một thập niên hay không.
Tổng thống Biden vẫn nhắc lại thông điệp rằng Mỹ sẽ để Tổng thống Zelensky đưa ra mọi quyết định về chiến tranh và hòa bình. Tuy nhiên, khắp Washington đã bắt đầu bàn tán liệu điều này sẽ kéo dài bao lâu trong bối cảnh xung đột kéo dài và một cuộc bầu cử tổng thống khác sắp diễn ra.