Xung đột Nga – Ukraine: Công ty gỗ Việt đổi hướng kinh doanh
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh đồ gỗ bắt đầu chịu tác động từ ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
"Nga không phải là thị trường quan trọng của Việt Nam cả về nguồn cung gỗ nguyên liệu và thị trường tiêu thụ đồ gỗ. Tuy nhiên Nga là nguồn cung gỗ nguyên liệu khổng lồ cho thế giới. Do đó, cuộc chiến Nga – Ukraine ảnh hưởng tới cung – cầu gỗ nguyên liệu và có thể tác động trực tiếp tới ngành gỗ Việt Nam".
Đó là đánh giá của ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends tại buổi tọa đàm trực tuyến “Xung đột Nga – Ukraine và tác động tiềm tàng tới ngành gỗ Việt Nam”, ngày 9-3. Buổi tọa đàm do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp cùng các hiệp hội, hội gỗ địa phương và Tổ chức Forest Trends tổ chức.
Phân tích sâu hơn, ông Phúc cho biết trong các thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, Nga là thị trường rất nhỏ. Ở chiều nhập khẩu, Nga cũng không phải thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng của Việt Nam.
Tuy nhiên, với lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm hoặc bị mất đi trong tương lai, bức tranh cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động mạnh. Bởi, Việt Nam là một quốc gia cũng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập từ 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm.
"Nga là quốc gia có diện tích rừng tự nhiên vô cùng lớn, 815 triệu ha, lớn gấp 60 lần diện tích rừng hiện tại của Việt Nam. Lượng gỗ khai thác mỗi năm của Nga khoảng 200 triệu m3, tương đương 10% lượng cung toàn cầu. Năm 2020, Nga xuất khẩu khoảng 15 triệu m3 gỗ tròn, chiếm 12% lượng gỗ tròn giao dịch toàn cầu. Nga cũng là nguồn cung gỗ xẻ lớn nhất trên thế giới" - báo cáo của Tổ chức Forest Trends cho biết.
Chia sẻ tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp gỗ cho biết đã bắt đầu chịu tác động từ ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Đại diện Công ty gỗ An Lạc cho biết kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga - Ukraine, các đơn hàng từ Ukraine không thể chuyển về Việt Nam được nữa. Việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Âu cũng bị ảnh hưởng vì nguồn cung có hạn, giá bị đẩy lên cao khiến chi phí sản xuất tăng lên. Lý do là bởi EU sẽ phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp do không nhập từ Nga.
Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu cho biết: "Tôi đã gọi điện cho các nhà cung cấp và biết rằng giá nguyên liệu gỗ đã tăng lên. Việc đấu giá gỗ nguyên liệu sẽ phải cạnh tranh rất cao và bên cạnh đó, giá cước tàu vận chuyển thời gian tới cũng sẽ tăng".
Tuy nhiên, bên cạnh những bất lợi thì nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng cho rằng đây là cơ hội để ngành gỗ Việt vươn lên.
Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland lạc quan: Khi các nhà sản xuất nội thất ở EU cũng thiếu nguồn nguyên liệu từ Nga thì đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất. Không chỉ vậy, Việt Nam có lợi thế là có lượng gỗ từ rừng trồng đang cung ứng khá tốt với sản lượng lớn, giá thành tốt.
"Trong tình hình bất ổn như hiện nay, việc duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn cung gỗ nội địa cả về lượng và chất sẽ là chỗ dựa lớn, tốt cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam" - ông Bằng nói.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho rằng, đây là lý do để đề nghị khách hàng chuyển sang sử dụng gỗ rừng trồng trong nước thay thế sản phẩm gỗ nhập khẩu. Đồng thời, thay thế việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu để giảm chi phí. Bản thân khách hàng của doanh nghiệp ông cũng đã đưa ra ý kiến tìm nguồn gỗ thay thế.