Xung đột Nga – Ukraine đặt dấu chấm hết cho 'xe tăng bay'?
Sức mạnh không quân kiểu cũ chỉ giữ vai trò mờ nhạt trong xung đột Nga - Ukraine, do tác động vượt trội của máy bay không người lái (UAV) tấn công tự sát và tên lửa hành trình cả hai bên sử dụng.
Khi Không quân Nga dường như tăng cường hoạt động bên trong không phận Ukraine vào tháng 9, tổn thất của lực lượng này đã tăng mạnh, theo các ghi nhận tại hiện trường. Các máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất (CAS) có kết quả đặc biệt tồi tệ, đặt ra câu hỏi về tương lai của CAS và triển vọng đưa các máy bay tương tự của Mỹ tới Ukraine.
Theo tạp chí The Economist, các CAS có nhiệm vụ yểm trợ binh lính dưới mặt đất và nhắm bắn vào các mục tiêu trên chiến trường khi chúng xuất hiện, thay vì thực hiện các vụ ném bom được lên kế hoạch trước. Ví dụ, các chiến cơ Su-25 Frogfoot, mệnh danh “xe tăng bay” của Nga được thiết kế để bay thấp và chậm, bắn các mục tiêu mặt đất bằng súng đại bác, rocket và tên lửa. Chúng là sự kế thừa trực tiếp của thiết giáp bọc thép Ilyushin II-2 Shturmovik có từ thời Liên Xô, từng giúp tiêu diệt các đơn vị thiết giáp Panzer của Đức quốc xã trong Thế chiến hai.
Tuy nhiên, việc bay quá gần kẻ thù đẩy CAS vào nguy hiểm, đòi hỏi được bảo vệ đặc biệt. Su-25 được bọc thép dọc theo bụng cũng như hai bên sườn và mang theo pháo sáng để làm mồi nhử cho tên lửa tầm nhiệt.
Những tháng gần đây, các phi công Su-25 của Nga và các phi công trực thăng của Ukraine được tin đã bắn tên lửa một cách tù mù vào mục tiêu từ xa, để tránh tiếp xúc với hỏa lực của đối phương. Dẫu vậy, tổn thất vẫn rất nặng nề. Mối nguy lớn nhất đối với CAS của Nga dường như là các tên lửa phòng không vác vai cỡ nhỏ như Stinger do Mỹ cấp cho Ukraine và đang ngày càng phổ biến.
Trước khi chiến sự bùng phát, Nga được cho sở hữu phi đội gồm 192 chiếc Su-25. Theo Oryx, một nhóm chuyên gia phân tích độc lập của Hà Lan chuyên theo dõi những tổn thất đã xác minh của Moscow, cho đến nay, Không quân Nga đã mất ít nhất 23 chiếc Su-25, chiếm hơn 1/3 tổng số tổn thất về chiến đấu cơ của đất nước. Các báo cáo chưa được kiểm chứng cho thấy con số thực tế có thể lớn hơn. Các nguồn tin Ukraine quả quyết, ít nhất 15 chiếc Su-25 nữa của Nga đã bị bắn rơi trong tháng 9 và tháng 10.
Tỷ lệ tổn thất cao cho thấy CAS có thể đã hết thời. Đây là tin xấu đối với những người hâm mộ mẫu cường kích A-10 Thunderbolt II, biệt danh “Lợn lòi” của Mỹ. Là cỗ máy CAS tân tiến hơn Su-25, A-10 bọc thép còn được gọi là khẩu súng nhiều nòng bắn nhanh Gatling khổng lồ, có cánh.
Chiến sự ở Ukraine từng được coi là môi trường lý tưởng cho “Lợn lòi” và nhiều người đã kêu gọi Mỹ chuyển một số chiếc A-10 để hỗ trợ các lực lượng Kiev. Alexander Gorgan, một doanh nhân Ukraine từng là sĩ quan bộ binh và rất đam mê A-10, thậm chí còn thành lập một cơ sở đào tạo ở ngoại ô Kiev để các phi công nước này học lái mẫu CAS đó.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và Không quân Mỹ vẫn hoài nghi khả năng “Lợn lòi” có thể sống sót trước các hệ thống phòng không tiên tiến. Trong nhiều năm, Không quân Mỹ đã cố gắng cho phi đội A-10 nghỉ hưu.
Cho đến nay, Mỹ vẫn từ chối gửi bất kỳ loại máy bay nào tới Ukraine, một phần vì lo ngại nguy cơ leo thang tình hình. Một cố vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nêu rõ, họ muốn nhận máy bay chiến đấu đa năng F-16 hơn A-10. Chúng có thể được sử dụng để chiến đấu không đối không, đánh chặn UAV và tên lửa hành trình cũng như tham gia các nhiệm vụ tập kích.
Song, tổn thất với dàn CAS của Nga có thể kết thúc những tranh cãi. Thời đại của máy bay bay nhắm bắn các mục tiêu trên mặt đất ở cự ly gần dường như đã kết thúc, ít nhất khi cả hai bên đều có hệ thống phòng không dồi dào. Các loại vũ khí dẫn đường hiện đại có thể chưa loại bỏ được xe tăng mặt đất, nhưng đang trên đà đưa “xe tăng bay” trở thành đồ cổ.